01/07/2015
Vừa qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã công bố tài liệu “Trả lại bản chất phí BVMT nhằm giảm thiểu tác động, hạn chế xung đột trong lĩnh vực khai thác khoáng sản” mới thực hiện với sự hỗ trợ từ Chương trình Liên minh Khoáng sản và Oxfam Anh.
Khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)
Theo đó, khai khoáng được xác định là ngành công nghiệp gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh kế người dân. Bên cạnh đó, việc vận chuyển quặng cũng gây ra những sức ép đối với hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương. Đặc biệt, so với công nghiệp chế biến, tác động môi trường trong khai thác khoáng sản thường diễn ra ở quy mô rộng, khó kiểm soát và có thể tiếp diễn sau khi kết thúc hoạt động khai thác.
Hiện nay, việc thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, như: Canađa, Úc, Thụy Điển, Anh, Đan Mạch, Cộng hòa Séc hay một số bang của Hoa Kỳ. Việt Nam bắt đầu thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản từ năm 2006. Trong đó, các Nghị định số 137/2005/NĐ-CP; Nghị định số 63/2008/NĐ-CP; Nghị định số 74/2011/NĐ-CP đã được ban hành trong 10 năm và tạo ra một nguồn lực tài chính đáng kể cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, Báo cáo của PanNature và CDI cho rằng, hiệu quả của chính sách thu phí BVMT về mặt xã hội và môi trường vẫn chưa được đánh giá và rà soát lại. Trong bối cảnh Bộ Tài chính đang được giao nghiên cứu và sửa đổi Nghị định số 174/2007/NĐ-CP. Do vậy, phí BVMT trong khai thác khoáng sản cần phải được quy định cụ thể, với vai trò là một trong những công cụ chính sách để bù đắp các tổn thất do hoạt động khai khoáng gây ra.
Minh Viễn