Banner trang chủ

Phát triển nhiệt điện than phải gắn với bảo vệ môi trường

08/03/2017

     Ngày 3/3/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường”. Tham dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phương Hoàng Kim; Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Tài Anh; Đại diện Lãnh đạo Sở TN&MT và Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cùng 70 đại biểu trong nước, quốc tế.

     Theo Bộ Công Thương, đến nay, về cơ bản thủy điện vừa và lớn đã được khai thác hết. Từ sau năm 2020, cả nước sẽ phải tiếp tục phát triển và khai thác các dự án thủy điện nhỏ, ít tác động tới môi trường. Đối với các nhà máy nhiệt điện than, theo quy hoạch, tổng nguồn than trong nước cho điện có thể đưa vào cân đối trong dài hạn khoảng 45 - 50 triệu tấn, đủ cấp cho khoảng 15.000 MW. "Từ năm 2017, dự kiến nhập than sẽ tăng, lượng than nhập khoảng 85 triệu tấn vào năm 2030. Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tới, nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% điện sản xuất; Năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất”.

GS.TS Trương Duy Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

     GS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, vấn đề của nhiệt điện than chỉ là áp dụng công nghệ thế nào để đảm bảo môi trường. Ví dụ như Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải ở Trà Vinh với tổ máy công suất 600 MW đang áp dụng công nghệ siêu tới hạn rất đắt tiền và giảm lượng phát thải rất lớn, hạn chế được những vấn đề liên quan đến tiêu hao than và phát thải ô nhiễm. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận vai trò của nhiệt điện than một cách nghiêm túc, khách quan. Tuy nhiên, gần đây có nhiều tổ chức xã hội đã cung cấp những thông tin chưa đầy đủ, chuẩn xác cho cơ quan truyền thông khiến dư luận hiểu lầm. Đơn cử như việc đưa tin Mỹ đóng cửa 165 nhà máy nhiệt điện than nhưng lại không nói rõ đó là những nhà máy đã hết niên hạn".

     Cũng theo GS.TS. Trương Duy Nghĩa, về cơ bản công nghệ áp dụng trong các nhà máy nhiệt điện than là công nghệ hiện đại, phổ biến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và vận hành ban đầu cũng có 1 số nhà máy đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường cần phải xem xét, xử lý, khắc phục. Trên cơ sở phân tích các số liệu khoa học, GS.TS Trương Duy Nghĩa cũng chỉ ra rằng, với sự phát triển công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được ô nhiễm khói bụi, nước thải trong quá trình làm mát hay xử lý tro bay, xỉ than của các nhà máy nhiệt điện.

     Tại Hội thảo, các chuyên gia khẳng định, nhiệt điện than có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng và khó có thể tìm được nguồn khác thay thế tại Việt Nam trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, để phát triển nhiệt điện than, phải có các biện pháp BVMT tối ưu.

Minh Hương

Ý kiến của bạn