14/10/2019
Trong những năm gần đây, nhiều vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã xảy ra gây ra thiệt hại đến đời sống và sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, gần đây, sự cố môi trường tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã gây ô nhiễm môi trường không khí (ONMTKK). Để BVMT, kiểm soát ONMTKK Đảng ta đã ban hành nhiều văn kiện, Nghị quyết chuyên đề về BVMT, đồng thời, Việt Nam cũng tham gia nhiều Điều ước quốc tế và khu vực liên quan đến BVMT và cụ thể trong các quy định pháp luật về kiểm soátONMTKK, như: Hiến pháp năm 2013, Luật BVMT năm 2014, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP... Mặc dù vậy, nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy các quy định pháp luật về vấn đề này chưa đồng bộvà chưa mang tính hệ thống như: Chưa có khái niệm rõ ràng về kiểm soát ONMTKK, về sức chịu tải của môi trường không khí(MTKK);Quy định về đánh giá tác động môi trường(ĐTM) với MTKK còn thiếu và mang tính hình thức…
Những thiếu sót, hạn chế, bất cập này không chỉ giải quyết bằng cách sửa đổi, bổ sung một vài quy định trong Luật BVMT và các văn bản pháp lý liên quan một cách thuần túy mà cần phải nghiên cứu hoàn thiện pháp luật toàn diện hơn theo hướng xây dựng một đạo luật về kiểm soát ONMTKK ở Việt Nam. Quyền được sống trong môi trường trong lành được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 đến nay đã 8 năm, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện vấn đề này tại Việt Nam. Do đó, việc xây dựng Luật Không khí sạch cần quy định cụ thể những nội dung sau:
Một là, về tên của Luật. Hiện nay trên thế giới để để kiểm soát ONMTKK các nước đã ban hành nhiều đạo luật với những tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, có hai loại tên gọi phổ biến là Luật Kiểm soát ô nhiễm (KSON) không khí và Luật Không khí sạch. Về vấn đề này, tác giả cho rằng ở Việt Nam khi ban hành Luật này nên đặt tên là Luật Không khí sạch. Bởi, với tên gọi này không chỉ thể hiện được nội hàm của hoạt động kiểm soát ONMTKK tầm thấp mà còn kiểm soát cả ONMTKK tầm xa; không chỉ KSON môi trường một cách bị động mà còn kiểm soát ONMTKK theo hướng chủ động. Mặt khác, Luật còn phản ánh được mục tiêu của quá trình này đó là giữ cho MTKK được trong lành. Nhiều nước trên thế giới cũng đặt tên là Luật Không khí sạch, như: Hoa Kỳ, Philipin...Do vậy, đặt tên này cũng thể hiện sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới trong kiểm soát ONMTKK.
Hai là, Luật Không khí sạch quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật là hoạt động kiểm soát ONMTKK; chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện của Nhà nước trong kiểm soát ONMTKK; biện pháp và nguồn lực để BVMT không khí; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân trong BVMT không khí ở Việt Nam. Còn về đối tượng điều chỉnh của Luật áp dụng đối với cơ quan nhà nước, chủ thể có trách nhiệm, tổ chức và cá nhân chủ nguồn thải và cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng thềm lục địa, vùng biển và vùng trời.
Ba là, Luật Không khí sạch cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong kiểm soát ONMTKK. Cụ thể: Quy định về trách nhiệm của nhà nước trong ban hành quy chuẩn kỹ thuật MTKK xung quanh, như quy chuẩn MTKK trong nhà, quy chuẩn MTKK ngoài trời và ban hành quy chuẩn MTKK với khí thải, âm thanh, độ rung, quy định sức chịu tải của MTKK; quy định về trách nhiệm điều tra, đánh giá hiện trạng MTKK; đưa đánh giá MTKK trở thành nội dung bắt buộc trong đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), ĐTMvà kế hoạch BVMT (KBM) với các dự án đầu tư, hoạt động phát triển kinh tế có nguy cơ gây ONMTKK. Tuy nhiên, trước đó cần ban hành quy định về Danh mục các ngành nghề có nguy cơ cao gây ÔNMT nói chung, MTKKnói riêng bị cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện…; quy định về quan trắc,thông tin tình hình MTKK, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện ONMTKK…; quy định cụ thể về quản lý khí thải độ, rung, tiếng ồn, bụi;trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chủ thể có trách nhiệm khi vi phạm các quy định về kiểm soát ONMTKK.
Bốn là, quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải trong kiểm soát ONMTKK. Cụ thể là quy định về các hành vi bị cấm liên quan đến MTKK; chủ động thực hiện các hoạt động thân thiện với MTKK được nhà nước khuyến khích; lập báo cáo ĐTM hoặc KBM trong đó MTKK, quản lý nguồn thải khí, chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn ONMTKK, trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật về vấn đề này, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại MTKK và bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản, các lợi ích hợp pháp khác do hành vi làm ONMTKK gây ra.
Ô nhiễm không khí là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe
Việc quy định trách nhiệm pháp lý này xuất phát từ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Thực tế cũng cho thấy nhiều nước trên thế giới đã quy định và thực hiện khá hiệu quả trách nhiệm bồi thường thiệt hại về MTKK nhưHoa Kỳ. Tuy nhiên, ở Việt Nam để thực hiện hiệu quả các quy định về vấn đề này, điều chỉnh pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường cần dựa trênnguyên tắc mức xử phạt, xử lý trách nhiệm hình sự phải luôn phải cao hơn chi phí tuân thủ thực hiện pháp luật về kiểm soát ONMTKK. Nếu hành vi làm ONMTKK có mức nguy hiểm cao cho xã hội thì cần phải xử lý trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại với MTKK, Luật Không khí sạch cần quy định rõ các yếu tố cấu thành trách nhiệm thiệt hại MTKK theo hướng khi có thiệt hại xảy ra với MTKK và về sức khỏe, tài sản, tính mạng thì phải quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, nếu xác định được chủ thể có hành vi lưu giữ hoặc xả thải chất thải, khí thải có nguy cơ làm ONMTKK là chủ thể đó có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại mà không cần chứng minh mối quan hệ nhân quả. Nếu không xác định được chủ thể có hành vi gây ô nhiễm thì nhà nước phải bồi thường thiệt hại môi trường theo quy định của Luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Để làm được điều này cần phải sửa quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về các yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường. Bên cạnh đó, do MTKK mang tính khuếch tán, lan truyền nên việc xác định thiệt hại với MTKK không đơn giản và khó chính xác. Do vậy, cách tính toán thiệt hại MTKK khả thi nhất là dựa trên công suất hoạt động của nhà máy để tính lượng khí thải thải ra và chi phí bồi thường thiệt hại sẽ chính là chi phí bỏ ra để xử lý lượng khí thải đó đạt quy chuẩn kỹ thuật MTKK. Đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp khác do ONMTKK sẽ được tính theo quy định của pháp luật dân sự.
Bên cạnh đó, quy định về mặt tố tụng khi tổ chức, cá nhân, cộng đồng khi khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ cần trưng ra các chứng cứ ban đầu về thiệt hại của họ cũng như chứng cứ về chủ thể gây ô nhiễm. Còn chủ thể gây ô nhiễm phải có nghĩa vụ chứng minh là mình không gây ÔNMT. Có thể áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật trong quá trình quy định về vấn đề này.
Năm là, quy định cụ thể quyền của cộng đồng trong tham gia giám sát, phát hiện ONMTKK. Cộng đồng với tư cách là một trong ba trụ cột trong hoạt động BVMT có thể tham gia vào quá trình kiểm soát ONMTKK với tư cách cá nhân, tổ chức, đại đại diện cộng đồng hoặc cả cộng đồng. Cộng đồng có quyền được tham vấn về các hoạt động kinh tế có nguy cơ làm ONMTKK, quyền được khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là quyền được khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về ONMTKK và những thiệt hai về tài sản, sức khỏe, tính mạng và các lợi ích hợp pháp khác do ONMTKK gây ra, quyền được biểu tình, hội họp về môi trường… Quy định này xuất phát từ bản chất của vấn đề ONMTKK mang tính khuếch tán, lan truyền rất nhanh, thiệt hại thường rất lớn và mang tính lâu dài, ảnh hưởng không chỉ đến một người mà thường ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Do vậy,việc quy định cho cả cộng đồng được tham gia vào quá trình này sẽ thúc đẩy việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ONMTKK nhanh chóng, kịp thời hơn. Khi ONMTKKlàm thiệt hại cho tài sản, sức khỏe, tính mạng và các lợi ích hợp pháp khác của cộng đồng thì cộng đồng có thể thông qua người đại diện của họ hoặc đại diện tổ chức của họ để yêu cầu bồi thường thiệt hại về MTKK (quyền khởi kiện tập thể về môi trường). Để thực hiện được điều này cộng đồng cần phải được bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin. Đồng thời, cần thúc đẩy vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, truyền thông, báo chí trong tham gia giám sát, phát hiện các hành vi làm ONMTKK.
Sáu là, tăng cường các quy định về sử dụng các công cụ kinh tế trong kiểm soát ONMTKK, như: Công cụ thuế, phí môi BVMT, công cụ nhãn sinh thái, ký quỹ, tiêu chuẩn ISO 14000,... đặc biệt là quy định về hạn ngạch khí thải và xây dựng cơ chế phát triển sạch tiến tới phát triển thị trường mua bán quyền phát thải nhằm kiểm soát ONMTKK. Bởi những công cụ này bản chất của nó là dùng lợi ích để tác động đến các chủ thể để họ thực hiện các hành vi thân thiện môi trường nhằm phòng ngừa, hạn chế ONMTKK.Nghiên cứu xây dựng các quy định pháp luật nhằm phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong BVMT cũng như trong kiểm soát ONMTKK, cùng với đó là tuyên truyền cho các doanh nghiệp hiểu rõ tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội trong kiểm soát ONMTKK.
Ngoài ra, xây dựng Luật Không khí sạch cần đánh giá sự tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư 4.0 đến hoạt động BVMT, trong đó có kiểm soát ONMTKK. Ứng dụng các mô hình khoa học công nghệ tiên tiến trong phòng ngừa ONMTKK như: Mô hình sản xuất sạch thông minh, trang trại thông minh, sử dụng công nghệ nano trong nghiên cứu phát triển giống cây trồng mới, phân bón sạch, sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại có sự kiểm soát, điều khiển của IoT; sử dụng các thiết bị bay không người lái, công nghệ vệ tinh quang ảnh,... có tích hợp các cảm biến trong phân tích phát hiện ONMTKK; sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích phát hiện và đưa ra những phương án tối ưu nhất trong ngăn chặn, hạn, chế, xử lý ONMTKK. Từ đó điều chỉnh pháp luật về kiểm soát ONMTKK theo hướng như: Ban hành các quy định khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ4.0 trong phát triển kinh tế bền vững, trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn xử lý ONMTKK…
TS. Bùi Đức Hiển
Viện Nhà nước và Pháp luật
ThS. Nguyễn Thị Trà
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)