09/10/2019
Trong suốt hơn 50 năm hoạt động, Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) luôn hướng tới phát triển nền công nghiệp bền vững và bao trùm. Với sứ mệnh này, UNIDO đã và đang đi theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH). Năm 2015, với việc ký cam kết Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu (BĐKH) và xây dựng 17 Mục tiêu phát triển bền vững, cộng đồng quốc tế nhận thức rõ rằng thay đổi cách thức sử dụng tài nguyên thiên nhiên là điều kiện kiên quyết để các quốc gia có thể xây dựng xã hội thịnh vượng, an ninh và có khả năng chống chịu với BĐKH.
Thời gian qua, việc phát triển công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã và đang làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Kéo theo đó, việc gia tăng chất thải công nghệ do hoạt động sản xuất đã tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, việc phát triển nền KTTH chính là chìa khóa giúp phát triển công nghiệp bền vững.
KTTH - phương thức mới để tăng giá trị của sản phẩm
Đến nay, có nhiều định nghĩa về KTTH. Theo quan điểm của UNIDO, KTTH là phương thức mới để tạo ra giá trị cho sản phẩm, vật liệu, tài nguyên và trên hết tạo sự thịnh vượng. KTTH nhằm mục đích kéo dài vòng đời của một sản phẩm bằng việc cải tiến thiết kế và cung cấp dịch vụ, đưa chất thải ở cuối chuỗi cung ứng quay trở lại đầu vào - là sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua việc tái sử dụng thay vì chỉ sử dụng một lần. Trong nền KTTH, sản phẩm được thiết kế để kéo dài thời gian sử dụng, dễ tháo rời và dễ sửa chữa. Theo phương thức này, mọi thứ đều có thể được tái sử dụng, tái sản xuất, hoặc tái chế để trở thành nguyên liệu đầu vào, hay để sử dụng làm nhiên liệu, từ đó giảm thiểu chất thải ra môi trường.
KTTH là tư duy hệ thống hướng đến cải thiện vị thế của doanh nghiệp, hoặc sản phẩm trong chuỗi cung ứng và với khách hàng, đó cũng chính là tạo ra lợi thế cạnh tranh. KTTH cũng hướng tới việc chi trả cho hiệu suất hoạt động, hoặc tiếp cận đến sản phẩm thay vì sở hữu, tạo điều kiện cho nhà sản xuất và khách hàng có thể chia sẻ giá trị. Bằng cách tiếp cận nền KTTH, lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội được tạo ra cùng lúc.
Theo Báo cáo nghiên cứu “KTTH bao trùm và ưu tiên cho các nước đang phát triển” của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hoàng gia về những vấn đề quốc tế (Chatham House - Anh) năm 2019, KTTH có thể chia thành 3 nhóm hoạt động như sau: Tạo ra các vòng khép kín - một sản phẩm khi đến giai đoạn kết thúc một vòng đời hoạt động theo thiết kế sẽ được tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất hay tái chế thay vì thải bỏ; Làm chậm dòng lưu chuyển - thay đổi phương thức thiết kế và sản xuất nhằm đảm bảo các sản phẩm được duy trì sử dụng càng lâu càng tốt, giảm nhu cầu mua sản phẩm mới; Thu hẹp dòng lưu chuyển - chuyển sang các phương thức sử dụng sản phẩm hiệu quả hơn như chia sẻ các sản phẩm, hay áp dụng những mô hình sử dụng sản phẩm thay vì sở hữu sản phẩm.
Nguồn: Báo cáo nghiên cứu “KTTH bao trùm và ưu tiên cho các nước đang phát triển”, năm 2019, Chatham House, Viện Hoàng gia về các vấn đề quốc tế
KTTH - hướng đi tất yếu cho phát triển công nghiệp
Đối với các quốc gia phát triển, KTTH sẽ giúp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả hơn và ít bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô cũng như các sản phẩm chế biến chế tạo ở nước ngoài. Các hoạt động KTTH tại các nước đang phát triển sẽ góp phần giải quyết các nhu cầu về nguyên liệu sản xuất thông qua việc giảm hoặc, nếu có thể, thay đổi phương thức sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm tác động của BĐKH và ô nhiễm môi trường.
Theo Báo cáo nghiên cứu của Chatham House, để hướng tới một nền KTTH, các nước đang phát triển cần phải có những hành động theo 3 hướng ưu tiên: Tích hợp KTTH với các ưu tiên chính sách hiện hành: Để tích hợp KTTH với chiến lược công nghiệp cấp quốc gia và kế hoạch đầu tư, chính phủ của các nước đang phát triển cần đảm bảo rằng KTTH phải được hợp nhất với các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng chống chịu cao và tạo cơ hội cho những người dễ bị tổn thương nhất; Đầu tư cơ bản nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi theo hướng KTTH ở các nước đang phát triển, quan hệ hợp tác công - tư cần được thúc đẩy bằng cách chính phủ xác định ưu tiên cải cách các chính sách đối nội để hỗ trợ các hoạt động hướng tới KTTH; các nhà đầu tư cần phải có cơ chế tài chính để hỗ trợ và hạn chế rủi ro cho đầu tư ban đầu cho chuỗi giá trị hướng tới KTTH; Hỗ trợ chương trình nghị sự toàn cầu bao trùm hướng tới KTTH thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác. Thương mại và hợp tác là yếu tố quan trọng để thúc đẩy KTTH ở các nước đang phát triển, tạo cơ hội cho sáng kiến, đổi mới sáng tạo. Các tổ chức quốc tế như UNIDO và UNEP, với sự hỗ trợ của Chính phủ các nước trong nhóm G20, cần phải cùng nhau thiết lập mạng lưới toàn cầu để thúc đẩy KTTH.
UNIDO với KTTH
Nhìn lại hơn 50 năm hoạt động trên toàn cầu, các chương trình, dự án của UNIDO đã và đang hỗ trợ phát triển những mô hình KTTH. Các dự án của UNIDO trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam tập trung vào thiết kế bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn lực, sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái. Đây chính là những hợp phần quan trọng tạo nền tảng phát triển nền KTTH. Ngoài ra, UNIDO cũng có những hoạt động hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp tái chế, một trong những trọng tâm của KTTH, hướng tới mô hình “biến rác thải thành tài nguyên”.
UNIDO hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện dự án xử lý và tái chế chất thải điện tử bằng cách áp dụng phương pháp KTTH
Thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam, với kinh nghiệm về KTTH, UNIDO khuyến nghị Việt Nam cần tích hợp các nguyên lý và cách tiếp cận theo hướng KTTH trong quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới, đặc biệt gắn với phát triển công nghiệp; tái cấu trúc nông nghiệp; Chương trình Nghị sự phát triển bền vững và BĐKH. Việt Nam cần xây dựng lộ trình thúc đẩy KTTH phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và thận trọng đánh giá những cơ hội, rủi ro có thể xảy ra trong tất cả các ngành kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng hệ thống dòng lưu chuyển tài nguyên quốc gia một cách tổng thể, chú trọng đến nhu cầu cấp thiết xây dựng hệ thống quản lý chất thải phù hợp và có tầm nhìn hướng tới tương lai. Dựa trên một hệ thống quản lý như vậy, các đề xuất cho tái sản xuất, sửa chữa, tái sử dụng, tái thiết kế sản phẩm sẽ được xây dựng, hướng tới mô hình phát triển mới.
Một khía cạnh quan trọng không kém là nỗ lực nâng cao nhận thức, huy động các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân (các doanh nhân trẻ, nhóm khởi nghiệp), người tiêu dùng tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện lộ trình phát triển KTTH. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam hiện đang đứng trước thời khắc thay đổi quan trọng. Cùng với các đối tác, UNIDO sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia thành viên, bao gồm cả Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế cạnh tranh, tạo sự thịnh vượng chung và BVMT.
Lê Thanh Thảo
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)