Banner trang chủ

Phát huy hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

07/10/2016

     Ngày 5/10/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo Tham vấn quốc gia đánh giá 8 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

     Tính đến hết 30/6, cả nước đã có 41 tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, trong đó có 38 tỉnh đã ổn định được tổ chức bộ máy hoạt động, ký kết được 464 hợp đồng ủy thác dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với các cơ sở sử dụng DVMTR có số tiền thu được hằng năm trên 1.000 tỷ đồng, lũy kế đến nay đã thu được hơn 5.744 tỷ đồng từ 3 nhóm đối tượng sử dụng DVMTR là thủy điện (97,25%); nước sạch (2,59%); tỉ lệ giải ngân bình quân chung đến các chủ rừng đạt khoảng 87%. Đây là nguồn tài chính quan trọng, đóng góp rất lớn vào công tác bảo vệ phát triển rừng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ 5 triệu ha rừng trong các lưu vực cung ứng DVMTR với khoảng 37% tổng diện tích rừng hiện có.

 

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh theo chinhphu.vn)

 

     Bên cạnh đó, sau 5 năm triển khai, chính sách chi trả DVMTR đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo lập được nguồn lực tài chính mới, ổn định, bền vững phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đáng kể đời sống người dân gắn bó với rừng. Đồng thời, chính sách cũng đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với mức thu nhập bình quân hằng năm của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng từ chính sách này đạt 2 triệu đồng/hộ/năm. Không những vậy, nguồn tiền từ dịch vụ bảo vệ phát triển rừng đã góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí hoạt động cho 199 ban quản lý rừng, 84 công ty lâm nghiệp trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương dừng khai thác gỗ tự nhiên.

     Mặc dù vậy, quá trình thực hiện chính sách này đã và đang bộc lộ một số tồn tại, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Cụ thể như việc huy động hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, thiếu gắn kết, thiếu nguồn lực thực thi chính sách. Bên cạnh đó, một số địa phương còn chậm triển khai, chưa hoàn thành việc rà soát, xác định ranh giới, diện tích rừng đến từng chủ rừng, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân tiền chi trả DVMTR đến các chủ rừng.

     Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, chi trả DVMTR là một chính sách đúng đắn, có hiệu quả để thực hiện chủ trương bảo vệ phát triển rừng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chính sách này cần được hoàn thiện để ngày càng phát huy hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng người trồng rừng trên cả nước.

 

Phương Tâm

Ý kiến của bạn