Banner trang chủ

Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư ven các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng

12/03/2018

     Những năm qua, các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức BVMT được triển khai mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhận thức về BVMT của cộng đồng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động nâng cao nhận thức còn thiếu sự phối kết hợp, thiếu trọng tâm và chưa phát huy được vai trò BVMT của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Để từng bước khắc phục vấn đề môi trường vùng nông thôn và khu vực ven đô, năm 2017, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Bộ TN&MT đã giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội triển khai Đề tài “Đánh giá thực trạng chuyển đổi hành vi về  BVMT của cộng đồng dân cư ven các đô thị vùng ĐBSH và đề xuất giải pháp”. Đề tài nhằm đánh giá thực trạng, phân tích những nhân tố tác động đến hành vi BVMT của cộng đồng dân cư ven các đô thị vùng ĐBSH, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi hành vi BVMT của cộng đồng trong giai đoạn tới.

     Vùng ĐBSH bao gồm 11 tỉnh, TP (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh) với tổng diện tích khoảng 2,1 triệu ha. Đây là vùng có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nhất của cả nước, tính đến thời điểm tháng 7/2016, vùng ĐBSH chiếm 23% tổng số các khu kinh tế (KKT) và 21% diện tích đất công nghiệp tại các KKT, đứng thứ 2 sau vùng Đông Nam bộ.

 

Chính quyền địa phương hỗ trợ lắp đặt thùng thu gom rác cho các hộ gia đình tại Ninh Bình

 

     Qua khảo sát công tác BVMT của cộng đồng dân cư tại một số địa phương vùng ven đô thị ĐBSH cho thấy, do dân cư không tập trung nên việc thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn gặp nhiềukhó khăn. Nhận thức của người dân về BVMT còn hạn chế. Không ít nơi dù đã được quy hoạch, bố trí các điểm vứt rác, có tổ thu gom nhưng rác thải vẫn bị vứt bừa bãi, gây mất vệ sinh. Cụ thể như tại các xã trên địa bàn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, rác thải không được thu gom, vứt bừa bãi trên mặt đê. Mặc dù, chính quyền xã đã chỉ đạo thu gom, xử lý rác thải nhưng vẫn không hiệu quả. Nhiều người dân lợi dụng đêm tối đổ rác không đúng nơi quy định, do không bắt được quả tang nên khó áp dụng quy chế xử phạt.

     Ở một số địa phương, tình trạng vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại kênh, mương, bờ ruộng vẫn xảy ra, mặc dù, địa phương đã xây hố thu gom tại ruộng. Bên cạnh đó, người dân còn đốt rác thải với số lượng lớn tại các hố rác, gây ô nhiễm môi trường, làm chuồng trại gia súc gần nơi sinh hoạt của gia đình và thường xuyên đốt rơm, rạ sau thu hoạch.

     Cùng với đó, ở nhiều khu vực nông thôn, hệ thống thoát nước thường được dùng chung cho việc tiêu thoát nước thải và nước mưa. Thậm chí, nhiều hộ gia đình bỏ cả rác thải sinh hoạt của gia đình vào cống thoát nước, gây tắc đường thoát nước. Khảo sát tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho thấy, trên địa bàn xã có 40 gia trại và 265 cơ sở sản xuất kinh doanh, các gia trại đều có hầm biogas, nhưng hệ thống nước thải sau khi qua hầm biogas không được xử lý mà xả thẳng ra hệ thống tiêu công cộng, ảnh hưởng đến môi trưởng.

     Trong những năm gần đây, các hình thức sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ trong khu dân cư xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ chú trọng đến sản xuất, kinh doanh mà không quan tâm đến môi trường. Chủ yếu tại một số hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh phế liệu (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), các hộ chăn nuôi, chế biến và giết mổ (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), làng nghề làm bún (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình)… đã xả chất thải ra môi trường, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

     Mặt khác, tư tưởng ỷ lại nhà nước, cơ quan chức năng trong việc BVMT của người dân vẫn còn cao. Nhận thức của người dân về luật pháp, cũng như những tác hại và hậu quả về ô nhiễm môi trường còn hạn chế. Nhiều hộ dân không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT. Ở một số địa phương, tình trạng người dân không chịu đóng phí vệ sinh môi trường, mặc dù, mức phí vệ sinh môi trường chỉ 2.500 - 3.000/khẩu/tháng.

     Ngoài ra, vấn đề mai táng và quy hoạch nghĩa trang cũng là một khó khăn của chính quyền địa phương. Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì việc mai táng phải phù hợp với quy định và theo quy hoạch. Trong đó, có những tiêu chuẩn khắt khe về quy hoạch, xây dựng, cải tạo, đóng cửa và di chuyển nghĩa trang, quản lý và sử dụng nghĩa trang. Điều này đã và đang gây ra không ít khó khăn cho các xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tại nghĩa trang của xã, do hộ dân đầu tư xây dựng lăng mộ lên đến vài trăm triệu đồng, nên việc thuyết phục những người dân này di dời những phần mộ vào nghĩa trang là không dễ dàng.

     Từ các đánh giá trên, nhóm khảo sát đã lập bảng hỏi, tham vấn người dân về nhu cầu nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi BVMT theo từng tiêu chí, cụ thể:  Có tới 51,7%  người dân được hỏi cho rằng, cần phải đổi mới các nội dung, hình thức và phương tiện, công cụ tuyên truyền; Nhu cầu của người dân về hoàn thiện những quy định pháp lý về BVMT, các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn (chiếm 34,5%); Nhà nước cần có các giải pháp để thúc đẩy các mô hình, tổ chức BVMT ở vùng ven đô, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tham gia BVMT, phát huy vai trò của các hương ước, quy chế thôn bản về BVMT (chiếm 31,6%); Đầu tư hạ tầng xử lý môi trường vùng ven đô (hạ tầng thoát nước, bãi tập kết rác và khu xử lý rác phù hợp với vùng ven đô thị) (chiếm 23,4%); Nhà nước cần chú trọng ban hành các cơ chế thuận lợi để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải vùng ven đô thị (công ty tư nhân, hợp tác xã, công ty môi trường đô thị, hộ gia đình...) để thu gom triệt để chất thải ở vùng ven đô thị (chiếm 20,7%).

     Như vậy, có thể thấy, công tác BVMT ở một số địa phương vùng ĐBSH đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là nhận thức của người dân đối với công tác BVMT. Nhiều chương trình chuyển đổi hành vi về BVMT chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, chuyển đổi hành vi về BVMT chưa kết hợp hiệu quả với các công cụ khác trong quản lý môi trường để thay đổi nhận thức và hình thành thói quen thân thiện với môi trường trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, giữa nhận thức và chuyển đổi hành vi còn một khoảng cách xa. Người dân có thể có hiểu biết, mong muốn sống thân thiện với môi trường, sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh nhưng họ không có khả năng thực hiện mong muốn này và cần đến sự giúp đỡ của nhà nước, các ngành, các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương.

     Để nâng cao cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thân thiện với môi trường của cư dân vùng ven đô ĐBSH trong giai đoạn tới cần thực hiện các giải pháp:

     Tăng cường sự giám sát của các tổ chức xã hội về BVMT, phản biện xã hội về môi trường. Hoạt động giám sát về BVMT cần được cụ thể hóa dưới nhiều hình thức khác nhau bằng nhiều con đường khác nhau, với sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện những sai phạm về BVMT. Cùng với đó, cần phát huy vai trò chủ động và tích cực của các tổ chức đoàn thể xã hội (Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nghề nghiệp…) trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định của địa phương, cũng như của Nhà nước về BVMT. Xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường. Chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết BVMT và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư, nhất là ở khu vực ven đô thị. Khôi phục và phát huy truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó với môi trường; bồi dưỡng kiến thức, nhận thức về môi trường cho cán bộ các địa phương, đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia môi trường phục vụ công tác quản lý nghiên cứu.

 

Tình trạng xả bao bì thuốc BVTV bừa bãi tại xã Nguyên Hòa (Phù Cừ - Hưng Yên)

 

     Nâng cao trách nhiệm và tính tích cực của cộng đồng trong quản lý môi trường cần phải phân cấp quản lý rõ ràng hơn và có sự chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Chú trọng xây dựng mạng lưới quản lý nhà nước về môi trường ở cấp xã. Tăng cường năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các quyết định quản lý của tuyến cơ sở và phối hợp hoạt động với hệ thống chính quyền địa phương trong hoạt động BVMT.

     Tăng cường hỗ trợ vật chất cho những người nghèo có thể thay đổi cách sống, cũng như các phương thức canh tác lạc hậu có hại đến môi trường. Lồng ghép vấn đề BVMT với công tác xóa đói giảm nghèo, gắn kết lợi ích BVMT với các hoạt động sản xuất kinh doanh.

     Lựa chọn quy mô cộng đồng phù hợp với khả năng tổ chức của người đứng đầu cộng đồng. Ở nước ta, quy mô cộng đồng nhỏ như tổ dân phố, xóm, làng, thôn, xã là những quy mô có thể phát huy tốt vài trò quản lý môi trường. Tuy nhiên, hoạt động quản lý môi trường của các cộng đồng nhỏ cần được liên kết với nhau. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về BVMT, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội cũng như ngăn chặn những vi phạm về BVMT.

     Luật hóa các quy định về quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng. Xác định rõ nguyên tắc tiếp cận thông tin và hành vi cấm trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Phân biệt rõ phạm vi thông tin được tiếp cận và hạn chế tiếp cận. Cần xây dựng cơ chế cung cấp thông tin theo yêu cầu;

     Thể chế hóa các cơ chế đảm bảo thực hiện quyền môi trường của cộng đồng. Tăng cường việc hoàn thiện thể chế và thiết chế bảo đảm quyền môi trường, bao gồm đẩy mạnh thể chế hóa quyền môi trường trong luật và chính sách; hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ quan nhà nước trong việc thực thi, bảo vệ quyền môi trường; thành lập Tòa án môi trường để tăng cường cơ chế bảo vệ quyền môi trường. Rà soát hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành liên quan đến quyền môi trường nói riêng cũng như việc thi hành Hiến pháp và thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Tuyên truyền pháp luật, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về BVMT.

     Tăng cường hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm BVMT nơi công cộng. Việc tăng mức phạt được kỳ vọng sẽ là “liều thuốc” hữu hiệu trị “bệnh” xả rác thải bừa bãi, tạo chuyển biến mạnh về ý thức BVMT trong người dân. Để triển khai có hiệu quả các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong BVMT, cần bảo đảm các yếu tố tác động tới việc thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và việc thực hiện pháp luật của công dân. Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân phụ thuộc vào sự hiểu biết của cá nhân, cộng đồng về các quy định BVMT. Do đó, các cơ quan nhà nước cần thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về ý thức tôn trọng các quy định về BVMT cho người dân, việc thực hiện phải thường xuyên, liên tục và cương quyết thì mới có thể tác động vào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

     Tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan truyền thông với cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về môi trường; đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về môi trường; đưa tin thường xuyên và kịp thời; phát hiện và kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT... tạo dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường, đi đôi với áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm.

     Chú trọng đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT. Cần đa dạng hóa các đối tượng tuyên truyền, đặc biệt là trong thanh niên, thiếu niên ở các cấp học phổ thông, kể cả đại học và sau đại học... Bên cạnh việc truyền đạt lý thuyết, cần tổ chức cho học sinh tham quan những mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên thân thiện với môi trường có tác dụng tích cực đến quá trình phát triển bền vững. Tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động BVMT như trồng, chăm sóc, bảo vệ vườn cây trong trường, ngoài đường phố, trong công viên... Đây là những việc làm giúp các em tiếp cận thực tiễn, gợi ra các hành vi tốt, xây dựng đạo lý, ý thức trách nhiệm với môi trường, đồng thời giúp vận dụng tri thức vào các hành động thân thiện với môi trường ngay tại nơi mình sống.

 

Trần Ngọc Ngoạn

Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018

 

 

 

 

Ý kiến của bạn