22/06/2016
Ngày 22/6/2016, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường (QTMT) ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Môi trường, các Sở TN&MT địa phương, chuyên gia môi trường CHLB Đức…
Hội thảo nhằm trao đổi, đánh giá thực trạng hoạt động QTMT, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong công tác QTMT từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động QTMT của nước ta trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Hiện nay, hầu hết các tỉnh/thành phố đã thành lập Trung tâm Quan trắc Môi trường trực thuộc Sở TN&MT hoặc Chi cục BVMT, với lực lượng cán bộ và trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế. Các Trạm QTMT quốc gia, Trung tâm QTMT của các tỉnh cũng như hoạt động quan trắc của các Bộ/ngành đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện QTMT nhưng do còn hạn chế về năng lực con người cũng như trang thiết bị, công tác QTMT vẫn chưa đạt được những hiệu quả mong muốn. Trước những thách thức đặt ra trong thực tế thời gian vừa qua, việc tăng cường quan trắc, giám sát chất lượng môi trường cần phải được đẩy mạnh và tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời cảnh báo và sớm ngăn ngừa các tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
Luật BVMT năm 2014 đã đưa ra những quy định đầy đủ về hệ thống QTMT, trách nhiệm QTMT cho từng nhóm đối tượng và công tác quản lý số liệu QTMT. Bên cạnh đó, Quyết định số 90/QĐ- TTg ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 -2030 là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu quả hoạt động QTMT. Theo Quy hoạch, đến năm 2030, số điểm quan trắc sẽ tăng lên (1.333 điểm (hiện có 725 điểm và mở rộng 608 điểm); Trạm quan trắc không khí tự động tăng lên 36 trạm (7 trạm hiện có và mở rộng 29 trạm); số trạm quan trắc nước tự động 45 (10 trạm hiện có, 35 trạm mở rộng)…
Để mở rộng mạng lưới quan trắc tự động, các đại biểu đề nghị: Bộ TN&MT nên ban hành hướng dẫn về định mức kinh tế kỹ thuật, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc tự động nước thải liên tục; Đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhận truyền dữ liệu quan trắc; Tập trung mở rộng hoạt động QTMT đối với thủy ngân, biến đổi khí hậu…; Nâng cao khả năng dự báo và cảnh báo sớm về thiên tai và sự cố môi trường; Ưu tiên hệ thống quan trắc và giám sát ven biển miền Trung…
Châu Loan