19/02/2016
Nghèo đói - xung đột - di dân là một trong những yếu tố hàng đầu gây nên các dịch bệnh nguy hiểm hiện nay như dịch Zika. Việc di chuyển của con người, nhất là qua con đường hàng không và đường thủy là yếu tố góp phần đẩy mạnh việc lây lan cả dịch bệnh và các loài truyền nhiễm ra khắp thế giới. Muỗi vằn bắt nguồn từ châu Phi, còn muỗi Hổ bắt nguồn từ châu Á, thế nhưng đến nay chúng đã có mặt ở khắp mọi nơi. Nếu tính đếm các loài xuất hiện ở khu vực mới như một sự can thiệp môi trường bởi con người, thì đây chính là sự can thiệp nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự bùng phát của dịch Zika chính là ví dụ rõ nhất cho thấy những thay đổi môi trường do con người gây ra, giúp muỗi vằn và những con virus chúng mang trong mình càng phát triển mạnh. Song, những yếu tố môi trường đang bị lờ đi lại chính là một phần giải pháp trọng yếu trong khi chưa hề có vác-xin phòng bệnh teo não.
GS. Durland Fish chuyên nghiên cứu về các vi khuẩn gây bệnh, lâm nghiệp và các vấn đề môi trường tại trường đại học Yale (Mỹ) cho biết, loài muỗi vằn sinh sôi nảy nở nhanh chóng trong các môi trường nhân tạo như lốp xe, can, các dụng cụ bằng nhựa, bể chứa nước mưa… Chúng không sống dưới lòng đất, đầm lầy hay bất cứ nơi nào thường thấy ở các loài muỗi khác và thật không may, điều này cũng xảy ra tương tự đối với nhiều loài truyền bệnh khác với nhiều dịch bệnh khác nhau - một vấn đề lớn mà thế giới vẫn chưa thực sự quan tâm.
Vấn đề đô thị hóa và rác thải đô thị
Suy thoái môi trường và rác thải không được thu gom, xử lý kịp thời, đúng quy định, rác thải tràn lan khắp nơi, những lốp xe ngổn ngang đọng đầy nước mưa, những khu vực không có rãnh thoát nước… đã trở thành môi trường sống cho loài muỗi, tạo điều kiện cho những loại virus gây bệnh người lan rộng.
Theo ông Duane Gubler - Giám đốc Chương trình nghiên cứu dấu hiệu bệnh dịch tại Trường Y Duke-NUS, Singapo, Zika có thể là một câu chuyện điển hình về cách một số môi trường đô thị và rác thải đô thị tiếp tay cho loài muỗi. Thế nhưng bên cạnh đó còn nhiều sự thay đổi môi trường khác cũng đồng thời khiến các loài truyền bệnh trở nên nguy hại hơn. Có rất nhiều yếu tố khác gây bùng phát dịch bệnh Zika. Những tác nhân chủ yếu bao gồm phát triển dân số, đô thị hóa thiếu quy hoạch, xu hướng toàn cầu hóa và thiếu biện pháp kiểm soát hiệu quả sinh vật trung gian. Đây không phải là lần đầu tiên đô thị hóa và quy hoạch và chất thải đô thị “bị buộc tội” có mối liên hệ với việc lan truyền dịch bệnh. Năm 1854, dịch tả bùng phát tại Luân Đôn đã được nhà vật lí người Anh John Snow phát hiện có liên quan đến việc xả thải xuống dòng sông Thames, nguồn cung cấp nước uống cho người dân.
Xây dựng đập thủy điện
Một trong những việc làm để lại hậu quả nghiêm trọng nhất của con người đối với môi trường là ngăn sông làm hồ chứa hoặc sản xuất điện năng. Thủy điện vốn đã nhiều lần bị chỉ trích vì những tổn hại đối với hệ sinh thái, nay lại có thêm nhiều bằng chứng về việc thay đổi môi trường nước có thể kích thích loài trung gian lan truyền dịch bệnh.
Theo GS. Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Y học nhiệt đới quốc gia tại Đại học Y Baylor (Mỹ), công trình đập tại Cộng hòa Thượng Volta (tên gọi cũ của quốc gia Châu Phi Burkina Faso) là nguyên nhân chủ yếu gây bùng phát dịch sán máng. Theo đó, sán máng kí sinh trong loài ốc nước ngọt và lây sang người bơi trong môi trường có ốc nhiễm sán. Đập thủy điện và nhiều công trình quản lý nguồn nước khác như hồ chứa, hệ thống tưới tiêu tạo ra môi trường sống hoàn hảo cho loài ốc nước ngọt và tăng thêm cơ hội thường xuyên tiếp xúc giữa con người và nguồn nước bị nhiễm sán.
Tồi tệ hơn cả dịch sán máng là bệnh sốt rét - loại bệnh được đà phát triển nhờ các công trình thủy điện lớn. Một nghiên cứu mới đây được công bố trên thời báo Washington đã chỉ ra rằng, đập thủy điện tại khu vực châu Phi hạ Sahara đã gây ra ít nhất 1,1 triệu ca sốt xuất huyết mới hàng năm tại châu lục này, cũng bởi nước giữ lại trong hồ chứa tạo nên môi trường sống phù hợp cho loài muỗi truyền bệnh sốt rét sinh sống.
Một ví dụ khác, tại lưu vực sông Senegal phía Tây châu Phi, dịch sốt Thung lũng Rift đã bùng phát vào năm 1987. Lý do chính là một chuỗi những thay đổi sinh thái trên sông Senegal do các chương trình mà Chính phủ Cộng hòa Mauritanie và Senegal phối hợp thực hiện, trong đó bao gồm 2 công trình đập. Một trong hai công trình đã dẫn đến “ngập lụt trên diện rộng và cây cối phát triển mạnh mẽ”. Từ những quan sát về hoạt động canh tác lúa tại khu vực muỗi Culex đẻ trứng của người dân địa phương, các nhà nghiên cứu kết luận đây là một trường hợp thay đổi sinh cảnh dẫn đến bùng phát các dịch bệnh trong lịch sử.
Tình trạng chặt, phá, khai thác rừng bừa bãi
Song hành với xây dựng các đập thủy điện là tình trạng phá rừng hoặc đốt rừng bừa bãi cũng thúc đẩy lây lan dịch bệnh sang người. Một bài phân tích khác trên Thời báo Washington cũng khẳng định, nhân tố phá rừng có liên quan mật thiết đến dịch sốt rét tại Malaixia khi phá rừng khiến khỉ và người phải sống gần nhau hơn, tạo cơ hội cho muỗi biến thành loài truyền bệnh trung gian. Ngoài ra, hành động này còn thúc đẩy dịch Ebola tại Tây Phi, dịch Nipah và SARS tại Nam Á.
Phá rừng tại đảo Borneo, Malaixia được cho là nhân tố lây truyền dịch sốt rét ở người. (Ảnh: Kimberly Fornace)
Tại châu Phi, phá rừng cũng là nguyên nhân gây nên dịch sốt xuất huyết, bởi lẽ, thiếu cây xanh điều hòa nhiệt độ, khu vực mất rừng trở nên nóng hơn, tác động đến một số giai đoạn trong vòng đời của muỗi. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Wiscosin, 52% muỗi Anophen cái trong thời kỳ hút máu và sinh sản tại Kenya xuất hiện tại các khu vực mất rừng.
Hiện tượng Trái đất nóng lên
Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng lên cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số loài gia tăng về số lượng, trong đó có các loài truyền bệnh. Dịch bệnh phát sinh từ các khu vực nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng da nên có khả năng lan ra bên ngoài khu vực khi các vùng còn lại trở nên nóng hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình 2 - 30C sẽ đồng thời tăng 3 - 5% số người có nguy cơ lây nhiễm sốt rét, kéo dài hơn các đợt dịch bệnh tại các ổ dịch.
Muỗi vằn và các dịch bệnh do chúng gây ra cũng phát triển hơn trong điều kiện khí hậu nóng hơn. Cũng theo WHO, chúng sinh sản nhanh hơn và hút máu thường xuyên hơn khi nhiệt độ cao hơn. Ngoài ra, muỗi vằn châu Á (muỗi Hổ) cũng là mối đe dọa lây truyền các dịch sốt xuất huyết, Zika và nhiều dịch bệnh khác.
Muỗi vằn châu Á cái đang hút máu người (Ảnh: James Gathany/AP)
Theo kết luận của một nhóm nghiên cứu tại nhiều bang phối hợp cùng Đại học Rutgers, muỗi vằn châu Á đã lây lan trên hầu hết lãnh thổ nước Mỹ và biến đổi khí hậu sẽ càng giúp chúng lây lan nhanh hơn nữa. Khu vực có điều kiện môi trường thuận lợi cho loài này dự kiến sẽ tăng từ 5% - 15% trong vòng 2 thập kỉ tới và đạt khoảng 43% - 49% vào cuối thế kỷ 21. Hiện tại, khoảng 1/3 tổng dân số tại Tây Bắc (Mỹ) đang sống tại khu vực thành thị có muỗi vằn châu Á và con số này có thể tăng gấp đôi vào cuối thế kỷ, bao trùm mọi trung tâm đô thị lớn và đặt hơn 30 triệu người dân vào nguy cơ bị muỗi vằn châu Á truyền bệnh.
Vậy giải pháp là gì? GS. Durland Fish từ trường Đại học Yale cho rằng, cần chú ý đến những khu rừng, những con đập, những vùng đất ngập nước và những dự án khác mang lại những thay đổi môi trường sống của các loài truyền bệnh trung gian. Đồng thời, dịch bệnh cũng nên được xem xét dưới góc độ sinh thái học. Thay vì chỉ nghiên cứu vắc xin phòng bệnh, cần tìm hiểu những môi trường nhân tạo đơn giản sản sinh ra muỗi như thế nào? quy trình sinh học chuyển từ trứng sang muỗi trưởng thành trong các môi trường đó ra sao?... để đưa ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn. “Tập trung vào vấn đề môi trường sẽ mang đến hiệu quả lớn nhất trong công cuộc bảo vệ loài người,” GS. Fish khẳng định.
Sơn Tùng