03/01/2019
Những năm gần đây, việc thành lập các câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện hoạt động BVMT đã dần dần hình thành làn sóng "sống xanh" trong giới trẻ. Với những hoạt động thiết thực như tuyên truyền BVMT, tham gia nhặt rác, trồng cây xanh, giới trẻ đã chuyển tải được những thông điệp BVMT đến với cộng đồng. Đặc biệt, mới đây, Dự án Nhà chống lũ phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã khởi động Chương trình “Hạnh phúc xanh” với mục tiêu, mỗi năm trồng ít nhất 10.000 cây xanh cho cộng đồng tại Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn về Chương trình này, Phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Lành - Quản lý Dự án Nhà chống lũ.
Bà Nguyễn Thu Lành - Quản lý Dự án Nhà chống lũ
PV: Bà đánh giá như thế nào về ý thức của trẻ em cũng như đoàn viên, thanh niên và toàn xã hội trong việc trồng, chăm sóc cây xanh, BVMT?
Bà Nguyễn Thu Lành: Hiện nay, tình trạng chặt phá rừng, đất trống đồi trọc cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, khiến con người phải thường xuyên đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.
Để hít thở bầu không khí trong lành, sống trong môi trường sạch sẽ, không ô nhiễm, một bộ phận người dân đã chuyển hóa từ “yêu thích” thành “hành động” như trồng cây, giữ gìn hệ sinh thái, điều chỉnh lối sống giảm thiểu rác thải, sử dụng năng lượng tiết kiệm hay tham gia các hoạt động, phong trào giữ gìn môi trường. Tuy nhiên, còn một số người dân nói chung và các em học sinh, sinh viên nói riêng còn chưa có ý thức trong công tác BVMT. Điều đáng nhấn mạnh trước hết là việc giáo dục ý thức BVMT trong các nhà trường chưa được chú trọng đúng mức. Ý thức BVMT vì thế chưa hình thành rõ nét trong tầng lớp học sinh, sinh viên. Có thể nhận thấy điều này khi trực tiếp chứng kiến cảnh quan môi trường ở các trường học. Tình trạng trường học ít cây xanh hoặc không có cây xanh vẫn còn phổ biến. Ngay bên trong một số trường học, dù đã có những thùng đựng rác lớn nhưng rác vẫn được vứt bừa bãi ra môi trường. Những điểm công cộng ở gần các trường học: Nhà ga, bến xe, chợ… hiện tượng xả rác bừa bãi là khá phổ biến. Tình trạng sử dụng điện, nước lãng phí cũng đã trở nên “quen thuộc” trong các nhà trường.
Điều tôi thấy đáng mừng là nhóm cộng đồng “yêu thích” đã chuyển hóa sang “hành động” ngày càng nhiều hơn, có nhiều cách làm sáng tạo hơn. Nhưng tình trạng phá rừng, ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Do vậy, tôi nghĩ, con người cần nỗ lực nhiều hơn trong việc tự thay đổi lối sống của mình để giảm thiểu tác hại đến môi trường và truyền động lực cho những người khác cùng thay đổi theo.
PV: Xin bà cho biết cụ thể hơn về sứ mệnh và các hoạt động của Chương trình “Hạnh phúc xanh”?
Bà Nguyễn Thu Lành: Mỗi đứa trẻ khi sinh ra và lớn lên cùng cây xanh, sẽ hình thành tình yêu và biết quý trọng thiên nhiên. Xây dựng lòng biết ơn, để sau này khi lớn lên chúng sẽ bảo vệ và không làm tổn hại đến cây xanh, giữ gìn một môi trường sống thân thiện và bền vững. Với ý nghĩa này, Chương trình “Hạnh phúc xanh” hướng đến việc tạo ra một cộng đồng sống xanh và có trách nhiệm, trong đó trẻ em chính là những nhân tố cốt lõi truyền tải và lan tỏa thông điệp của Chương trình.
Đông đảo người dân và các em học sinh, sinh viên tham gia trồng cây tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội
Với thông điệp “Ai trồng cây người đó có hạnh phúc”, Chương trình Hạnh phúc xanh được khởi xướng và thực hiện bởi Dự án Nhà chống lũ và Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh). Đây là Chương trình phát triển cộng đồng được triển khai từ tháng 5/2018 và chính thức ra mắt vào tháng 10/2018. Chương trình được chia làm 3 hợp phần tiến hành trong 3 giai đoạn bao gồm: Cây xanh đô thị (năm 2018); Cây chức năng (năm 2018); Cây rừng (năm 2020). Trong ngày Khởi động Chương trình tổ chức tại Hà Nội và Hội An, Quảng Nam đã diễn ra nhiều hoạt động và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, học sinh, sinh viên: Triển lãm tranh "Mầm xanh yêu thương"; Ra mắt khởi động Chương trình “Hạnh phúc xanh” và kết nạp các "chiến sĩ" Biệt đội xanh dành cho các bạn nhỏ; làm các sản phẩm thủ công từ tre và lá dừa… Đặc biệt, ngay sau Lễ khởi động, các nghệ sỹ, đoàn viên, thanh thiếu nhi và các gia đình đã tham gia trồng và tặng 1.240 cây “Hạnh phúc xanh” tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội và 5.000 cây dương liễu phòng hộ tại bờ biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam).
Hạnh phúc xanh không đơn thuần là chương trình về trồng cây, mà còn là sự kết nối với thiên nhiên. Mỗi một đứa trẻ sinh ra là một điều hạnh phúc, và cây xanh tương đương với một đơn vị hạnh phúc. Cây xanh không chỉ là một cái cây cơ học, giúp cho ta bóng mát hay nhiều ôxy hơn… nó còn là tình yêu thương. Cùng với đó, Hạnh phúc xanh giúp kết nối tình yêu thương giữa những người trong gia đình với nhau, là sự truyền yêu thương ấy từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ bố mẹ sang con cái và từ các con sang những thế hệ mai sau. Đồng thời là dấu nối giữa gia đình với cộng đồng, giữa con người và thiên nhiên, để con người biết sống hài hòa, nương tựa vào thiên nhiên và chúng ta biết trân trọng mẹ thiên nhiên như ý nghĩa của từ mẹ thiên nhiên vốn có ấy.
PV: Được biết, Chương trình “Hạnh phúc xanh” kỳ vọng phổ biến rộng rãi chỉ số đo lường Hạnh phúc xanh (G.H.I), vậy chỉ số này là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Lành: Hạnh phúc xanh - Green Happiness Index (G.H.I) là chỉ số đo lường hạnh phúc tượng trưng, được tích luỹ khi trồng cây cho cộng đồng do Chương trình “Hạnh phúc xanh” khởi xướng. Khi bạn trồng được một cây bạn sẽ tích lũy được 1 điểm G.H.I, trồng 1.000 cây sẽ tích lũy được 1.000 G.H.I. Chúng ta đang ở thời đại mà nhiều nhóm người phải đấu tranh để giữ từng hàng cây, cánh rừng khỏi sự chặt phá, con sông, bãi biển khỏi sự ô nhiễm, xâm lấn. Tôi nghĩ, khi từng người nhận ra những sự mất mát không đong đếm được từ việc khai thác cạn kiệt tự nhiên, họ sẽ nghĩ khác về thành công hay phát triển, tiền và vật chất sẽ không còn là thước đo nữa. Khi ấy "độc lập - tự do - ấm no - hạnh phúc" chính là biển vẫn sạch, cá vẫn sống , bầu trời vẫn còn không khí sạch để thở, rừng vẫn còn cây, động vật, đất đai đồng ruộng vẫn còn cho lúa, con người vẫn còn kết nối với nhau và với tự nhiên. Đó là những ý niệm mà chúng tôi muốn gửi gắm qua chỉ số G.H.I, mà khởi đầu là bằng việc trồng một cây.
Thông qua Chương trình, trong ngắn hạn, Dự án mong muốn đưa G.H.I trở thành một chỉ số quan trọng trong việc đánh giá một cá nhân hay tập thể văn minh, sống bền vững. Trong dài hạn, Dự án mong muốn triển khai ở tất cả các vùng có nguy cơ sạt lở, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để phát triển và phục hồi hệ thống rừng đầu nguồn có khả năng che chở, bảo vệ con người, giảm thiểu các vấn đề lũ lụt, hạn hán.
PV: Bà có đề xuất gì để công tác giáo dục ý thức BVMT cũng như trồng, chăm sóc cây xanh của các em học sinh đạt hiệu quả?
Bà Nguyễn Thu Lành: Để công tác giáo dục ý thức BVMT trong nhà trường mang lại hiệu quả, cần bắt đầu từ những việc làm, hành động nhỏ nhất. Chẳng hạn như làm tốt công việc trồng và chăm sóc cây xanh; vệ sinh trong và ngoài lớp sạch sẽ trước và sau mỗi buổi học; thường xuyên tổ chức những “ngày chủ nhật xanh”… Trong các bài giảng, căn cứ vào điều kiện từng môn học cụ thể, có thể lồng ghép những kiến thức về BVMT. Việc cho học sinh, sinh viên thường xuyên tiếp xúc với những kiến thức về môi trường qua các lời giảng của giáo viên có thể tác động trực tiếp và có tác dụng hơn so với những chương trình truyền thông khô cứng.
Đồng thời, khuyến khích học sinh tự giám sát việc BVMT và đưa ra những lời nhắc nhở, tuyên dương kịp thời. Nhà trường cũng cần dành một khoản kinh phí nhất định để đầu tư các thiết bị tiết kiệm điện, khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng năng lượng tiết kiệm, cùng với việc ban hành những quy định cụ thể về việc BVMT, giữ gìn cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp. Cần đưa ý thức BVMT thành một tiêu chí để đánh giá, xếp loại giáo viên, học sinh, sinh viên. Nâng cao ý thức BVMT trong nhà trường là một trong những biện pháp quan trọng góp phần xây dựng môi trường học đường thân thiện cũng như mang lại những lợi ích trước mắt và lâu dài.
Vũ Nhung (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)