18/08/2017
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Nâng cao năng lực quản lý và các giải pháp xử lý môi trường làng nghề do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Nam Định tổ chức vào ngày 2/8/2017 tại Nam Định.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, tính đến nay, Việt Nam có 1864/5411 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Tuy nhiên, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường ô nhiễm nặng. Đặc biệt, với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần. Môi trường không khí cũng bị ô nhiễm, chủ yếu từ sử dụng than làm nhiên liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2… chất hữu cơ bay hơi. Ngoài ra, trong quá trình tái chế và gia công cũng phát sinh các khí độc như hơi axit, kiềm, oxit kim loại và ô nhiễm nhiệt điện. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt quá quy chuẩn Việt Nam từ 3 - 8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt 6,5 lần.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo đánh giá, trong thời gian tới, các làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục gia tăng và có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, song song với quá trình phát triển kinh tế cũng cần phải chú trọng đến việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở các khu vực này. Bên cạnh đó, nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề như hiện nay, việc hướng dẫn lồng ghép có hiệu quả nhiệm vụ BVMT trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2020 cần được thực hiện thường xuyên và liên tục. Các cấp chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả việc xử lý ô nhiễm triệt để những làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ý thức cộng đồng cũng là một điểm đột phá để khắc phục những hậu quả xấu về môi trường do hoạt động sản xuất. Phong trào “nông thôn mới” hiện nay là cơ hội để các làng nghề tìm cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường, trên cơ sở nâng cao ý thức của người dân cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước. Đây là những vấn đề không những trên thế giới mà chúng ta cũng đang rất quan tâm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ tác hại của ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay. Các đại biểu thống nhất cao việc tập trung thực hiện tốt một số giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên ruyền, phổ biến nhằm thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật về BVMT làng nghề, làm tốt công tác quy hoạch như Quy hoạch làng nghề gắn với du lịch; Quy hoạch khu vực sản xuất tập trung để di dời các công đoạn, cơ sở gây ô nhiễm môi trường; Quy hoạch sản xuất trong làng nghề: bao gồm các hoạt động hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu và trung bày các sản phẩm, quy hoạch không gian phục vụ hoạt động tham quan trong làng; Tăng cường đội ngũ quản lý nhà nước về BVMT làng nghề. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở về trách nhiệm đối với công tác BVMT; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT; Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân; Rà soát cơ chế, chính sách hiện có để nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho công tác BVMT khu vực nông thôn, làng nghề.
Huy Hoàng