Banner trang chủ

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thực hành môi trường tốt nhất

02/01/2020

     Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng công cụ thực hành môi trường tốt nhất (BEP) nhằm tăng cường khả năng kiểm soát ô nhiễm môi trường trong tất cả các giai đoạn của dự án. “BEP là các ứng dụng của việc kết hợp các biện pháp và chiến lược kiểm soát môi trường phù hợp nhất (Công ước OSPAR, Phụ lục 1)”. Các biện pháp thực hành môi trường tốt nhất nên được áp dụng ngay từ giai đoạn lập kế hoạch dự án. Những biện pháp này có thể được sử dụng cùng với các biện pháp giảm thiểu để giảm mức độ nghiêm trọng của các tác động tới môi trường.

     Các khái niệm khác nhau về BEP có thể được chia thành hai loại: Quy định pháp lý và Thực hành. Quy định pháp lý được xác định qua thực tiễn bởi các cơ quan quản lý là phương tiện hiệu quả nhất, thực hiện để ngăn chặn hoặc giảm lượng ô nhiễm được tạo ra bởi các nguồn không điểm. Sau đó, khái niệm này cũng đã được sử dụng để đáp ứng các tiêu chí được chỉ định cho ô nhiễm nguồn điểm. Thực hành liên quan đến việc mở rộng và áp dụng những thực hành được khuyến nghị (nhưng không nhất thiết phải có) bởi các cơ quan chính phủ và các tổ chức nghiên cứu, ví dụ như việc xuất bản tài liệu Hướng dẫn.

     Trên thế giới, BEP được nhiều quốc gia áp dụng với nhiều thuật ngữ tương tự, ví dụ “Thực hành quản lý tốt nhất (BMP)”, Biện pháp quản lý môi trường tốt nhất (BEMP). BMP là thuật ngữ được sử dụng ở Hoa Kỳ và Canađa để mô tả phương thức kiểm soát ô nhiễm nước. Trong lịch sử, thuật ngữ này đã đề cập đến kiểm soát ô nhiễm phụ trợ trong các lĩnh vực kiểm soát nước thải công nghiệp, kiểm soát nước thải đô thị, quản lý nước mưa và quản lý vùng đất ngập nước, BMP cũng có thể nhắc đến kỹ thuật kiểm soát hoặc xử lý chính. Quốc hội Hoa Kỳ đã nói đến BMP trong một số phần của Đạo luật Nước sạch Hoa Kỳ (năm 1972). Theo Đạo luật này, các cơ quan Nhà nước và liên bang hợp tác để kiểm soát ô nhiễm bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng nước và kiểm soát ô nhiễm tại nguồn. Đạo luật quy định việc xả chất gây ô nhiễm từ nguồn điểm vào vùng biển mà không có giấy phép Cục BVMT (EPA), hoặc Nhà nước hay các bang được ủy quyền là bất hợp pháp. Các nguồn gây ô nhiễm không điểm được các quốc gia và các Bang giải quyết thông qua quy trình lập kế hoạch quản lý toàn khu vực và các chương trình dựa trên việc khuyến khích tự nguyện; một số tiểu bang áp dụng các chương trình có thể giải quyết ô nhiễm nguồn không điểm. Đạo luật Nước sạch năm 1977 đã sử dụng thuật ngữ BMP trong việc mô tả chương trình lập kế hoạch xử lý chất thải trên toàn khu vực và trong thủ tục kiểm soát các chất ô nhiễm độc hại liên quan đến xả thải công nghiệp. Mục 404 về các giấy phép nạo vét đề cập đến BMP là một trong những miễn trừ thực thi. Các tài liệu tham khảo về BMP nước mưa xuất hiện lần đầu tiên trong Đạo luật Nước sạch sửa đổi năm 1987. Do ô nhiễm nguồn không điểm gây ra khoảng 60% suy giảm chất lượng nước, Quốc hội đã sửa đổi Đạo luật Nước sạch vào năm 1987 để thiết lập Chương trình quản lý ô nhiễm nguồn không điểm theo Mục 319. Chương trình này cung cấp cho các bang các khoản tài trợ để thực hiện các biện pháp kiểm soát được mô tả trong Chương trình.

 

Sử dụng công nghệ phát sinh ít chất thải là một trong những tiêu chí của BEP

 

     Biện pháp quản lý môi trường tốt nhất (BEMP) được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2018 đưa ra như một khái niệm tương tự “kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT)”. Tại châu Âu, BEP được áp dụng phổ biến trong Chương trình kiểm toán và quản lý sinh thái EU (EMAS), thiết lập bởi các tổ chức tự nguyện trong Chương trình. Chương trình nhằm tăng cường thực hành quản lý môi trường tốt nhất và phát triển các tài liệu hướng dẫn (SRDs) bởi các tổ chức áp dụng EMAS trong việc đánh giá thực hiện công tác môi trường của họ. Theo đó, BEP là các kỹ thuật, giải pháp và hoạt động nhằm đem lại những kết quả thực hiện môi trường tốt nhất với tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế đã được chứng minh. BEMP có thể bao gồm cả bản chất kỹ thuật hoặc công nghệ cũng như các hành động và lựa chọn quản lý khác. Đối với một tổ chức, BEMP được xác định trên phạm vi địa lý, ngành sản xuất và chuỗi giá trị của các sản phẩm, dịch vụ của họ, từ đó xem xét tác động môi trường trong toàn bộ vòng đời.

     Trong một số công ước quốc tế như Công ước OSPAR, Công ước Minamata, Công ước Stockholm, BAT và BEP thường được sử dụng cùng nhau với các định nghĩa khác nhau. BAT được định nghĩa là “giai đoạn hiệu quả và tiên tiến nhất trong sự phát triển của các hoạt động, phương pháp vận hành, đây là các kỹ thuật cụ thể, phù hợp để cung cấp cơ sở cho các giá trị giới hạn phát thải, điều kiện cấp phép khác được thiết kế để ngăn ngừa, giảm phát thải và tác động đến môi trường”. BAT áp dụng các kỹ thuật tốt nhất sẵn có, bao gồm cả công nghệ sử dụng và cách thức thiết lập, gồm thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng, vận hành, ngừng hoạt động đối với việc ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm phát sinh từ các hoạt động, vận hành và được xác định theo các tiêu chí như: Sử dụng công nghệ phát sinh ít chất thải; Sử dụng ít hợp chất nguy hại hơn; Tái sinh, quay vòng hơn nữa các hợp chất phát sinh và sử dụng cho chính quy trình hay cho chính chất thải ở bất cứ nơi nào phù hợp; Nhu cầu cần ngăn ngừa hay giảm thiểu tác động toàn diện của các phát thải ra môi trường và những rủi ro của chúng; Nhu cầu ngăn ngừa tai nạn và hậu quả cho môi trường…

     Theo định nghĩa, BEP là các ứng dụng của việc kết hợp biện pháp và chiến lược kiểm soát môi trường phù hợp nhất, BEP lại áp dụng tích hợp các biện pháp, chiến lược kiểm soát tốt nhất, phù hợp nhất, nhằm ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các biện pháp quản lý môi trường. BEP được xác định theo các tiêu chí: Cung cấp thông tin, giáo dục công chúng, người dùng về hậu quả môi trường của việc lựa chọn các hoạt động cụ thể và lựa chọn sản phẩm, việc sử dụng, xử lý cuối cùng; Phát triển và áp dụng các quy tắc thực hành môi trường tốt bao gồm tất cả các khía cạnh hoạt động trong vòng đời sản phẩm; Ứng dụng bắt buộc dán nhãn thông báo cho người dùng về các rủi ro môi trường liên quan đến sản phẩm, việc sử dụng và xử lý cuối cùng; Tiết kiệm tài nguyên, bao gồm cả năng lượng…

     Như vậy, BAT và BEP là hai công cụ ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm theo nguyên tắc kiểm soát ô nhiễm trên toàn bộ quá trình của hoạt động sản xuất và các hoạt động phát sinh nguồn gây ô nhiễm.

     Trên thế giới, các quy định pháp luật về BAT và BEP đã có ở một số quốc gia, điển hình như tại EU, Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Hiện nay, BAT được quy định trong các văn bản pháp luật về môi trường của những quốc gia nêu trên ở các cấp độ ràng buộc pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, BEP thường được đề cập trong một số chương trình tự nguyện như EMAS và các Công ước quốc tế.

     Tại Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, kéo theo đó là sự gia tăng của các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách quản lý môi trường của Việt Nam cần có những thay đổi nhằm theo kịp sự phát triển của nền công nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần áp dụng kinh nghiệm của các nước trên thế giới để phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, trong đó, xem xét áp dụng BEP như là một công cụ hiệu quả trong quản lý môi trường.

 

Lê Mạnh Tuyến

UBND thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thị Hồng Lam

Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

Ý kiến của bạn