02/03/2016
Ngày 23/2/2016, Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) đã công bố Báo cáo 40 năm lâm nghiệp cộng đồng - Quy mô và hiệu quả, trong đó khẳng định các mô hình lâm nghiệp dựa vào cộng đồng là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển bền vững, đồng thời kêu gọi các Chính phủ có những hành động để khai thác hết tiềm năng của lâm nghiệp cộng đồng.
Lâm nghiệp dựa vào cộng đồng đã chứng minh đó là phương pháp hiệu quả giúp quản lý bền vững tài nguyên rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Mặc dù vậy, để khai thác hết tiềm năng của lâm nghiệp cộng đồng, cần sự hỗ trợ từ các Chính phủ thông qua cải cách chính sách và một số biện pháp khác. Với lâm nghiệp cộng đồng, sự phối hợp giữa cộng đồng địa phương và Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng đối với việc ban hành, thực thi các chính sách liên quan đến quyền sử dụng đất và quản lý tài nguyên rừng.
Một cộng đồng người dân ven rừng (Ảnh: FAO)
Theo Báo cáo của FAO, gần 1/3 diện tích rừng trên thế giới hiện đang được quản lý theo hình thức lâm nghiệp dựa vào cộng đồng và có rất nhiều mô hình thành công tiêu biểu như ở Nepal. Kết quả nghiên cứu thực hiện tại bốn huyện miền núi phía Đông Nepal cho thấy, diện tích đồi núi trọc ở khu vực này đã được tái sinh, chất lượng các khu rừng được cải thiện đáng kể khi có sự ra đời của mô hình lâm nghiệp cộng đồng. Tổng diện tích rừng khu vực đã tăng khoảng 30% trong thời gian 15 năm, mật độ cây cũng tăng hơn 50%/ha. Bên cạnh đó, lâm nghiệp cộng đồng ở Mexicô đã phát triển từ rất lâu với khoảng 80% diện tích rừng theo pháp lý là thuộc sở hữu cộng đồng. Nhiều mô hình lâm nghiệp cộng đồng hoạt động theo hình thức công ty lâm nghiệp để tự thương mại hóa gỗ mà họ sản xuất ra. Các cộng đồng sống dựa vào rừng ở Mexicô được hưởng lợi từ hệ thống quyền sở hữu liên quan đến tài nguyên rừng, trong đó có quyền liên quan đến khai thác, buôn bán thương mại gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tại Cameroon, Luật Lâm nghiệp sửa đổi năm 1994 cho phép các tổ chức cộng đồng và hợp tác xã có quyền quản lý, sử dụng diện tích rừng lên đến 5.000 ha theo hợp đồng 25 năm. Kết quả, hiện Cameroon có tới 147 khu vực rừng do cộng đồng quản lý với tổng diện tích lên tới 637.000 ha. Ở Gambia, 10% tương đương khoảng 45.000 ha rừng được quản lý theo hình thức lâm nghiệp dựa vào cộng đồng hoặc đồng quản lý rừng thuộc vườn quốc gia. Sau 25 năm áp dụng hình thức quản lý rừng dựa vào cộng đồng, diện tích rừng nước này đã tăng hơn 10%.
Hiện nay đã có những chính sách về phân cấp, trao quyền lợi, trách nhiệm cho cộng đồng địa phương khi tham gia thực hiện quản lý theo hình thức lâm nghiệp dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, các điều kiện về quyền lợi vẫn chưa đầy đủ và thực sự hấp dẫn để người dân có thể hưởng toàn bộ quyền lợi chính đáng của họ. Báo cáo của FAO cũng đề xuất một số hoạt động cần thiết để các mô hình lâm nghiệp dựa vào cộng đồng được hoạt động hiệu quả, bao gồm việc cấp quyền sử dụng đất rừng, cải thiện khung pháp lý, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ phù hợp, khả thi cho người dân. Phương pháp tiếp cận và các kiến thức về cơ chế thị trường cũng là điều kiện cần thiết để cộng đồng và các hộ sản xuất quy mô nhỏ thương mại hóa các sản phẩm từ rừng của họ. “Người dân bản địa và các cộng đồng, nông hộ địa phương luôn trong trạng thái sẵn sàng góp phần duy trì và phục hồi rừng, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học, tự đảm bảo sinh kế trên quy mô lớn. Điều còn thiếu hiện nay chính là ý chí chính trị, chính sách phù hợp để người dân thực hiện điều này. Các lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách nên có hành động để thức tỉnh tiềm năng của hàng trăm triệu người dân đang sống cạnh những khu rừng mà cả thế giới đang phải phụ thuộc để có một tương lai tươi đẹp và bền vững.” - Bà Eva Müller, Giám đốc Bộ phận Tài nguyên và Chính sách của FAO cho biết.
Bình Minh