30/03/2020
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) vừa nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu cấu trúc quần xã côn trùng ở Khu Di sản thế giới (DSTG) Tràng An, tỉnh Ninh Bình” do TS. Phạm Thị Nhị, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật làm Chủ nhiệm. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm đánh giá kết quả đạt loại xuất sắc với việc phát hiện một loài mới thuộc họ ong Kén nhỏ và nhiều loài côn trùng lần đầu được ghi nhận tại Việt Nam.
Quần thể danh thắng Tràng An là khu vực đầu tiên ở Việt Nam được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản hỗn hợp Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới vào năm 2014. Mặc dù Tràng An là địa điểm nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và du lịch tâm linh nhưng thông tin về đa dạng sinh học (ĐDSH) ở khu vực này lại hạn chế. Theo kết quả điều tra của Viện Điều tra Quy hoạch rừng và Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình (1999 - 2000) đã ghi nhận ở hệ sinh thái (HST) trên cạn của khu vực Tràng An có hơn 600 loài thực vật và khoảng 200 loài động vật, trong đó nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN. Các nghiên cứu về khu hệ thủy sinh vùng núi đá vôi của tỉnh Ninh Bình, bao gồm cả khu vực Tràng An đã ghi nhận sự có mặt ấu trùng của 21 loài côn trùng nước, tuy nhiên chưa có thông tin về các loài côn trùng trên cạn ở khu vực này.
Loài mới thuộc họ ong kén nhỏ
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Viện Hàn lâm KHCNVN đã giao Đề tài “Nghiên cứu cấu trúc quần xã côn trùng ở Khu DSTG Tràng An, tỉnh Ninh Bình” với mã số VAST.04.06/18-19 cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện từ tháng 1/2018 - 12/2019. Đề tài thuộc phạm trù ĐDSH và các hoạt chất có hoạt tính sinh học do TS. Phạm Thị Nhị làm Chủ nhiệm với mục tiêu đánh giá cấu trúc quần xã của các loài côn trùng ở các dạng sinh cảnh khác nhau tại khu vực Tràng An nhằm khám phá giá trị ĐDSH nổi bật của Khu DSTG, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững ở danh thắng đặc biệt này.
Sau 2 năm thực hiện, Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật, ghi nhận tổng số 604 loài côn trùng thuộc 431 giống, 91 họ, 10 bộ tại Khu DSTG Tràng An. Trong đó đã phát hiện một loài mới cho khoa học thuộc họ ong Kén nhỏ (Hymenoptera: Braconidae): Streblocera (Eutanycerus) trangana Long & Pham (in press). Bên cạnh đó, ghi nhận lần đầu 16 loài cho khu hệ côn trùng của Việt Nam, bao gồm 2 loài thuộc bộ Cánh cứng (Coleoptera), 2 loài thuộc bộ Cánh vảy (Lepidoptera) và 12 loài thuộc bộ Cánh màng (Hymenoptera).
Về cấu trúc, Đề tài đã phân tích thành phần các họ, giống, loài trong từng bộ côn trùng, trong đó xác định bộ côn trùng chiếm ưu thế về số lượng họ (2 bộ Coleoptera và Lepidoptera), số lượng giống và loài (bộ Lepidoptera). Đồng thời phân tích cấu trúc thành phần loài trong các họ và giống, từ đó xác định họ côn trùng có số loài đa dạng nhất (Noctuidae và Nymphalidae) và giống côn trùng có số loài nhiều nhất (Aleiodes và Neocollyris). Đề tài cũng xác định các loài côn trùng phổ biến, loài gây hại cây trồng nông nghiệp, các loài thiên địch và các loài có ý nghĩa kinh tế tại khu vực nghiên cứu.
Khu DSTG Tràng An có HST động, thực vật đa dạng, phong phú
Về đặc điểm phân bố, Đề tài đã tiến hành thu mẫu tại 6 địa điểm là khu vực thung đền Trần, thung Nắng, Bái Đính, thung Nham, động Thiên Hà và thung Ui. Trong đó số loài côn trùng thu được nhiều nhất tại khu vực thung đền Trần (381 loài) và thấp nhất tại thung Nham (78 loài). Đề tài đã sử dụng chỉ số Sorensen để xác định mức độ tương đồng về thành phần loài côn trùng giữa các điểm nghiên cứu ở Tràng An, cũng như so sánh độ tương đồng của khu hệ côn trùng Tràng An với một số điểm nghiên cứu ở miền Bắc. Dựa vào đặc điểm sinh cảnh, Đề tài đã chia 6 điểm nghiên cứu tại Tràng An thành 3 dạng sinh cảnh bao gồm rừng thường xanh trên núi đất thấp, rừng trồng và cây bụi, rừng cây bụi và dây leo trên núi đá vôi. Đề tài đã phân tích số lượng loài, chỉ số đa dạng Shannon-Weiner (H’) và chỉ số phong phú Margalef (d) tại từng sinh cảnh, cũng như mức độ tương đồng về thành phần loài giữa các sinh cảnh. Từ đó xác định sinh cảnh rừng thường xanh trên núi đất thấp (khu vực thung đền Trần) có mức độ đa dạng côn trùng cao nhất, trong khi đó sinh cảnh rừng trồng và cây bụi (Bái Đính, thung Ui) có mức độ đa dạng côn trùng thấp nhất.
Ngoài việc phát hiện được một loài côn trùng mới cho khoa học, Đề tài đã ghi nhận 2 loài côn trùng có giá trị bảo tồn tại Khu DSTG Tràng An. Đó là loài Bướm phượng cánh chim chấm rời Troides aeacus aeacus (Họ Bướm phượng Papilioninae) - loài côn trùng có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), bậc VU (sẽ nguy cấp) và loài bọ hung Cosmiomorpha (Microcosmiomorpha) pacholatkoi Jákl (Họ Bọ hung Scarabaeidae) - loài đặc hữu Việt Nam, trên thế giới, loài này mới ghi nhận ở VQG Tam Đảo và Khu DSTG Tràng An. Dựa theo 3 tiêu chí bao gồm tổng số loài ghi nhận, loài có giá trị bảo tồn và chất lượng sinh cảnh, Đề tài đã xác định thung đền Trần là điểm có mức độ ưu tiên bảo tồn cao nhất đối với các loài côn trùng tại khu vực nghiên cứu.
Dựa theo kết quả điều tra thực địa, Đề tài đã xác định việc xây dựng cơ sở vật chất và phát triển du lịch ít nhiều có tác động đến ĐDSH nói chung và côn trùng nói riêng bởi việc xây dựng đã làm thu hẹp sinh cảnh sống, thay đổi cảnh quan và chia cắt HST. Ngoài ra, các hoạt động của con người như tiếng ồn, rác thải, khói, ánh sáng... cũng có những tác động tiêu cực đến các loài côn trùng. Tuy nhiên, với nỗ lực của Ban Quản lý Khu DSTG, việc sắp xếp khách tham quan và thu gom rác thải được quản lý khá tốt; việc di chuyển thành từng nhóm nhỏ theo thuyền, hoặc phân bổ số khách theo các tuyến du lịch cũng góp phần giảm bớt tác động đến HST tự nhiên. Các khu du lịch như thung Nham, thung Ui, Bái Đính đã cải tạo cảnh quan theo hướng gần gũi với thiên nhiên như trồng cây, tạo các đường mòn trong rừng nên mức độ tác động không đáng kể. Trong thời gian thực hiện Đề tài, nhóm nghiên cứu không ghi nhận hiện tượng săn bắt, buôn bán côn trùng tại khu vực này.
Từ đó, Đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị cho công tác bảo tồn như: Tiếp tục phát triển các mô hình du lịch hài hòa với thiên nhiên (sử dụng vật liệu tự nhiên, ít bê tông hóa trong xây dựng, hạn chế tác động tới môi trường tự nhiên, đặc biệt khu vực có rừng tự nhiên); Tổ chức các loại hình du lịch xanh như khám phá cảnh quan kết hợp với quan sát động vật (tạo các vườn hoa, quan sát vườn cò, chim, bướm...), góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo gìn giữ môi trường; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu cảnh quan, động vật, thực vật ở Tràng An.
Nguyên Hằng