Banner trang chủ

Một số yêu cầu đối với hoạt động bảo vệ môi trường du lịch trong giai đoạn tới

06/02/2018

   Những năm qua, hoạt động du lịch đã đem lại nhiều kết quả to lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến hết tháng 11/2017, Việt Nam đón khoảng 11,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 68 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch ước tính khoảng 462 nghìn tỷ đồng. Đến nay, nhiều khu du lịch, tuyến du lịch đã trở nên nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước như Hạ Long, Đà Lạt, Sa Pa...; các tour du lịch sinh thái đến vườn quốc gia (Cát Bà, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Đôn); tuyến du lịch tìm hiểu nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo... Có thể nói, du lịch ngày càng phát huy được thế mạnh, góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là giá trị di sản thế giới ở Việt Nam.

   Phát triển du lịch và những tác động đến môi trường

   Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc phát triển du lịch với tốc độ cao trong những năm gần đây đã gây ra những hệ lụy nhất định đến môi trường. Vào mùa du lịch, số khách du lịch thường tập trung cao ở một số khu vực như: Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hòa)...; Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Núi Bà Đen (Tây Ninh) dẫn đến các điểm đến bị quá tải, làm gia tăng lượng rác thải, tác động lên nhiều hệ sinh thái.

   Bên cạnh đó, do lượng khách du lịch ngày càng tăng, việc đầu tư xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch diễn ra ở các địa phương, đặc biệt những trọng điểm phát triển du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... làm tăng nhu cầu sử dụng đất, tác động đến môi trường. Hoạt động của các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí làm tăng mức tiêu thụ nước, phát sinh chất thải rắn, nước thải, do đó, góp phần làm gia tăng mức độ suy thoái và ô nhiễm các nguồn nước ngầm, nước mặt. Ngoài ra, sự phát triển của du lịch cũng đồng nghĩa với sự mở rộng phạm vi hoạt động du lịch và các loại hình du lịch. Địa bàn hoạt động du lịch được mở rộng từ những địa điểm du lịch truyền thống như Sa Pa, Hạ Long, Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An đến những địa danh du lịch mới như Cao nguyên đá Đồng Văn, Mộc Châu… Nhiều hoạt động du lịch diễn ra ở những khu vực nhạy cảm về môi trường (gần vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa…) gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường.

   Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch trong năm 2017 khi tham vấn khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các khu du lịch lớn của Việt Nam về các vấn đề môi trường du lịch hiện nay, có 63,33% người cho rằng là rác thải; 43,33% là nước thải; 10% là vấn đề tệ nạn xã hội và 3,33% vấn đề ô nhiễm môi trường không khí. Tỷ lệ tương ứng khi tham vấn 30 chuyên gia, nhà quản lý về môi trường và du lịch tại các địa phương là 83,33%; 33,33%, 13,33% và 16,67%. Ngoài những nguyên nhân do ý thức của khách du lịch và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, còn có những nguyên nhân liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước, cụ thể: Khối lượng chất thải sinh hoạt gia tăng cùng lượng khách du lịch, trong khi hạ tầng môi trường chưa được đầu tư; Thiếu kiểm soát đối với phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành; Khai thác quá mức tài nguyên để phục vụ nhu cầu du khách; Quan hệ liên ngành trong quản lý môi trường còn thiếu chặt chẽ.

   Các vấn đề môi trường nêu trên chính là nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn, chất lượng của các dịch vụ và năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam (trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017, nhiều chỉ số liên quan đến môi trường của Việt Nam đạt mức thấp như mức độ bền vững về môi trường xếp hạng 129/136, mức độ chất thải hạng 128/136, tình trạng phá rừng hạng 103/136, hạn chế về xử lý nước thải hạng 107/136…). Nếu các vấn đề môi trường trên không được giải quyết kịp thời sẽ có những tác động tiêu cực ngày càng lớn, ảnh hưởng đến phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Sự quá tải của bãi biển Sầm Sơn (trái) và rác thải trên bãi biển Mũi Né (phải) trong mùa du lịch 

   Một số yêu cầu đối với công tác BVMT du lịch

   Du lịch và môi trường là hai vấn đề có tác động qua lại, môi trường được xem như là yếu tố sống còn với sự phát triển du lịch. Trong những năm tới, du lịch được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, với mục tiêu thu hút từ 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, năng lực hạ tầng môi trường còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT chưa đáp ứng yêu cầu là thách thức lớn đối với ngành du lịch. Thêm vào đó, tác động về môi trường từ các hoạt động kinh tế - xã hội khác, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng gây ra những tác động không nhỏ đối với phát triển du lịch.

Khu du lịch đất ngập nước Vân Long, Ninh Bình

   Vì vậy, để phát triển du lịch bền vững, đòi hỏi phải đẩy mạnh các hoạt động BVMT, ngành du lịch cần xây dựng năng lực quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương; hoàn thiện chương trình, kế hoạch hành động trước mắt và lâu dài về BVMT của ngành, đặc biệt là công tác đầu tư; có những biện pháp tác động đến hành vi của các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch, bao gồm cả cơ sở kinh doanh du lịch, khách du lịch và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực kiểm soát, phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động du lịch; Đảm bảo sự đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành được tiến hành hợp lý, có sự đánh giá đầy đủ những tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu; Tăng cường những chương trình, kế hoạch về ưu tiên phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch; Việc khai thác tài nguyên du lịch phải được kiểm soát và phù hợp với khả năng duy trì, tái tạo của tài nguyên; Đẩy mạnh phối hợp với ngành liên quan để kiểm soát các tác động từ hoạt động du lịch, cũng như hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường.

   Yêu cầu đặt ra đối với công tác BVMT du lịch đòi hỏi vai trò quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước cả trong lĩnh vực môi trường và du lịch, do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền, giáo dục cho người dân, cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện quy định pháp luật về BVMT. Trong trường hợp cần thiết, phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả công tác BVMT du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, bởi môi trường là vấn đề mang tính chất liên ngành, liên vùng. Ngoài chủ trương chính sách, hành động cụ thể, cần có giải pháp đồng bộ với sự tham gia của các ngành, tránh gây ra những tác động xấu lên môi trường

Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn