Banner trang chủ

Nam Định: Ngư dân “sống mòn” với nguồn nước ô nhiễm

22/04/2014

     Nằm trải dài dọc tuyến đê ven biển, từ nhiều năm nay, người dân tại các xã vùng đệm của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang phải sống mòn mỏi với “mầm bệnh” ung thư do nguồn nước (cả nước ngầm lẫn nước mặt) bị ô nhiễm nghiêm trọng.

     Dẫu rằng, mấy năm gần đây đã có chủ trương sớm cấp nước sạch cho người dân, song do quá trình thực hiện quá chậm chạp nên giấc mơ nước sạch về làng của hàng ngàn hộ dân nơi đây vẫn chưa thành hiện thực.

     “Nhắm mắt” dùng nước bẩn

     Sáng sớm, khi sương mờ còn giăng kín trên những ngọn cây, người dân sinh sống dọc con đường liên thôn ở xã Giao Xuân (huyện Giao Thủy, Nam Định) đã đổ ra rạch mương cấp 2-cấp 3 để vệ sinh, giặt giũ quần áo.

     Vừa đưa tay gạt lớp váng bẩn trên mặt nước, chị Trần Thị Hiền, ở thôn Thị Tứ, xã Giao Xuân liền múc vội những chậu nước đặt lên bờ. Kề bên là hai chậu quần áo nhem nhuốc bùn đất sau một ngày ra đồng dọn cỏ, chăm sóc ruộng lúa.

     Trong câu chuyện với vị khách trẻ, chị Hiền thở dài với vẻ mặt ngao ngán: “Nói đến chuyện nước sạch là bà con trong thôn bức xúc lắm. Ở đây nguồn nước ngầm bị nhiễm sắt và asen nên nhà nào cũng phải múc nước ao để sinh hoạt. Khổ lắm!”

   Không chỉ mỗi nước ngầm bị nhiễm bẩn, việc sử dụng nguồn nước không hợp lý, không đi đôi với bảo vệ và ý thức hạn chế của con người trong cách “ứng xử” với môi trường như vứt rác thải, bao thuốc trừ sâu và xác động vật bừa bãi cũng khiến nguồn nước mặt nơi đây bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

   Chia sẻ với phóng viên về “cơn khát” nước sạch của địa phương, ông Trần Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giao Xuân cho biết, vấn đề thiếu nước sạch ở địa phương đã tồn tại nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

     “Đáng ngại nhất là những năm gần đây số lượng người bị ung thư ngày càng tăng lên, trong đó tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh chiếm khoảng 10%, khiến người dân càng bất an khi phải nhắm mắt sử dụng nguồn nước có nguy cơ gây hại cho sức khỏe,” ông Quyết lo lắng.

      Theo ông Quyết, sau nhiều lần địa phương “cầu cứu,” các cơ quan chuyên ngành của tỉnh như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường và ngành y tế đã về lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm và xác nhận nguồn nước ở địa phương bị nhiễm sắt và asen.

     Ông Quyết cũng cho biết, thông thường khi múc nước ngầm vào chậu, để tầm 4-5 tiếng sau là nước đổi thành màu vàng, thậm chí còn đánh mòn cả chậu nhôm. Do đó, nguồn nước ngầm ở địa phương sau khi qua xử lý (lọc thủ công) cũng chỉ để vệ sinh, chứ không thể dùng để nấu ăn được.

 

Hàng ngày, người dân xã Giao Xuân phải dùng nước ao để sinh hoạt

 

     Nằm kề cận xã Giao Xuân, hàng ngàn hộ dân ở các xã Giao An, Giao Hải (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cũng đang phải sống phấp phỏng trước cảnh nguồn nước bị ô nhiễm suốt hàng chục năm nay.

   Cô Đinh Thị Phụng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Giao An cho biết, ô nhiễm nguồn nước đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Dù rằng, 70% hộ dân của xã đã được dùng nguồn nước hợp vệ sinh từ dự án nước sạch của Bộ đội Biên phòng Ba Lạc, nhưng cho đến nay 30% hộ dân còn lại vẫn phải sử dụng nguồn nước ao, kênh mương bị ô nhiễm.

     “Theo nhận định của các chuyên gia môi trường thì nguồn nước ngầm ở đây bị nhiễm sắt, nước mặt bị ô nhiễm vì rác thải, nên hầu như 100% hộ dân ở địa phương đều phải dùng nước mưa. Tuy nhiên, trong bối cảnh thời tiết đang diễn biến phức tạp, mưa ít, nắng nhiều, nguy cơ thiếu nước sạch xem ra vẫn còn dài lắm,” cô Phụng lo lắng.

    Mỏi mòn chờ nước sạch

     Theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay hay trước đó là chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang hướng đến mục tiêu cơ bản là cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân khu vực nông thôn.

     Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều làng quê ở tỉnh Nam Định nói chung, huyện Giao Thủy nói riêng vẫn đang phải đối diện với cảnh khát nước sạch nghiêm trọng.

     Tại Giao Xuân, do nguồn nước bị nhiễm sắt không thể sử dụng nên rất nhiều hộ dân đã phải thuê thợ khoan nước ngầm ở độ sâu 110 m. Thế nhưng, khi bơm lên nước vẫn có màu vàng lơ, lọc qua bể lọc vẫn không thể hết mùi tanh.

     Trước thực trạng nêu trên, Ủy ban Nhân dân xã Giao Xuân đã kiến nghị lên Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy và UBND tỉnh Nam Định sớm triển khai xây dựng dự án nước sạch.

     Theo ông Trần Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giao Xuân, cái cần nhất đối với người dân địa phương bây giờ là nguồn nước máy hợp vệ sinh. Thế nhưng, để dự án nước sạch sớm về làng, mỗi hộ dân sẽ phải bỏ ra 2,5 triệu đồng để góp vào quy trình lắp đặt đường ống và xử lý nước.

     “Dự kiến, dự án đưa nước sạch về làng ở xã Giao Xuân sẽ hoàn thành trong năm 2014. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn mới chỉ nằm trên trang giấy, khiến người dân rất lo lắng,” ông Quyết thẳng thắn nói.

 

TheoVietNamPlus

Ý kiến của bạn