29/06/2018
Hiện tượng đốt rơm rạ ngoài đồng rộng đã và đang gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi. Nguyên nhân chính là do chi phí thu gom thủ công rơm rạ cao nên nông dân lựa chọn biện pháp đốt, nhằm giải phóng đất đai cho vụ mùa tiếp theo. Nhìn từ góc độ khác, rơm rạ là nguồn tài nguyên có giá trị có thể sử dụng cho nhiều hoạt động đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Do vậy, cần nghiên cứu để xây dựng chuỗi giá trị, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ rơm rạ nhằm tăng cường sử dụng nguồn tài nguyên này, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thực trạng chuỗi giá trị thu gom, chế biến và sử dụng rơm rạ tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, trong những năm gần đây, Việt Nam sản xuất khoảng 40 - 44 triệu tấn lúa gạo hàng năm. Với tỷ lệ cứ 1 tấn lúa sẽ có 1 tấn phụ phẩm rơm rạ, hàng năm nước ta có một khối lượng khổng lồ phụ phẩm rơm rạ. Nguồn nguyên liệu rơm rạ được chia ra là 2 loại chính: rơm và gốc rạ. Nguyên liệu rơm thường được thu mua hoặc đem về sử dụng trong khi gốc rạ người dân thường để ải ngoài đồng, sau đó cầy lật đất để làm phân bón cho vụ tiếp theo. Do nhu cầu thâm canh nên nhiều người dân lựa chọn giải pháp để khô để nhanh chóng giải phóng đất cho trồng trọt vụ mùa tiếp theo. Việc nông dân đốt rơm rạ ngoài đồng không những gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn gây ra nhiều hệ lụy như lãng phí tài nguyên phụ phẩm nông nghiệp, làm cho đất đai bị khô, chai cứng, phần tro sót lại chút ít khoáng chất (P, K, Ca, Si, ...) không giúp ích cho cây trồng.
Nông dân Nghệ An đốt gốc rạ ngoài đồng
Còn theo kết quả khảo sát của Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP), chuỗi giá trị thu gom và sử dụng rơm chỉ mới hình thành ở một số tỉnh phía Nam. Chuỗi giá trị thu gom rơm chưa hình thành ở các tỉnh phía Bắc là do quy mô ruộng đồng nhỏ, manh mún, khó áp dụng các biện pháp cơ giới hóa để thu gom rơm. Mặt khác, tỷ lệ thu gom rơm ở các vụ lúa cũng khác nhau: vụ Đông Xuân có thời tiết ẩm ướt người dân ít thu gom rơm hơn vụ Thu Đông và Hè Thu có khí hậu khô ráo hơn.
Tại tỉnh Hậu Giang, phân tích chuỗi giá trị rơm năm 2017 sau khi thu hoạch cho thấy, bà con nông dân thường bán rơm tại ruộng cho chủ máy cuộn với giá thành khoảng 500 - 700 ngàn đồng/ha đất. Chủ máy cuộn thường thu hoạch được 130 - 150 cuộn rơm/ ha và bán với giá trị khoảng 12 - 14 ngàn đồng/cuộn, tính ra khoảng 2 - 2,5 tấn rơm cuộn/ ha. Đối với rơm thu mua làm thức ăn cho gia súc, chủ vựa thường cuộn rơm nhỏ hơn khoảng 12 - 16 kg/ cuộn, đối với rơm rạ cho trồng nấm, chủ vựa thường thu mua cuộn rơm từ 20 - 22 kg/cuộn. Các chủ vựa tiếp tục bán cho các đầu mối thu mua với giá 20 - 22 ngàn đồng/cuộn và các chủ vựa đầu mối bán cho người dùng với mức giá 28 - 30 ngàn đồng/cuộn. Tỷ lệ thu mua rơm làm thức ăn gia súc chiếm khoảng 40% tổng lượng rơm và 60% còn lại được thu mua cho trồng nấm rơm và các mục đích khác. Thị trường thu mua rơm của tỉnh Hậu Giang chủ yếu là các trang trại chăn nuôi tại các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Vũng Tàu, Trà Vinh, Bến Tre và thị trường thu mua rơm cho trồng nấm là các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long... Trong giai đoạn từ 2013 - 2016, do phát triển mạnh của công nghệ cơ giới hóa trong thu gom, giá rơm đã tăng lên gần gấp đôi từ 260 ngàn đồng lên 520 ngàn đồng/ha, giá bán rơm cuộn tại ruộng đã giảm khoảng 35% và giá rơm cuộn bán trên thị trường giảm 17%. Công nghệ máy thu gom rơm đã có thay đổi nhanh chóng trong 5 năm gần đây, từ máy thu gom rơm rời đến máy cuộn tại ruộng và gần đây nhất là máy cuộn rơm đưa lên thùng xe giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí nhân công, giảm giá đáng kể thành thu gom.
Máy cuốn rơm tự hành do Việt Nam sản xuất có giá khoảng 280 triệu đồng
Hiện tại, rơm được thu mua để làm thức ăn gia súc với số lượng khá lớn. Lượng cung cấp rơm làm thức ăn gia súc không đủ nhu cầu khiến một số trang trại phải nhập khẩu rơm đã xử lý với giá 400 USD/ tấn. Hiện nay, trang trại bò sữa của TH Truemilk tại miền Trung đang thu mua rơm với giá khoảng 3,2 triệu đồng/tấn. Ước tính khoảng 40% lượng rơm thu mua trong chuỗi giá trị ở Hậu Giang được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, rơm còn được thu mua để trồng nấm. Tỷ suất lợi nhuận trồng nấm rơm khá cao: cứ 10 kg rơm khô sẽ cho ra 2 kg nấm, phụ phẩm sau trồng nấm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, thị trường nấm rơm hiện tại không lớn và chi phí bảo quản nấm cao nên thu nhập từ trồng nấm rơm không ổn định. Tỷ lệ thu mua rơm cho trồng nấm chỉ dao động từ 10 - 30% lượng rơm thu mua tại tỉnh Hậu Giang.
Ngoài ra, rơm còn được thu gom để làm đệm lót cho nông sản, đệm lót sinh học, vật liệu che phủ đất, làm viên nhiên liệu đốt lò hơi, làm phân bón hữu cơ, than sinh học, làm ván chịu nhiệt, đồ thủ công mỹ nghệ, làm giấy... với số lượng đáng kể. Hiện chưa thống kê cụ thể được tỷ lệ sử dụng rơm cho các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, tùy vào chất lượng và giá thành rơm tại các thời điểm khác nhau người dân sẽ linh hoạt sử dụng rơm vào các mục đích trên theo điều tiết của thị trường.
Chuỗi giá trị sử dụng gốc rạ cho các mục đích kinh tế chưa được hình thành. Nguyên nhân là do gốc rạ rất khó thu gom và thường bị người dân vứt bỏ tại ruộng. Ở nhiều nơi, người dân để khô gốc rạ tại ruộng và đốt bỏ để nhanh chóng giải phóng đất cho trồng vụ tiếp theo. Một số địa bàn khác, người dân để ải gốc rạ tại ruộng và cầy lật đất để làm phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, việc để gốc rạ tại ruộng đôi khi gây hậu quả xấu cho cây trồng như là nguồn lây lan sâu bệnh, gây ngộ độc hữu cơ cho lúa, làm tăng phát thải khí nhà kính (khí mê tan)... Tính toán của các nhà khoa học cho thấy, việc đốt rơm rạ ngoài đồng có thể giúp kiểm soát cỏ dại và côn trùng nhưng lại gây thất thoát 100% lượng ni tơ, 20 - 25% lượng phốt pho và ka li, loại bỏ chất hữu cơ trong đất, làm giảm vi sinh vật có lợi trong đất, gây ô nhiễm và phát thải khí nhà kính ở mức trung bình. Mặt khác, việc vùi các gốc rạ trong đất sẽ giúp tăng độ màu mỡ của đất, cân bằng dinh dưỡng trong sản xuất lúa nhưng lại tăng cường phát thải khí nhà kính, tăng sâu bệnh và đôi khi gây ngộ độc hữu cơ cho lúa.
Gần đây, có một số chế phẩm vi sinh được giới thiệu để giúp nhanh chóng phân hủy gốc rạ tại ruộng để làm phân bón hữu cơ và giúp giải phóng đất cho vụ tiếp theo. Tuy nhiên, công nghệ này chưa được áp dụng phổ biến.
Đề xuất một số giải pháp nhằm giảm đốt rơm rạ, giảm ô nhiễm môi trường
Để nâng cao hiệu quả sử dụng rơm rạ, Nhà nước cần hỗ trợ các nghiên cứu đẩy nhanh việc đưa máy móc phục vụ công tác thu gom rơm ở miền Bắc. Cụ thể, cần đưa vào sử dụng các loại máy cuốn rơm quy mô nhỏ, vận chuyển linh hoạt, phù hợp với điều kiện đồng ruộng miền Bắc; Nghiên cứu máy cắt gốc rạ kết hợp với máy cuốn rơm để tăng tỷ lệ thu gom rơm rạ.
Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ nghiên cứu lợi nhuận của các khâu trong chuỗi giá trị thu gom, sản xuất và sử dụng các sản phẩm từ rơm tại từng địa phương. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu sẽ đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị thu gom, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ rơm tại các địa bàn cụ thể trên miền Bắc và miền Trung.
Hỗ trợ, hoàn thiện các công nghệ sử dụng rơm để sản xuất làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, trồng nấm, làm viên năng lượng... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ rơm, giúp ổn định thị trường và tăng giá trị lợi nhuận.
Đối với gốc rạ, việc thu gom rất khó khăn và chi phí cao. Do vậy, cần định hướng nghiên cứu để giúp người dân xử lý gốc rạ tại ruộng để làm phân bón hữu cơ, hạn chế hiện tượng đốt đồng. Nhà nước cần hỗ trợ các nghiên cứu sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm phân hủy nhanh gốc rạ ngoài đồng để làm phân bón hữu cơ. Việc áp dụng cơ giới hóa nhằm tăng cường tỷ lệ thu gom rơm giúp giảm khối lượng gốc rạ cần phải xử lý trên đồng ruộng, qua đó giảm những tác hại về sâu bệnh, ngộ độc hữu cơ cho cây trồng cũng như phát thải khí nhà kính do để lại nhiều gốc rạ trên đồng ruộng.
TS. Nguyễn Thế Hinh
Bộ NN&PTNT
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)