01/07/2014
Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đó đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng bị ô nhiễm và không kiểm soát được. Nguồn nước bị ô nhiễm hiện đã, đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư trong cộng đồng, tăng tỷ lệ sẩy thai ở phụ nữ mang thai và làm tăng tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh và trẻ đẻ non…
Thực trạng ô nhiễm nước mặt ở Việt Nam
Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước. Môi trường nước mặt ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải và chất thải rắn. Ở các thành phố lớn, hàng trăm thậm chí hàng ngàn cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước mặt do không có hệ thống xử lý chất thải.
Hoạt động sản xuất xoong, chậu nhôm của làng nghề Vân Chàng, tỉnh Nam Định
gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân
Trong đó, ô nhiễm nước do sản xuất công nghiệp là rất nghiêm trọng. Tại các ngành công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp giấy và bột giấy, công nghiệp mía đường và công nghiệp chế biến thực phẩm… nước thải thường có độ pH trung bình cao; chỉ số nhu cầu ô xy sinh hoá (BOD) ở mức 700mg/l, vượt qui chuẩn cho phép 14 lần, nhu cầu ô xy hoá học (COD) có thể lên đến 2.500mg/1, vượt quy chuẩn cho phép hơn 16 lần (theo QCVN 40:2011/BTNMT); Hàm lượng nước thải của một số doanh nghiệp có chứa Cyanua (CN-) vượt đến 80 lần tiêu chuẩn cho phép, hàm lượng chất rắn lơ lửng và nhiều chỉ số môi trường khác trong nước thải cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép nên đã gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước mặt trong khu vực. (Nguồn: Kết quả khảo sát môi trường một số ngành công nghiệp năm 2011 - 2013 của Trung tâm nghiên cứu môi trường và Điều kiện lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở các đô thị, thể hiện rõ nhất là 2 đô thị lớn nhất cả nước: TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang ở mức báo động. Ở các thành phố này, nước thải sinh hoạt không có hệ thống xử lý tập trung cho các cụm dân cư mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương). Mặt khác, còn rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải; một lượng lớn rác thải rắn trong thành phố không được thu gom triệt để… là những nguồn quan trọng gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Về tình trạng ô nhiễm nước ở nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp, hiện nay Việt Nam có khoảng 76% dân số đang sinh sống ở nông thôn là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao.
Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe nhân dân.
Ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt đến sức khỏe
Trong những năm gần đây, tại một số địa phương Việt Nam các dịch bệnh có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước mặt đang là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Tác hại của ô nhiễm nguồn nước mặt đối với sức khỏe con người chủ yếu do môi trường nước bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ, các hóa chất độc hại và ô nhiễm kim loại nặng. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt đối với sức khỏe cộng đồng có thể thông qua hai con đường: do ăn, uống phải nước bị ô nhiễm hay các loại rau quả, thủy hải sản được nuôi trồng trong nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm trong quá trình sinh hoạt và lao động.
Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy, gần một nửa trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm. Điển hình là bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả, thương hàn, đau mắt đỏ, các bệnh về đường tiêu hóa, viêm gan A, viêm não, ung thư…Tại một số địa phương Việt Nam, khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm phụ khoa cho thấy 40 - 50% là do từ sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Cũng theo đó, hàng năm có khoảng 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Cụ thể:
Ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong nước: Vi sinh vật có hại trong nước như vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng có nguồn gốc từ chất thải sinh hoạt của con người và động vật có thể gây ra nhiều bệnh như tả, lỵ, thương hàn, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt đỏ, rối loạn đường tiêu hóa hay ngộ độc thức ăn, nước uống…. Đây chính là nguyên nhân lây lan các bệnh nguy hiểm, làm cho bệnh dịch ngày càng lan rộng.
Ô nhiễm các kim loại nặng trong nước: Các kim loại nặng có trong nước là cần thiết cho sinh vật và con người vì chúng là những nguyên tố vi lượng mà sinh vật cần tuy nhiên với hàm lượng cao nó lại là nguyên nhân gây độc cho con người, gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, dị tật bẩm sinh, đẻ non… và nó có thể là nguyên nhân gây nên những làng ung thư. Các kim loại nặng trong nước ảnh hưởng đến sức khỏe con người có thể là Ag, Hg, Pb, Asen, Zn, Cr…
Nước sông Tô Lịch đoạn Hoàng Quốc Việt -Cầu Giấy, Hà Nội bị ô nhiễm do rác thải,
hóa chất độc hại và kim loại nặng
Ô nhiễm các hợp chất hữu cơ trong nước: Các hợp chất hữu cơ tổng hợp bao gồm các chất nhiên liệu, chất màu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các phụ gia trong dược phẩm, thực phẩm. Các chất này thường độc và có độ bền sinh học khá cao, đặc biệt là các hidrocacbon thơm gây ô nhiễm môi trường và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Đây chính là nguyên nhân gây nhiễm độc mãn tính và các bệnh hiểm nghèo như ung thư gan, ung thư bàng quang, ung thư phổi, ung thư tiêu hóa …
Giải pháp giảm thiểu tác động xấu của ô nhiễm nước mặt
Để giảm thiểu ô nhiễm nước mặt tới sức khỏe, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, các cơ quan quản lý từ Trung tương tới địa phương cần kiểm soát chất lượng nguồn nước mặt; Áp dụng các biện pháp hạn chế xả chất thải ra nguồn nước mặt; Sử dụng tổng hợp và hợp lý nguồn nước; Tiến hành xử lý nước thải sinh hoạt ngay tại đầu nguồn bằng công nghệ sinh học hoặc đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho các cụm dân cư; Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng.
Hai là, tăng cường các hoạt động nghiên cứu nhằm xác định rõ mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trong môi trường nước mặt có nguy cơ cao đối với sức khỏe cộng đồng; Xây dựng và công bố Báo cáo Sức khỏe Môi trường quốc gia, trong đó nêu chi tiết các nội dung liên quan đến ô nhiễm nước mặt và sức khỏe cộng đồng; Tiến hành các hoạt động cảnh báo tới cộng đồng về những ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt tới sức khỏe người dân;
Ba là, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở có phát sinh nước thải cần tăng cường tái sử dụng nước trong sản xuất (quay vòng nước trong sản xuất); Lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra nguồn tiếp nhận; Thay đổi công nghệ sản xuất, tăng cường hiệu suất sử dụng nước trong dây truyền công nghệ nhằm tiết kiệm nước.
Bốn là, các cá nhân, hộ gia đình cần tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày; Có ý thức trách nhiệm trong hoạt động BVMT nói chung và bảo vệ nguồn nước mặt ngay tại khu dân cư mình sinh sống; Không xử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm cho ăn uống, sinh hoạt và hạn chế xử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm cho các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt.
ThS.BS. Dương Danh Mạnh
Tổng cục Môi trường
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước
tại Việt Nam - cơ hội và thách thức