04/09/2018
Quản lý chất thải y tế đóng vai trò quan trọng nhằm tránh được sự phơi nhiễm cho nhân viên y tế và cộng đồng đối với chất thải y tế nguy hại. Để công tác quản lý chất thải y tế đạt hiệu quả thì người lãnh đạo cơ sở y tế có vai trò quyết định trong việc chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất thải y tế nói riêng và bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế nói chung. Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E.
GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E
PV: Xin ông cho biết đôi nét về quá trình hình thành và phát triển của Bệnh viện E?
GS.TS Lê Ngọc Thành: Bệnh viện E là bệnh viện đa khoa Trung ương hạng I, trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập từ năm 1967. Đến nay, bệnh viện đã phát triển với quy mô hơn 900 giường bệnh (gồm 4 trung tâm, 40 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 11 phòng chức năng) trên diện tích 41.000 m2 với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, xanh, sạch, đẹp. Với truyền thống 51 năm thành lập - phát triển, bệnh viện E có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, các bác sĩ có trình độ sau đại học chiếm 70% gồm các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ... Phương châm hành động của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện E là: “Chăm sóc người bệnh toàn diện bằng những phương pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến và hiệu quả nhất với tấm lòng thầy thuốc như mẹ hiền”.Mặc dù đang trong quá trình xây dựng, nhưng bệnh viện rất quan tâm tới công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt đã giao cho khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn giám sát, theo dõi, hoạt động rất hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm trùng, tăng sự hiểu biết nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh về BVMT.
PV: Bên cạnh công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân thì công tác quản lý chất thải y tế của bệnh viện được triển khai như thế nào, thưa ông?
GS.TS Lê Ngọc Thành: Bên cạnh công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bệnh viện đã và đang triển khai công tác quản lý chất thải y tế theo đúng Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý chất thải y tế, được ban hanh ngày 31/12/2015. Dựa trên Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT,tôi đã phân công Phó Giám đốc bệnh viện PGS.TS. Hà Kim Trung và Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn phụ trách công tác quản lý chất thải y tế; giao cho khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn soạn thảo hướng dẫn quản lý chất thải y tế tại bệnh viện theo đúng quy định của nhà nước về quản lý chất thải y tế.
Đối với chất thải y tế thông thường, bệnh viện ký hợp đồng với Ban Quản lý đô thị xây dựng Quận Cầu Giấy vận chuyển và xử lý hàng ngày. Riêng chất thải y tế nguy hại, bệnh việnký hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Phú Hà là đơn vị có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại vận chuyển 2 ngày/lần. Khi chuyển giao chất thải nguy hại, bệnh viện có sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo Phụ lục 8 của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, định kỳ hàng tháng xuất một bộ chứng từ chất thải nguy hại cho lượng chất thải y tế nguy hại đã được chuyển giao trong tháng. Đối vớichất thải tái chế, bệnh viện ký hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ nhựa Kiên Giang là đơn vị có tư cách pháp nhân trong việc tái chế chất thải y tế tái chế thu gom 2 lần/tháng. Khi bàn giao chất thải tái chế, bệnh viện có sổ bàn giao chất thải phục vụ mục đích tái chế theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.Với nước thải y tế, bệnh viện có hệ thống thu gom nước thải y tế tại các khoa phòng dẫn về trạm xử lý nước thải y tế xây dựng với công suất 800m3/ngày,đêm để xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả thải. Hiện tại bệnh viện ký hợp đồng với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tiến hành quan trắc nước thải 3 tháng/lần về các chỉ số theo quy định. Hàng năm, Bệnh viện có báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế gửi về Sở Y tế và Sở TN&MT trước ngày 31/1 của năm tiếp theo.
GS. Lê Ngọc Thành cùng Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong lễ khai trương nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn của Bệnh viện E
Ngoài ra, bệnh viện bố trí đủ kinh phí để mua trang thiết bị phục vụ cho mục đích phân loại chất thải y tế tại nguồn, trong đó các loại túi, thùng đựng chất thải y tế với mã màu sắc theo đúng quy định. Hàng năm, bệnh viện giao cho khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật, đào tạo về quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, viên chức, hợp đồng, sinh viên theo học tại bệnh viện. Tại các khoa phòng, điều dưỡng có trách nhiệm hướng dẫn người nhà người bệnh và người bệnh thực hiện phân loại chất thải đúng theo quy định.
PV: Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn của bệnh viện trong công tác quản lý chât thải y tế và với vai trò người lãnh đạo bệnh viện, ông đã có những chỉ đạo cụ thể gì trong công tác quản lý chất thải y tế?
GS.TS Lê Ngọc Thành: Trong công tác quản lý chất thải y tế, bệnh viện cũng có những thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là với sự tham mưu của Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện đã cóhướng dẫn quản lý chất thải y tế tại bệnh viện cho các khoa/phòng. Theo đó, các khoa/phòng đã có sự bố trí lưu trữ chất thải tại khoa phù hợp. Bên cạnh đó,các cán bộ y tế tại các khoa/phòng nghiêm túc thực hiện phân loại chất thải y tế ngay tại nguồn phát sinh theo đúng hướng dẫn. Bệnh viện có nhà lưu trữ chất thải y tế đúng theo quy định củaThông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT và bố trí đủ kinh phí mua các vật tư tiêu hao phục vụ cho việc phân loại, thu gom chất thải y tế. Bên cạnh những thuận lợi, bệnh viện cũng gặp một số khó khăn, đó là với chất thải ở ngoại cảnh, bệnh viện có bố trí đủ các loại túi/thùng phân loại chất thải y tế với các hướng dẫn phân loại chất thải dán trên thùng kèm hình ảnh, tuy nhiên người nhà người bệnh và người bệnh cũng như khách thăm người bệnh còn phân loại chưa đúng giữa chất thải thông thường phục vụ mục đích tái chế và không phục vụ mục đích tái chế.Trong một số tình huống do thời tiết như mưa liên tục, việc vận chuyển và xử lý chất thải thông thường không phục vụ mục đích tái chế gặp nhiều khó khăn.
Với vai trò là người lãnh đạo, tôi đã chỉ đạo cán bộ nhân viên trong bệnh viện thực hiện đúngviệc phân loại, thu gom chất thải y tế theo đúng quy định của nhà nước, trong đó khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn có nhiệm vụ giám sát việc phân loại chất thải y tế của các cán bộ y tếngay tại các khoa/phòng. Để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế, hàng năm chỉ đạo khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quản lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật cho các cán bộ, nhân viên, người lao động trong toàn bệnh viện. Mặt khác, tôi bố trí đủ kinh phí mua trang thiết bị phục vụ mục đích phân loại và thu gom đúng theo quy định và có có kế hoạch mua sắm, sử dụng các trang thiết bị, vật tư tiêu hao y tế như thuốc, nhằm tránh phát sinh chất thải y tế từ dược phẩm quá hạn sử dụng, vật tư tiêu hao quá hạn sử dụng. Bên cạnh đó, tôi có cơ chế khen thưởng, kỷ luật với những cá nhân, khoa/phòng tuân thủ đúng hay vi phạm việc phân loại, thu gom chất thải y tế và khuyến khích các sáng kiến nhằm giảm thiếu chất thải y tế trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày và chuyên môn.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguyễn Hằng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)