26/06/2018
Tỉnh Phú Yên là một trong những khu vực khô hạn nhất cả nước. Trong khi đó, nguồn nước mặt của các sông đang có xu hướng bị ô nhiễm do hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương. Sông Ba và Kỳ Lộ bắt nguồn từ ngoài tỉnh, có diện tích lưu vực lớn, là nguồn cung cấp nước mặt phục vụ chủ yếu cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Do vậy, trong thời gian tới nếu không quản lý tốt tài nguyên nước mặt của 2 lưu vực sông sẽ không đáp ứng được nhu cầu về sử dụng nước mặt. Nhằm đảm bảo khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt phục vụ quá trình phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu BVMT góp phần sử dụng tài nguyên nước bền vững, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 14/3/2018, quy định phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải thuộc lưu vực sông Ba và sông Kỳ Lộ trên địa bàn tỉnh.
1. Đánh giá tổng hợp các tiêu chí phân vùng tiếp nhận nước thải của sông
Dựa vào hiện trạng và quy hoạch phát triển KT-XH để biết được việc phân bố các loại hình nước thải đổ vào sông như nguồn thải công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hay đô thị. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên đến năm 2020, sông Ba từ thượng lưu đến hợp lưu sông Hinh và sông Ba là vùng nông nghiệp; từ hợp lưu sông Ba và sông Hinh đến đập Đồng Cam là vùng nông nghiệp và công nghiệp; từ đập Đồng Cam đến trước khi đổ vào TP. Tuy Hòa là vùng nông nghiệp; từ TP. Tuy Hòa ra biển là vùng tập trung phát triển nhóm ngành dịch vụ; lưu vực sông Kỳ Lộ từ thượng nguồn đến điểm trên Nhà máy đường Đồng Xuân là vùng nông nghiệp; từ Nhà máy đường Đồng Xuân đến biển Đông là vùng nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đô thị; nhánh sông Nhân Mỹ là vùng nông nghiệp và đô thị; nhánh sông Cô là vùng tập trung sản xuất nông nghiệp.
Theo các đặc trưng thủy văn, hình thái, địa hình, những đoạn sông không có sự biến động nhiều về lưu lượng và nồng độ chất ô nhiễm được phân làm từng nhóm riêng. Sông Ba từ thượng lưu đến thuỷ điện sông Ba Hạ tiếp nhận và chịu ảnh hưởng dòng chảy của sông Krông Năng; từ thủy điện sông Ba Hạ đến hợp lưu sông Ba và sông Hinh chịu sự điều tiết dòng chảy của thuỷ điện sông Ba Hạ; từ hợp lưu sông Ba và sông Hinh đến đập Đồng Cam tiếp nhận và chịu ảnh hưởng dòng chảy của sông Hinh; từ đập Đồng Cam đến trước khi đổ vào TP. Tuy Hòa chịu sự điều tiết dòng chảy của đập Đồng Cam; từ TP. Tuy Hòa ra biển là đoạn cửa biển. Sông Kỳ Lộ, đoạn ở thượng nguồn chịu sự điều tiết của hồ thủy điện La Hiêng 2, đoạn ở hạ nguồn ra tới biển có nhiều nhánh sông hợp lưu và hồ thủy lợi, nhánh sông Nhân Mỹ ở hạ nguồn là đoạn tách khỏi dòng chính và cùng chảy ra cửa biển có lưu lượng khá nhỏ so với dòng chính, nhánh sông Cô ở thượng nguồn chảy nhập vào sông chính là nhánh sông lớn nhất của sông Kỳ Lộ.
Rà soát các vị trí của vùng nhạy cảm như khu vực cấp nước sinh hoạt, các khu bảo tồn đa dạng sinh học: Sông Ba từ thượng lưu đến hợp lưu sông Ba và sông Hinh hiện đang có khu bảo tồn thiên nhiên Krong Trai và các điểm khai thác nước mặt (Nhà máy nước Sơn Hòa khai thác nước mặt sông Ba, Nhà máy nước sông Hinh khai thác nước mặt sông Hinh, Nhà máy tinh bột sắn sông Hinh khai thác nước mặt sông Hinh), từ hợp lưu sông Ba và sông Hinh đến hợp lưu sông Ba và sông Đồng Bò có điểm khai thác nước mặt sông Ba của Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam và điểm khai thác nước mặt sông Đồng Bò của Công ty CP Mía đường Tuy Hòa. Từ hợp lưu sông Ba và sông Đồng Bò đến cửa biển có điểm khai thác nước mặt sông Ba và nước ngầm tầng nông của Công ty CP cấp thoát nước Phú Yên tại huyện Phú Hòa. Sông Kỳ Lộ từ thượng nguồn đến điểm trên Nhà máy đường Đồng Xuân có hồ thủy điện La Hiêng 2 và công trình nước sạch nông thôn khai thác nước mặt sông Kỳ Lộ cấp nước cho xã Xuân Quang 3; từ Nhà máy đường Đồng Xuân đến biển có một số điểm khai thác nước mặt (công trình cấp nước sạch nông thôn nhỏ, nhà máy nước Tuy An khai thác nước mặt sông Hà Yến, Nhà máy nước Đồng Xuân khai thác nước ngầm tầng nông bên bờ sông Ba, Nhà máy đường Đồng Xuân và Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân khai thác nước mặt sông Kỳ Lộ) và đập nước Tam Giang, Hà Yến, nhánh sông Nhân Mỹ có đập nước Đồng Kho và trong tương lai sẽ là điểm khai thác nước mặt nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho thị xã sông Cầu, nhánh sông Cô có một số điểm khai thác nước mặt (công trình cấp nước sạch nông thôn khai thác nước mặt hồ Kỳ Châu, điểm khai thác nước mặt suối Mơ của Hợp tác xã khai thác, chế biến đá xuất khẩu Đồng Xuân).
Căn cứ vào hiện trạng và kết quả dự báo mức độ ô nhiễm nước mặt từ mô hình Mike 11: Sông Ba từ thượng nguồn đến hợp lưu sông Ba và sông Hinh, chất lượng nước sông ít biến động; từ hợp lưu sông Ba và sông Hinh đến đập Đồng Cam, chất lượng nước sông Ba giảm do tiếp nhận nước thải từ các nhà máy công nghiệp; từ đập Đồng Cam đến trước khi đổ vào TP. Tuy Hòa, chất lượng nước sông tương đối ổn định; từ TP. Tuy Hòa ra biển, nước sông bị nhiễm mặn do ảnh hưởng của nước biển. Sông Kỳ Lộ từ thượng nguồn đến điểm trên Nhà máy đường Đồng Xuân, chất lượng nước sông còn khá tốt, ít biến động; từ Nhà máy đường Đồng Xuân đến biển, chất lượng nước sông giảm dần do tiếp nhận nước thải từ các nhà máy sản xuất công nghiệp và nước thải từ các hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt từ các đô thị và hoạt động du lịch, đoạn cuối sông gần cửa biển bị nhiễm mặn do ảnh hưởng từ biển; nhánh sông Nhân Mỹ tương tự như đoạn chính ở hạ nguồn; nhánh sông Cô, nồng độ nền vào mùa kiệt tương đối cao do chịu ảnh hưởng từ các hoạt động nông nghiệp và tình trạng nước sông bị khô cạn, bốc hơi mạnh vào mùa khô.
Sử dụng mô hình hóa Mike 11 và phương pháp bảo toàn khối lượng để dự báo khả năng tiếp nhận nước thải của sông vào mùa khô đến năm 2020: Sông Ba từ thương nguồn đến đập Đồng Cam, còn khả năng chịu tải khi so sánh cột A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT; từ đập Đồng Cam ra cửa biển, còn khả năng chịu tải khi so sánh cột B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Sông Kỳ Lộ từ thượng nguồn đến điểm trên Nhà máy đường Đồng Xuân, còn khả năng chịu tải khi so sánh với cả 2 cột A2 và B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT; từ Nhà máy đường Đồng Xuân đến biển, có một số chỉ tiêu không còn khả năng chịu tải khi so sánh với cột A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT, còn khả năng chịu tải khi so sánh với cột B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT; nhánh Nhân Mỹ tương tự như đoạn chính ở hạ nguồn; nhánh sông Cô không còn khả năng chịu tải khi so sánh với cả 2 cột A2 và B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
2. Phân vùng tiếp nhận nước thải của lưu vực sông Ba và sông Kỳ Lộ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước bền vững
Đối với lưu vực sông Ba: Phân vùng sông Ba thành 4 đoạn để tiếp nhận nước thải. Việc phân vùng cho nhánh sông, suối, rạch và đầm, hồ thuộc lưu vực sông Ba cũng sẽ được phân vùng theo các đoạn sông Ba và nhu cầu khai thác nước mặt sử dụng cho mục đích sinh hoạt, cụ thể như sau:
- Đoạn từ thượng nguồn đến hợp lưu sông Ba và sông Hinh, chất lượng nước cần được bảo vệ nghiêm ngặt; đoạn từ hợp lưu sông Ba và sông Hinh đến đập Đồng Cam, chất lượng nước cần được kiểm soát chặt chẽ. Tại 2 đoạn sông Ba này và các sông, suối, hồ thuộc lưu vực của chúng được phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải áp dụng cột A, cụ thể: sông Cà Lúi, Hà Lan, Hinh, Nhau, Đồng Bò ; suối Tau, Tre, Oặc, Ta An, Trai, O, Lưa, Dốc Dài, Chà Rang, Bạc, Cúc, Hiệp Lai, Chầm Mâm, Thá, Ea BM'Ba, EA Cơ, EA Trăng, EA ĐoaI, Lạnh, EA Trôl, EA Sơn, Mây, Đá, Dầu, Ngang , hồ Suối Bùn, Ba Vỏ, Lồ Chảo (Ông Nam), Cau, Ngã Hai; hồ thủy điện sông Hinh và sông Ba Hạ. Đối với hệ số lưu lượng các nguồn nước mặt tiếp nhận Kq, đoạn sông Ba và hồ thủy điện sông Hinh có Kq=1, hồ thủy điện sông Ba Hạ có Kq=0,8, còn lại có Kq=0,9.
- Đoạn từ đập Đồng Cam đến trước khi đổ vào TP. Tuy Hòa có các điểm khai thác nước mặt phục vụ cho cấp nước sinh hoạt, chất lượng nước cần được theo dõi thường xuyên. Tại đoạn sông Ba và các suối thuộc lưu vực của đoạn này được phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải áp dụng cột B, cụ thể: suối Gia Ma, Gu Cát, Keo, K Sa, Cát, Phụ lưu số 42 (suối Cái); riêng vùng bảo hộ nguồn nước của các vị trí khai thác nước mặt trên sông Ba (từ vị trí trạm cấp nước trên sông Ba về phía thượng nguồn 1.000 m và về phía hạ nguồn 200 m) tại thôn Phú Lộc - xã Hòa Thắng, thôn Ân Niên - xã Hòa An, huyện Phú Hòa được phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải áp dụng cột A. Đối với hệ số lưu lượng các nguồn nước mặt tiếp nhận Kq, đoạn sông Ba có Kq=1, còn lại Kq=0,9
- Đoạn từ TP. Tuy Hòa ra biển, chất lượng nước sông được đánh giá là sạch vì được trao đổi thường xuyên với nước biển. Tại đoạn sông Ba này và các sông, suối, rạch thuộc lưu vực của đoạn này được phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải áp dụng cột B, cụ thể: Sông Bàu Đăng, Bơ; suối Đá Bàn; rạch Bàu Hạ. Đối với hệ số lưu lượng các nguồn nước mặt tiếp nhận Kq, đoạn sông Ba có Kq=1, còn lại có Kq=0,9
Đối với lưu vực sông Kỳ Lộ: Phân vùng sông Kỳ Lộ thành 4 đoạn để tiếp nhận nước thải. Việc phân vùng cho nhánh sông, suối và đầm, hồ thuộc lưu vực sông Kỳ Lộ cũng sẽ được phân vùng theo các đoạn sông Kỳ Lộ và nhu cầu khai thác nước mặt sử dụng cho mục đích sinh hoạt, cụ thể như sau:
- Đoạn từ thượng nguồn đến điểm xả nước thải của Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, đây là khu vực thượng nguồn nên chất lượng nước trên sông chính cũng như các sông, suối nhỏ, hồ cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tại đoạn sông Kỳ Lộ này và các sông, suối, hồ thuộc lưu vực của đoạn này được phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải áp dụng cột A, cụ thể: Sông Ea Tiouan, La Hiêng, Cà Tỏng, Kẻ Cách, Cà Tôn, Trà Bương; suối Ea Kan, Cối, Trà My, La Can, Tía, Tre, Sổ, Đập, Hàng, Ba Rai, Rách, Đá Mài, Trăng, Thùng, Cây Câu, Ea M La, Mặt Đập, Ea Tloan, Chư Phong, Ea Et Hlen, Ea Pa Bun Tieou, Hà Roi, Ca Te, Đá Vàng, Ma Ha, Hố O, Rô Môn, Đá Chét; hồ thủy điện La Hiêng 2. Đối với hệ số lưu lượng các nguồn nước mặt tiếp nhận Kq đều có Kq=0,9, riêng hồ thủy điện La Hiêng 2 có Kq=0,6.
- Đoạn từ điểm dưới điểm xả nước thải của Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân đến biển Đông, nguồn nước không có dấu hiệu bị ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời, kết quả tính toán cho thấy, vẫn còn khả năng tiếp nhận nước thải. Tại đoạn sông Kỳ Lộ và các sông, suối, hồ, đầm thuộc lưu vực của đoạn này được phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải áp dụng cột B và Kq= 0,9, cụ thể: Sông Vạn Củi, Đồng Tre, Đồng Cháy, Đồng Xa; suối Chức Hàn, Hải Tựa. Riêng sông Hà Yến, suối Ta Hô và Cái, hồ Kỳ Châu là nơi khai thác nước mặt phục vụ cho sinh hoạt, được phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải áp dụng cột A và Kq=0,9, đối với hồ Kỳ Châu có Kq=0,6.
- Nhánh sông Nhân Mỹ (sông Vét), lưu lượng trên đoạn sông này nhỏ hơn nhiều so với đoạn sông chính nên khả năng tự làm sạch cũng thấp hơn và trong tương lai được sử dụng để cấp nước sinh hoạt cho thị xã Sông Cầu. Do đó,nhánh sông này được phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải áp dụng cột A và Kq=0,9.
- Nhánh sông Cô, đây là nhánh sông lớn nhất của sông Kỳ Lộ tuy nhiên vào mùa khô lưu lượng nước trên nhánh sông này rất thấp, có đoạn khô kiệt, lưu lượng nước sông thấp làm cho khả năng chịu tải của sông cũng giảm theo. Nhánh sông này được phân vùng tiếp nhận nước thải áp dụng cột A và Kq=0,9.
Quy định về phân vùng tiếp nhận nước thải thuộc lưu vực sông Ba và sông Kỳ Lộ trên địa bàn tỉnh Phú Yên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/4/2018. Theo quy định phân vùng nguồn tiếp nhận nước thải, tất cả các cơ sở công nghiệp hiện nay đều phải có hệ thống xử lý nước thải đạt cột A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Từ nay đến 31/12/2019, tất các cơ sở đang áp dụng cột B phải có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để đạt cột A. Để Quyết định này được kịp thời triển khai, Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước mặt thuộc lưu vực sông Ba và sông Kỳ Lộ.
Hình 1. Lưu vực sông Kỳ Lộ | Hình 2. Lưu vực sông Ba |
Hình 3. Một đoạn sông Kỳ Lộ mùa khô | Hình 4. Sông Ba tại TP. Tuy Hòa |
ThS. Huỳnh Huy Việt
Chi cục BVMT tỉnh Phú Yên
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề II/2018)