Banner trang chủ

Lồng ghép thông tin khí hậu trong thiết kế, dự toán các công trình cơ sở hạ tầng và lập kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu

02/11/2018

     Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Việt Nam đã triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) và hoạch định các kế hoạch thích ứng với BĐKH. Với tình trạng BĐKH ở Việt Nam, chỉ cần sự thay đổi dù là nhỏ của khí hậu cũng gây ra những tác động tới việc lập kế hoạch và đầu tư CSHT. Thông thường công tác quy hoạch không đòi hỏi phải sử dụng dịch vụ khí hậu (DVKH), trong khi những nhà hoạch định chính sách chưa nhận thức đầy đủ việc sử dụng DVKH.

     Dịch vụ khí hậu

     Theo Khuôn khổ toàn cầu dành cho các DVKH (GFCS), các DVKH cung cấp thông tin khí hậu (TTKH) nhằm hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định của các cá nhân và tổ chức. Các DVKH đòi hỏi sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa bên cung cấp thông tin (cung cấp dịch vụ) và bên sử dụng thông tin. Những dịch vụ này sử dụng thông tin có chất lượng cao từ cơ sở dữ liệu của các quốc gia và quốc tế về nhiệt đồ, lượng mưa, gió, độ ẩm của đất, điều kiện biển và các hình thái thời tiết khác. Do phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà những thông tin dữ liệu này được tổng hợp cùng với các thông tin phi khí tượng như sản lượng nông nghiệp, xu hướng sức khỏe, phân bổ dân số tại các khu vực nguy cơ nhiễm bệnh cao, các bản đồ cơ sở hạ tầng và đường sá để vận chuyển hàng hóa và những số liệu kinh tế - xã hội (KT-XH) khác.

     Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), DVKH là sự phổ biến các TTKH tới cộng đồng, hoặc những người dùng cụ thể. Những nhà cung cấp DVKH cần có những mối quan hệ chặt chẽ với nhau để đưa ra những phân tích, diễn giải đầy đủ và chính xác, áp dụng các TTKH vào quá trình ra quyết định, phát triển bền vững, thúc đẩy các sản phẩm TTKH và dự đoán.

     Hiện nay, Việt Nam đang triển khai nhiều dự án đầu tư vào CSHT và hoạch định kế hoạch thích ứng với BĐKH. Với tình trạng BĐKH ở Việt Nam, chỉ cần những sự thay đổi dù là nhỏ nhất của khí hậu cũng sẽ gây ra những tác động không nhỏ tới việc lập kế hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, việc đánh giá và sử dụng TTKH một cách hợp lý là một điều cực kỳ quan trọng trong việc lập kế hoạch ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

     Các kinh nghiệm sử dụng DVKH trên thế giới

     Tại Canađa, các hiện tượng BĐKH gây ra nhiều thiệt hại đến hệ thống đường giao thông, hiện tượng tan băng vĩnh cửu đe dọa hệ thống cơ sở hạ tầng, thời tiết cực đoan gây ngập lụt khắp các thành phố dọc đường bờ biển và làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu. Điển hình là trận lốc xoáy quét qua Tôrôntô đã phá hủy nghiêm trọng đến hệ thống CSHT của TP, thiệt hại lên tới 500 triệu USD. Vì vậy, Chính phủ Canađa đã quyết định phải có các hành động cụ thể để giảm bớt sự gia tăng của khí nhà kính gây ra và có các hành động thích ứng cụ thể. Một trong các hoạt động đầu tiên được Chính phủ Canađa nhanh chóng thực hiện đó là chỉ ra mối quan hệ giữa khí hậu và cơ sở hạ tầng, những tác động của khí hậu lên các công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu tại tất cả các vùng và các loại hình, và tính chống chịu của các hạ tầng này đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Dựa trên các nghiên cứu này, Chính phủ đã đưa ra những kết luận cụ thể, sử dụng các phân tích, đánh giá TTKH để thiết kế, thay đổi các cơ sở hạ tầng dựa trên đặc điểm, tính chất và khả năng chống chịu của hạ tầng, kết hợp với các TTKH nhằm đầu tư, xây dựng và bảo trì hạ tầng (nhà ở, đường sá, hệ thống đê điều) với chi phí thấp nhất nhưng có sức chống chịu cao hơn, thích ứng với BĐKH.

     Tháng 9/2017, Diễn đàn toàn cầu CSI đã được tổ chức lần đầu tiên tại Hamburg (Đức). Tại đây, các quốc gia đã chia sẻ những thách thức và cơ hội trong việc quy hoạch cơ sở hạ tầng liên quan đến khí hậu. Tại khu vực Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á, những thiệt hại do BĐKH đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải những áp dụng hệ thống TTKH vào quá trình thích ứng và đầu tư trong tương lai cho các dự án giảm nhẹ tác động của BĐKH. Việc sử dụng DVKH trong đầu tư CSHT đã được chứng minh tại Hamburg (Đức), cụ thể là sự kết hợp quản lý rủi ro do lụt bão vào các dự án xây dựng nhà dân chống lũ tại khác khu vực cảng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ. Nhờ việc kết hợp của khâu thiết kế có tính đến các chỉ sổ chống chịu có thể giảm thiểu các thiệt hại và mất mát do bão lũ gây ra.

     Việc sử dụng DVKH tại Việt Nam

     Dịch vụ khí tượng thủy văn quốc gia (NHMS) của Bộ TN&MT được thành lập với mục tiêu quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia và giám sát BĐKH phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước. Thời gian qua, đơn vị này đã đưa các giải pháp để xử lý các TTKH một cách hợp lý lồng ghép vào việc lập kế hoạch cho ứng phó với BĐKH.

     Tháng 12/2017, Vụ Khoa học Giáo dục TN&MT (Bộ KH&ĐT) đã phê duyệt Dự án Tăng cường sử dụng DVKH trong đầu tư CSHT (CSI). Dự án CSI sẽ phối hợp, hỗ trợ cơ quan cung cấp DVKH là NHMS phát triển các sản phẩm khí hậu thân thiện và có tính ứng dụng cao đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ngành Nông nghiệp, hỗ trợ cơ quan lập kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng lĩnh vực nông nghiệp triển khai mô hình trình diễn đánh giá rủi ro khí hậu trong hoạt động đầu tư, và hỗ trợ MPI trong việc lồng ghép các quy định về thích ứng với BĐKH trong quá trình xây dựng các chương trình, chính sách đầu tư hạ tầng. Mục tiêu của Dự án là xem xét các kịch bản khí hậu trong quá trình lập kế hoạch và phê duyệt các dự án CSHT để góp phần vào việc giảm độ nhạy cảm của CSHT trong tương lai. Từ đó, sẽ giảm được tổn thất của CSHT khi phải hứng chịu những sự kiện khí hậu cực đoan và giảm thiểu được chi phí nâng cấp, bảo trì. Đồng thời, khả năng chống chịu của cộng đồng dân cư và nền kinh tế trước những biến động về khí hậu sẽ được nâng cao.

 

Hình 1. Hệ thống thu thập TTKH

 

Hình 2. Mối quan hệ giữa DVKH đối với người sử dụng

 

     Những điểm mới trong các quy định về việc sử dụng DVKH tại Việt Nam

     Ngày 23/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII đã thông qua Luật Khí tượng thủy văn, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn (KTTV) trên lãnh thổ Việt Nam được điều chỉnh bằng Luật, cụ thể:

     Hoạt động tác động vào thời tiết, các tổ chức sự nghiệp công lập về KTTV, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức kinh tế của Việt Nam, hoặc các cơ quan, tổ chức nước ngoài liên doanh, liên kết với tổ chức trong nước nếu có đủ năng lực, khoa học, công nghệ, đội ngũ kỹ thuật viên phù hợp thì được tiến hành các hoạt động tác động vào thời tiết trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là quy định mới của Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH, thiên tai có xu hướng gia tăng.

     Vấn đề giám sát BĐKH cũng được quy định trong Luật KTTV nhằm đảm bảo vai trò và trách nhiệm của Ngành KTTV trong công tác ứng phó với BĐKH. 

     Các yêu cầu bắt buộc quan trắc KTTV đối với dự án thuộc một số lĩnh vực quan trọng có tác động lớn tới sự phát triển KT-XH: Luật KTTV, bên cạnh các quy định khuyến khích, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động KTTV, còn có quy định mang tính chất bắt buộc đối với các công trình khi xây dựng, khai thác chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện KTTV mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng thì chủ công trình phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV về hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia. Quy định tren giúp nâng cao trách nhiệm của các chủ công trình đối với cộng đồng, đồng thời khai thác, sử dụng tối đa các thông tin, dữ liệu KTTV chuyên dùng góp phần phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, phát triển KT-XH.

     Các quy định khẳng định rõ phục vụ, dịch vụ KTTV: Bên cạnh các hoạt động phục vụ KTTV cung cấp thông tin dữ liệu KTTV, thông tin cảnh báo, dự báo KTTV còn có các hoạt động dịch vụ thu phí, khai thác các giá trị thương mại, làm gia tăng giá trị thông tin, dữ liệu KTTV và trở thành xu thế phát triển mạnh trên thế giới. Dịch vụ KTTV đem lại nhiều kết quả tích cực, vừa có ý nghĩa nâng cao giá trị, vai trò của hoạt động KTTV, vừa có tác dụng tái đầu tư cho hoạt động KTTV phát triển.

     Luật KTTV ban hành góp phần hoàn chỉnh thêm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển Ngành KTTV mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân tham gia vào hoạt động KTTV, sử dụng các DVKH một cách hiệu quả và hợp lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững KT-XH, quốc phòng, an ninh quốc gia.

     Một số đề xuất, khuyến nghị

     Một là, cần đánh giá và xây dựng hệ thông trung tâm lưu trữ TTKH, DVKH, việc truy cập và sử dụng các thông tin, dịch vụ này cần được đơn giản hóa để doanh nghiệp có thể tiếp cận các thông tin dễ dàng, từ đó có thể xây dựng, lập ra kế hoạch ứng phó với các thiên tai do ảnh hưởng của BĐKH, bảo vệ CSHT một cách hợp lý và hiệu quả.

     Hai là, tích cực trao đổi, chia sẻ nhu cầu và kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế, dựa trên cơ sở kinh nghiệm của các nước khác trong việc sử dụng DVKH làm tiền đề xây dựng, phân tích giải pháp sử dụng DVKH phù hợp trong việc lập kế hoạch, cũng như thiết kế, dự toán xây dựng CSHT, tận dụng tốt những cơ hội trong chuyển giao, đồng hóa công nghệ nhờ hội nhập, giúp giảm thiểu tối đa các tác động xấu của BĐKH.

     Ba là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh Luật KTTV và hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy chế, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật trong công tác quản lý, hoạt động sử dụng các DVKH. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ, biến kiến thức về khí hậu, các DVKH và Luật KTTV để các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư thấy rõ được sự ảnh hưởng của tác động BĐKH với việc lập kế hoạch, thiết kế, dự toán xây dựng CSHT.

 

Nguyễn Diệu Trinh

Nguyễn Giang Quân

Vụ Khoa học giáo dục TN&MT, Bộ KH&ĐT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

Ý kiến của bạn