Banner trang chủ

Nguy hiểm từ ô nhiễm môi trường không khí trong nhà

23/03/2020

     Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí trong nhà được đánh giá là vấn đề nghiêm trọng nhất, vì có tới 80% hoạt động của con người diễn ra trong nhà.

     100 hợp chất hữu cơ bay hơi

     Theo Chi cục BVMT, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, môi trường trong nhà thường xuyên có khoảng 100 hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) xuất phát từ những vật dụng quen thuộc như mỹ phẩm, nước hoa, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu… VOC gây kích ứng cho mắt, mũi, họng, làm cho con người có thể bị nhức đầu, choáng váng, rối loạn thị giác… thậm chí, VOC có khả năng gây ung thư cho người và động vật.
    Khí CO2, loại khí được tạo ra khi xăng, gas, dầu hay gỗ cháy không hết trong ô tô, xe máy, lò sưởi, bếp lò… là một nguồn ô nhiễm trong nhà khác có thể làm cho người hít phải giảm lượng oxy trong máu, gây tổn thương tim, tổn thương hệ thần kinh hoặc nặng hơn là tử vong.

 

Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí

 

     Formaldehyde - một chất ô nhiễm chủ yếu xuất phát từ đồ gia dụng chạy bằng gas, lò sưởi, bông cách nhiệt, vải, thảm, mỹ phẩm… ở nồng độ thấp có thể gây kích ứng cho mắt, mũi và họng. Ở nồng độ cao, chất này gây cảm giác buồn nôn và khó thở. Nguy hại hơn nữa, formaldehyde thuộc nhóm chất có khả năng gây ung thư. Khí hiểm tự nhiên phát thải từ đất, đá hoặc từ các vật liệu xây dựng như bê tông làm từ đá granit… Phơi nhiễm lâu dài với khí hiếm có thể tăng rủi ro nhiễm bệnh ung thư phổi.

     Cây cảnh, thú cưng như chó, mèo có thể lây lan bọ, các loại nấm, bào tử vi khuẩn sang cho người. Nếu trong nhà có người hút thuốc lá thì đây là một nguồn ô nhiễm khác nữa đối với sức khỏe con người. Khói thuốc lá có chứa hơn 4.000 chất ở dạng khí, hạt, trong đó có ít nhất 40 hợp chất đã được xác định có khả năng gây ung thư ở người và động vật.
     Báo cáo của Cơ quan BVMT Hoa Kỳ năm 2003 cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà làm thiệt hại hàng tỉ USD vì chi phí chăm sóc sức khỏe, nghỉ bệnh, giảm năng suất làm việc.

     Một khảo sát mới đây tại Anh cũng cho thấy, hiệu suất làm việc của nhân viên văn phòng giảm đến 20% hay nhiều hơn vì chất lượng không khí nơi làm việc tệ hại.

     Một số cách giúp hạn chế ô nhiễm không khí trong nhà

     Theo Chi cục BVMT TP. Hồ Chí Minh, nên hạn chế sử dụng các chất khử mùi, những bình xịt thơm và các sản phẩm làm sạch có chứa hóa chất tổng hợp, long não (băng phiến), nước hoa và hút thuốc lá; thường xuyên giặt chăn, ga giường để tránh bụi và con mạt; hút bụi và giặt thảm, rèm.

     Bên cạnh đó, nên mua đồ đạc trong nhà làm từ gỗ tự nhiên thay cho gỗ ván ép vì gỗ ván ép thường sinh ra chất formaldehyde và các chất hóa học độc hại khác; khi tổ chức tiệc nướng, luôn để lò nướng ở ngoài trời, nếu đun, nấu bằng than, củi, dầu lửa thì nhà bếp cần có ống khói hay quạt hút; thỉnh thoảng mở cửa sổ để cho chất độc hại trong nhà có thể thoát ra ngoài; nên sử dụng quạt để tạo sự trao đổi khí bên trong và bên ngoài, thường xuyên làm vệ sinh, thay đồ bọc của máy điều hòa nhiệt độ; trồng cây xanh quanh nhà cũng là một giải pháp hữu ích.

 

Châu Long

Ý kiến của bạn