Banner trang chủ

Luật Nước Sạch của Mỹ: Nghiêm minh và hiệu quả

20/06/2014

     Luật Nước sạch (LNS) năm 1972 là một trong những Luật môi trường có hiệu quả của Mỹ, được ban hành nhằm phục hồi, duy trì và bảo vệ nguồn nước, đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân và đem đến môi trường sống an toàn cho nhiều loài thủy sinh. Trong 32 năm qua, LNS vẫn phát huy được sức mạnh, tính bền vững, hiệu quả và chặt chẽ. Ông Randolph L.Hill, Hội đồng phúc thẩm về môi trường, Cục BVMT Mỹ (EPA) đã chia sẻ với Tạp chí Môi trường về những thông tin liên quan đến LNS của Mỹ.

 

Ông Randolph L.Hill - Hội đồng phúc thẩm về môi trường, Cục BVMT Mỹ

 

     Ông có thể cho biết bối cảnh ra đời LNS (năm 1972) của Mỹ?

     Ông Randon L.Hill: Trong lịch sử nước Mỹ, LNS (1972) được xem là bộ luật thành công và ra đời nhanh nhất, bắt nguồn từ sự kiện dòng sông Cuyahoga (Tiểu bang Ôhio) bị bốc cháy vào tháng 6/1969. Với chiều dài 160km và có lưu vực khoảng 2.100 km2, dòng sông này chảy vào hồ Erie, đây là một trong những hồ lớn nhất của Mỹ. Hồ Erie nằm cạnh TP. Cleveland, một TP công nghiệp, với nhiều nhà máy, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng như sản xuất thép, giấy, hóa chất… đây là những ngành thải ra nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, trong đó có các chất độc, chất dễ cháy. Những chất gây ô nhiễm này được các nhà máy xả thẳng ra hệ thống cống thoát nước chung của TP và ra sông Cuyahoga. Bề mặt sông bị bao phủ bởi một lớp dầu nhờn màu nâu cũng như lớp dầu đen nặng nổi thành váng trên mặt nước dày khoảng 20 cm, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước bằng 0, hầu như không có loài sinh vật nào tồn tại, mức độ ô nhiễm nặng khiến dòng sông tự bốc cháy. Đây không phải là lần duy nhất dòng sông này bị cháy, năm 1936, nó đã bị cháy lần đầu tiên khi tia lửa của đèn hàn đốt cháy mảnh vụn và dầu mỡ nổi trên mặt sông. Trong những năm sau đó, dòng sông này bị cháy thêm một số lần, đến ngày 22/6/1969, mức độ ô nhiễm chất thải công nghiệp trong nhiều năm tại dòng sông đã lên đến đỉnh diểm, làm cho dòng sông bốc cháy. Tất cả người dân Mỹ đều chứng kiến cảnh này trên truyền hình và hầu hết các báo đã đưa tin về vụ việc. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Tạp chí Time, người dân khắp nước Mỹ và thế giới được nhìn thấy hiện tượng ô nhiễm rác thải ở trên đường phố cũng như sự ô nhiễm nghiêm trọng của dòng sông. Từ đó, Cuyahoga trở thành tâm điểm của vấn đề ô nhiễm trên khắp nước Mỹ, điều này được thể hiện trong một số bài hát.

     Sau sự kiện này, một loạt hoạt động giáo dục về BVMT trong các trường học của Mỹ, các hội nghị chuyên môn đã được tổ chức nhằm xác định cơ sở cho việc phân tích và giám sát chất lượng nước, đồng thời, tìm ra những giải pháp xử lý nước thải công nghiệp. Tiếp đó, phong trào viết thư gửi đến Quốc hội yêu cầu phải có hành động để khắc phục tình trạng ô nhiễm của dòng sông. Trước khi sự việc này xảy ra, ở Mỹ đã có một số đạo luật liên quan đến kiểm soát và BVMT nước như Luật về Sông và Cảng biển (1899); Luật KSONN (1948): Luật về KSONN Liên bang (1965). Ngoài ra, ở một số bang như California cũng ban hành LNS, tuy nhiên chỉ là trong phạm vi của một bang, không áp dụng cho toàn quốc. Việc dòng sông bốc cháy và nhiều hoạt động diễn ra sau đó đã làm cho Quốc hội Mỹ phải nhanh chóng ban hành LNS vào năm 1972. Đạo luật là văn bản pháp lý được Chính phủ Mỹ ban hành tiếp sau Đạo Luật không khí sạch và Đạo Luật về chính sách môi trường quốc gia. LNS đã được sửa đổi và bổ sung 3 lần sau đó (năm 1977, 1987 và 2002).

     Thưa ông, ông có thể giới thiệu sơ qua về cấu trúc và những nội dung chính của LNS?

     Ông Randon L.Hill: LNS được xây dựng với 2 cách tiếp cận chính là: Quy tắc bảo vệ chất lượng nước dựa trên việc thiết lập các tiêu chuẩn có thể thực thi áp dụng cho hóa chất, vật lý và sinh học trong nguồn nước; Tiến hành biện pháp BVMT nước dựa trên yêu cầu về công nghệ xử lý nước thải đối với các cơ sở sản xuất, nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

     Cấu trúc chính của Luật gồm 3 phần: Thứ nhất, quy định nguồn ngân sách quốc gia dành cho chính quyền địa phương để xây dựng các công trình, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt cho các địa phương. Lúc đầu, chính quyền các địa phương được nhận một khoản trợ cấp của Chính phủ và được bao cấp hoàn toàn, nhưng sau một thời gian chính quyền Liên bang cung cấp nguồn ngân sách này cho các địa phương dưới dạng cho vay để xây dựng các công trình và hệ thống xử lý nước thải, sau đó, các địa phương sẽ phải trả lại số tiền đó. Ở Mỹ, khi Quốc hội thông qua một luật phải có quyết định kèm theo về duyệt chi ngân sách cho luật đó.

     Thứ hai, các bang phải áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nước cụ thể, những tiêu chuẩn này rất nghiêm ngặt đối với chất lượng nước của các ao, hồ, sông, suối trong bang.

     Cuối cùng, tất cả các nguồn nước thải công nghiệp cũng như sinh hoạt thải ra môi trường đều bắt buộc phải có giấy phép xả thải.

     Trong đó, điểm quan trọng trong LNS là quy định về giấy phép xử lý nguồn ô nhiễm điểm. Nguồn ô nhiễm điểm được định nghĩa trong Đạo luật là mọi nguồn nước xác định phải có nguồn gốc rõ ràng, có giới hạn xả thải; mọi sự xả thải là bất hợp pháp nếu không có giấy phép, tất cả các nhà máy công nghiệp đều phải sử dụng “công nghệ hiện đại và tốt nhất”, các hệ thống xử lý nước thải đều phải sử dụng phương pháp xử lý thứ cấp. Đồng thời, cần phải tăng cường kiểm soát, nhằm đảm bảo chất lượng nước an toàn cho con người và động vật thủy sinh. Giấy phép xả thải được EPA hoặc chính quyền các bang ban hành 5 năm một lần. Giấy phép bao gồm các nội dung chính: các hạn mức thải, các quy định giám sát, lưu giữ và báo cáo.

     Các chế tài xử phạt có được quy định cụ thể trong LNS không thưa ông?

     Ông Randon L.Hill: Nếu một đối tượng xả nước thải từ đường ống (tức là từ một nguồn điểm) ra môi trường mà không có giấy phép theo luật định, hoặc có giấy phép nhưng xả thải vượt quá giới hạn trong giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính nghiêm trọng, thậm chí bị truy tố hình sự. Mức phạt dân sự cao nhất lên đến 37, 500 USD/ngày, mức phạt đối với cơ quan hành chính tối đa là 177, 500 USD. Tuy nhiên, những hình thức này không phải áp dụng tự động, mà là EPA sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để áp dụng hình thức chế tài cho phù hợp. EPA có thể ban hành các quy định cưỡng chế hành chính buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và chính quyền các bang cũng có thể ban hành các quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm. Hiện nay, ở Mỹ chỉ còn 4 Bang mà EPA trực tiếp quy định chế tài xử phạt còn 46 Bang còn lại, chính quyền các bang trực tiếp quy định các hình thức, chế tài xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù vậy, ở 46 Bang, EPA vẫn có quyền can thiệp vào việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế và xử phạt cần thiết nếu như chính quyền các bang không thực hiện trách nhiệm một cách nghiêm minh. Những thông tin về việc vi phạm trong xả thải của doanh nghiệp sẽ được công khai minh bạch cho người dân. Các cơ quan có thể kiện các doanh nghiệp nếu không tuân thủ các yêu cầu về môi trường đã đưa ra. EPA có thể kiện doanh nghiệp, người dân nếu vi phạm và người dân cũng có thể kiện EPA.

     Hiện nay, chất lượng môi trường nước ở các dòng sông của Mỹ như thế nào? Chính phủ Mỹ có quyết sách gì để đảm bảo chất lượng nguồn nước được an toàn như LNS năm 1972 đã đề ra?

     Ông Randon L.Hill: Nhìn chung, nguồn nước ở Mỹ hiện nay đã sạch hơn so với 40 năm trước. Theo khảo sát của EPA vào tháng 1/2014, khoảng 40 - 66% môi trường nước ở các sông, hồ, ao suối đạt chất lượng nước an toàn đủ để các loài cá, động vật thủy sinh sinh sống, cũng như an toàn cho các hoạt động giải trí của con người. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về ô nhiễm các chất hữu cơ, dinh dưỡng như nitơ, phốt - pho và một số chất độc hại, gây nguy hiểm cho con người và động vật thủy sinh.

 

Dòng sông Cuyahoga bị bốc cháy vào tháng 6/1969

 

     Hiện nay, Chính phủ Mỹ đang nỗ lực tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Nhưng đây là một vấn đề không đơn giản vì luật pháp của Mỹ cho phép các bang được quyền ban hành các tiêu chuẩn về môi trường nước, các cơ sở, doanh nghiệp trong các bang đó phải đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Đồng thời, các bang cũng có toàn quyền điều chỉnh các mục tiêu về chất lượng nước trong bang cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Những vấn đề ô nhiễm liên quan nhiều đến nguồn ô nhiễm diện. Nguồn ô nhiễm diện không chịu sự điều chỉnh về giấy phép xả thải của LNS mà thuộc thẩm quyền quy định trong các bang. Hiện nay, EPA đang làm việc với các bang, địa phương và các ngành, cũng như các bên liên quan để tìm ra các giải pháp để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi sẽ xây dựng các biện pháp không những tuân thủ các quy định pháp luật mà còn dựa vào các hình thức như khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi để giải quyết các vấn đề ô nhiễm.

     Với kinh nghiệm của một luật gia đã tham gia xây dựng LNS, ông có thể đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý về KSONN?

     Ông Randon L.Hill: Tôi mới bắt đầu tìm hiểu về hệ thống luật pháp của Việt Nam nên tôi chưa hiểu được hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi có một số khuyến nghị cơ bản. Thứ nhất, Việt Nam cần phải có tiêu chuẩn môi trường rõ ràng, đồng bộ và thống nhất để yêu cầu tất cả các đối tượng phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định. Thứ hai, sự thực thi pháp luật phải thực sự hiệu quả và huy động được sự tham gia của người dân, cộng đồng cũng như tạo ra cơ hội thuận lợi để người dân tuân thủ và chấp hành pháp luật nghiêm minh. Không nhất thiết Việt Nam phải xây dựng hệ thống giấy phép môi trường mà có thể xây dựng một hệ thống để những đối tượng gây ô nhiễm biết phải làm gì để đáp ứng yêu cầu của luật và có cơ chế giám sát, theo dõi chặt chẽ, thường xuyên.

     Xin cảm ơn ông!

 

            Giáng Hương (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức

 

Ý kiến của bạn