10/05/2019
Hiện nay, ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị đang là vấn đề môi trường bức xúc tại nhiều tỉnh, TP, trong đó có Cà Mau. Nguyên nhân là do lượng CTRSH ngày càng gia tăng, trong khi việc quản lý chưa đáp ứng yêu cầu BVMT; công tác thu gom, xử lý CTRSH của tỉnh còn hạn chế. Do đó, tỉnh cần có giải pháp quyết liệt và kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do CTRSH.
Nhiều khó khăn trong công tác quản lý rác thải
Cà Mau là tỉnh tận cùng phía Nam của đất nước, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên là 5331,6 km². Tỉnh có 10 đô thị (9 thị trấn thuộc 8 huyện và TP. Cà Mau), dân số khu vực đô thị khoảng 275.000 người (chiếm khoảng 23% tổng dân số cả tỉnh). Theo số liệu từ Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, khối lượng CTRSH đô thị trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 220 tấn/ngày, trong đó, lượng CTRSH được thu gom, xử lý khoảng 145 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ 65 % tổng số CTRSH đô thị phát sinh); khoảng 75 tấn còn lại không được thu gom, thải bừa bãi tại ven đường, khu vực chợ, bờ sông, kênh, rạch, mương, các khu đất trống, nơi công cộng… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.
Dây chuyền phân loại rác thải của Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau
Tình trạng lượng rác thải sinh hoạt dồn ứ, chất đống tại các khu vực trên đã diễn ra từ nhiều năm nay mà chưa giải quyết dứt điểm, nguyên nhân là do: Công tác quản lý CTRSH đô thị chưa hiệu quả; hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác thải trong tỉnh còn hạn chế, thiếu bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh và phương tiện thu gom, vận chuyển. Hiện tại, Cà Mau chỉ có 1 nhà máy xử lý rác thải. Do đó, khi nhà máy ngưng hoạt động, lượng rác bị dồn ứ lại, tập kết tại đường giao thông, bờ sông, ven đê… gây bốc mùi nồng nặc, khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, tại Cà Mau cũng chỉ có Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thu gom, trong khi phạm vi và địa bàn hoạt động rộng, năng lực thu gom của Công ty còn hạn chế, chưa đầu tư trang thiết bị chuyên dùng, lực lượng công nhân vệ sinh còn thiếu, khiến cho nhiều tuyến đường, nhiều khu dân cư chưa được thu gom rác. Trong khi đó, ý thức BVMT của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; việc xử lý vi phạm đối với hành vi xả rác bừa bãi thiếu quyết liệt, chưa đủ sức răn đe…
Giải pháp xử lý rác thải tại Cà Mau
Để giải quyết vấn đề tồn tại trong công tác quản lý CTRSH trên địa bàn, tỉnh Cà Mau cần tăng cường các cơ chế chính sách xã hội hóa nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực quản lý rác thải, trước mắt, xúc tiến triển khai các dự án xử lý rác thải quy mô nhỏ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Bên cạnh đó, tỉnh cần đầu tư các phương tiện thu gom (xe chuyên dụng, xe đẩy tay, thùng đựng rác...) nhằm đáp ứng yêu cầu thu gom và xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo quy hoạch; có chủ trương tăng kinh phí hoạt động, đầu tư trang thiết bị thu gom, ban hành quy định vệ sinh môi trường, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng ngày, hàng tuần.
Rác thải dồn ứ tại ven đường sau khi Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau tạm ngừng hoạt động
Các Sở, ban, ngành và địa phương cần chú trọng đến công tác quản lý, kiểm soát hoạt động xả rác thải sinh hoạt; nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong BVMT đô thị; xử lý rác thải vô chủ trên đường phố, sông, rạch và nơi công cộng; đầu tư lắp đặt camera giám sát đối với khu vực ô nhiễm môi trường có tính phức tạp, thường xuyên, khó phát hiện, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ, để UBND các phường, xã theo dõi, xử phạt. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tham gia BVMT, phân loại rác tại nguồn.
Các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức phong trào vận động hội viên, cộng đồng dân cư tham gia quản lý rác thải, lồng ghép hoạt động vệ sinh môi trường với các nội dung thi đua của địa phương.
UBND các phường, xã, thị trấn cần tăng cường lực lượng kiểm tra, xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về BVMT; kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán trên vỉa hè, lòng lề đường, trên sông, ven sông. Đối với khu vực tạm thời cho phép hoạt động, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm soát việc chấp hành quy định về quản lý rác thải; đầu tư phương tiện, dụng cụ thu gom; tổ chức khen thưởng, tuyên dương tổ chức, cá nhân tốt có đóng góp trong công tác BVMT, tố cáo hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tỉnh Cà Mau cần quan tâm đến công tác vớt rác trên sông, thu gom rác ở các khu vực công cộng đang tồn đọng rác thời gian dài, để trả lại cảnh quan xanh - đẹp cho đô thị.
Giải pháp đề ra là như vậy, nhưng thiết nghĩ, để giải quyết được “bài toán” rác thải tại Cà Mau, bên cạnh chính sách đầu tư của tỉnh, sự nỗ lực của doanh nghiệp, việc quan trọng còn nằm ở ý thức của người dân trong phân loại rác tại nguồn.
Nguyễn Thị Liên
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)