18/07/2018
Mới đây, Nhóm giám sát buôn bán động vật hoang dã thuộc TRAFFIC và Nhóm chuyên gia bảo tồn rái cá thuộc IUCN cảnh báo, nhiều loài rái cá ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các cá thể rái cá con đang bị săn lùng, buôn bán công khai trên mạng nhằm phục vụ nhu cầu nuôi thú cưng, cung cấp lông thú và làm thuốc đông y.
Đông Nam Á là nơi trú ngụ của 4 loài rái cá gồm: Rái cá Á - Âu (Lutra lutra), rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), rái cá vuốt bé (Aonyx cinereus) và rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata). Tuy nhiên, sự phân bố của cả bốn loài ngày càng thưa thớt và có dấu hiệu cho thấy mật độ loài đang suy giảm. Nguyên nhân là do môi trường sống của rái cá bị thu hẹp, tác động của thuốc trừ sâu lên vùng sinh thái đất ngập nước và do xung đột giữa người với rái cá. Đặc biệt, có một mối đe dọa đáng kể đối với loài này nhưng ít được đề cập, đó là săn trộm rái cá để phục vụ buôn bán thú cưng, cung cấp lông thú hoặc làm thuốc đông y.
Nghiên cứu của TRAFFIC và IUCN hướng đến việc tìm hiểu chi tiết hơn vấn đề thương mại rái cá ở Đông Nam Á, cũng như củng cố bởi các phân tích trước đây của TRAFFIC về vấn đề tịch thu rái cá từ năm 1980 đến năm 2015, xuất bản năm 2016.
Dựa trên báo cáo phân tích tịch thu cũ, nghiên cứu tiến hành khảo sát thêm tại 8 quốc gia Đông Nam Á gồm Campuchia, Inđônêxia, Lào, Malaixia, Myanmar, Philippin, Thái Lan và Việt Nam. Nhóm nghiên cứu tập trung vào ba mảng hoạt động: cập nhật báo cáo phân tích tịch thu từ tháng 8/2015 - 12/2017; khảo sát thị trường buôn bán thực tế ở Campuchia, Inđônêxia, Lào, Myanmar và khảo sát tình trạng buôn bán trực tuyến ở Indonesia, Malaixia, Philippin, Thái Lan, Việt Nam.
Theo đó, từ năm 2015 - 2017, có 13 vụ liên quan đến việc tịch thu 59 cá thể rái cá ở 4 quốc gia là Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan và Việt Nam, trong đó ít nhất 32 cá thể bị thu giữ trên đường vận chuyển từ Thái Lan sang Nhật Bản. Hầu hết các vụ tịch thu xảy ra ở Thái Lan, tiếp đến là Inđônêxia rồi Việt Nam và Malaixia.
Không chỉ soát lại các hồ sơ tịch thu rái cá, nhóm nghiên cứu còn theo dõi việc giao dịch trực tuyến ở Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Thái Lan, Việt Nam. Kết quả cho thấy, có ít nhất 560 quảng cáo chào bán từ 734 - 1.189 cá thể rái cá. Trong đó, hơn 700 cá thể được chào hàng ở Inđônêxia (449 quảng cáo); 204 cá thể chào bán tại Thái Lan (80 quảng cáo); Việt Nam 21 quảng cáo, chào bán 27 cá thể; Malaixia 10 quảng cáo, chào bán 19 cá thể. Philippin là nước duy nhất không xuất hiện bất kì quảng cáo chào bán rái cá nào trong quá trình điều tra.
Ngược lại, kết quả khảo sát thực tế tại Campuchia, Inđônêxia, Lào, Myanmar lại khá khiêm tốn. Tổng cộng chỉ có 5 bộ da rái cá và 2 cá thể chưa trưởng thành được ghi nhận ở Inđônêxia. Mặc dù số lượng rái cá buôn bán trực tiếp khá ít ỏi, song không thể phủ nhận là loài động vật này đang bị săn lùng ráo riết và điều đáng lo ngại là có vẻ như các loài rái cá hiện không được ưu tiên bảo vệ, đặc biệt là loài rái cá vuốt bé và rái cá lông mượt ở Campuchia, Inđônêxia. Bằng chứng là từ năm 2007, Chính phủ Campuchia đã loại bỏ hai loài này ra khỏi Luật Bảo vệ động vật hoang dã.
Thêm một phát hiện của nghiên cứu là trong số 4 loài kể trên, rái cá vuốt bé bị săn lùng làm thú cưng nhiều hơn cả, có ít nhất 700 cá thể loài này được chào bán trong thời gian khảo sát trực tuyến. Đây cũng là loài được liệt kê trong nhóm dễ bị tổn thương của sách Đỏ IUCN trước tình trạng bị đe dọa về môi trường sống và nạn săn trộm. Báo cáo của IUCN cho hay, mật độ loài rái cá ở Đông Nam Á đã giảm hơn 30% trong ba thập kỷ qua và tiếp tục giảm trong thời điểm hiện tại. Điều đáng lo ngại là trong khi nạn buôn bán rái cá đang có chiều hướng gia tăng thì luật pháp quốc gia để bảo vệ các loài thuộc nhóm này lại khá yếu.
Do vậy, Báo cáo kêu gọi chính phủ các quốc gia Đông Nam Á áp dụng các quy định pháp luật cứng rắn hơn để bảo vệ 4 loài rái cá, đồng thời xử phạt nghiêm tội phạm buôn bán động vật hoang dã qua hình thức trực tuyến, tích cực hợp tác với các tổ chức bảo tồn nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và giảm nhu cầu nuôi rái cá như thú cưng.
Lưu Huyền Trang (Theo iucn.org)