Banner trang chủ

Nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa tại các khu du lịch biển, đảo Việt Nam và đề xuất giải pháp giảm thiểu

05/07/2019

   Việt Nam có tiềm năng biển đảo lớn, với 3.260 km bờ biển, hơn 2.700 hòn đảo, cụm đảo lớn nhỏ và 125 bãi tắm du lịch trải khắp ba miền, trong đó, nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách mỗi năm như Phú Quốc, Nam Du, Bình Thuận, Vũng Tàu, Đà Nẵng... Tuy nhiên, do lượng khách du lịch tăng cao, nên một số khu du lịch biển của Việt Nam đang phải đổi đối mặt với nguy cơ ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa (RTN).

Nguy cơ ô nhiễm RTN ở các khu du lịch

   Tình trạng ô nhiễm do rác thải, trong đó có RTN tại một số khu du lịch biển đang ngày càng gia tăng. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… Trong khi, ý thức BVMT nói chung, BVMT biển nói riêng của người dân và du khách còn hạn chế, thường xuyên xảy ra tình trạng vứt rác, thức ăn, đồ uống bừa bãi trên các bãi tắm, gây ô nhiễm môi trường biển. Phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý, chủ yếu chỉ bằng phương pháp chôn lấp, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước.

   Đơn cử như tại Phú Quốc (Kiên Giang) đang đối mặt về tình trạng quá tải RTN. Theo báo cáo tháng 7/2018 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF - Việt Nam) cho thấy, mỗi ngày, huyện đảo này phát sinh khoảng 155 tấn rác, nhưng chỉ thu gom được khoảng 91 tấn rác. Rác thải tại Phú Quốc sau khi thu gom được tập trung vào các bãi rác Ông Lang và An Thới, chưa qua xử lý nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. RTN chủ yếu gồm các chai nhựa, bao bì ni lông, hộp sữa (vỏ giấy có cán nhựa), vỏ mì tôm, bim bim… Tổng lượng RTN được thu hồi lại bởi hệ thống thu gom của người dân là 10,8 tấn/ngày đêm, chiếm 33,6% lượng RTN phát sinh. Trong khi, lượng RTN ở bãi chôn lấp có khối lượng 10,2 tấn/ngày đêm, không được thu nhặt lại với lý do quá bẩn, bị rách…

 

Bãi rác Hàm Ninh, Phú Quốc đang quá tải

 

    Ngoài ra, xã đảo Nam Du, thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang) cũng đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm rác thải biển. Xã đảo có 21 hòn/đảo lớn nhỏ, thuộc 2 xã An Sơn và Nam Du, diện tích khoảng 1.054 ha. Hiện nay, Nam Du đang phải đối mặt với tình trạng quá tải RTN, trong đó chủ yếu do khách du lịch và các tàu thuyền thải ra nổi lềnh bềnh trên biển tạo thành các mảng lớn, trôi dạt vào bờ.

    Không chỉ tại các bãi biển trên, tại TP. Phan Thiết, tình trạng rác thải từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ biển diễn ra thường xuyên tại các khu vực du lịch ven vịnh Mũi Né, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và sức khỏe của người dân, gây mất mỹ quan, làm xấu đi hình ảnh của khu du lịch.

Tác động của RTN đến môi trường sinh thái biển

   Theo kết quả đánh giá của Cơ quan Bảo vệ đại dương Mỹ, có tới hơn một nửa số RTN đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%, sau đó lần lượt là Inđônêxia, Philipin, Việt Nam và Sri Lanka. Việt Nam là nước có lượng RTN thải ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, lượng RTN từ Việt Nam thải ra Biển Đông khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng RTN thải ra biển của thế giới.

   Theo nhận định của các chuyên gia, hầu hết chất thải nhựa có tốc độ phân hủy sinh học rất nhỏ và sẽ vỡ thành những hạt nhỏ hơn, cuối cùng là các hạt vi nhựa. Các hạt này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Tính trung bình, mỗi km2 mặt nước đại dương thế giới hiện nay chứa từ 13.000 - 18.000 mẩu RTN. 70% RTN ở biển sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển. Các mảnh vụn nhựa lớn như lưới, hay dụng cụ đánh bắt cá có thể khiến động vật biển bị mắc kẹt và không thể thực hiện chức năng hô hấp, hoặc bơi. Theo nghiên cứu, có hơn 260 loài động vật biển đã ăn, hoặc bị vướng vào rác biển. Trong 120 loài động vật có vú ở biển được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt kê trong Sách đỏ Thế giới, 54% loài động vật biển đã ăn, hoặc bị vướng vào các mảnh rác nhựa. Thú biển, rùa biển, chim biển và các động vật giáp xác rất dễ bị tổn thương do nuốt phải và bị hóc RTN, do chúng nhầm là đồ ăn.

   Tình trạng RTN gia tăng kéo theo nhiều hệ quả môi trường liên quan tới hạt vi nhựa. Vi nhựa là những mảnh nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5 mm là kết quả của RTN phân rã sau quá trình vật lý. Những mảnh vi nhựa xâm nhập vào môi trường và đi vào chuỗi thức ăn của các loài động vật, đặc biệt là các loài sinh vật biển, gây ảnh hưởng tới các sinh vật, thậm chí gây tử vong cho nhiều động vật biển. Các loài động vật biển nuốt phải RTN, hấp thụ các chất độc sẽ chuyển hóa thành thức ăn, cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi con người ăn phải các loài động vật đó.

   Bên cạnh đó, các mảnh rác thải biển lớn cũng có thể phá hủy nhiều sinh cảnh biển quan trọng như bãi cát biển, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hay các rạn san hô. Phần lớn trong số này là các hệ sinh thái biển và có vai trò thiết yếu đối với sự sống còn của nhiều loài động vật biển. Mặt khác, rác thải biển còn làm giảm giá trị kinh tế của các vùng ven biển, đặc biệt là trong ngành du lịch, giải trí và thủy sản.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu RTN ở các khu du lịch biển

   Để nâng cao hiệu quả quản lý rác thải ở các khu du lịch biển, hướng tới giảm thiểu lượng RTN, cần triển khai những giải pháp sau:

    Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; vận động chính quyền địa phương đẩy mạnh hệ thống chế tài xử lý vi phạm về quản lý rác thải biển; tăng cường triển khai các giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; xử lý nghiêm đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại; xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế và triển khai hình thức dán nhãn mác đối với các vật liệu để xác định khả năng tái chế chất thải nhựa…

    Thứ hai, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, xây dựng phương pháp xác định lượng chất thải nhựa trên biển, nhất là tại các khu du lịch biển; áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa. Ngoài ra, cần nhân rộng và ứng dụng các sáng kiến tái chế nhựa như sản phẩm nghệ thuật có sử dụng nguyên liệu tái chế; hỗ trợ mô hình xưởng tái chế RTN; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần tại các khu du lịch…

    Thứ ba, tăng cường hiệu quả thu gom RTN, túi ni lông; nâng cao hiệu quả quản lý RTN, ni lông hướng tới giảm thiểu lượng rác thải cần xử lý thông qua việc đẩy mạnh tái chế, phân loại tại nguồn, hạn chế lượng chất thải phải chôn lấp, nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đóng cửa các bãi rác không đạt yêu cầu.

   Thứ tư, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo, thân thiện với môi trường, đặc biệt với khách du lịch, không sử dụng đồ nhựa; đánh giá mối tương quan khách du lịch và các loại RTN, xác định ngưỡng chịu tải của khu du lịch biển, đảo…

 

Dư Văn Toán, Đặng Nguyệt Anh

Viện nghiên cứu biển và hải đảo

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)

 

Ý kiến của bạn