12/05/2020
Thuật ngữ “quan trắc đa dạng sinh học (ĐDSH)” có nhiều cách diễn giải khác nhau, tuy nhiên, nhìn chung quan trắc ĐDSH là việc đo đạc lặp đi, lặp lại trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các chỉ thị phản ánh hiện trạng, xu hướng biến đổi của ĐDSH, các ảnh hưởng bất lợi đối với tài nguyên ĐDSH để từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách có các hoạt động ưu tiên, cải thiện công tác quản lý các hệ sinh thái (HST), các loài và nguồn gen.
Do tính phức tạp của ĐDSH, việc quan trắc ĐDSH chủ yếu dựa vào một số chỉ thị ĐDSH. Các chỉ thị này là những số liệu/dữ liệu ở dạng mô tả, định tính hay định lượng về các vấn đề môi trường, có tính chất đại diện cho hiện trạng và xu hướng biến đổi của ĐDSH.
Hướng dẫn về quan trắc ĐDSH của các Công ước, tổ chức quốc tế
Công ước ĐDSH (CBD)
Theo Điều 7, Văn kiện Công ước ĐDSH, các bên tham gia Công ước sẽ xác định các cấu phần của ĐDSH có vai trò quan trọng đối với bảo tồn và sử dụng bền vững và tiến hành quan trắc các hợp phần này. Các nước cần ưu tiên quan trắc các hợp phần ĐDSH có tiềm năng cho phát triển, sử dụng bền vững và những hợp phần ĐDSH đang chịu tác động tiêu cực, cần những hành động bảo tồn khẩn cấp.
Theo CBD, các hợp phần ĐDSH quan trọng cần tiến hành quan trắc gồm: HST có tính ĐDSH cao (là nơi cư trú của các loài sinh vật hoang dã bản địa, quý hiếm, các loài chim di cư hoặc có giá trị về văn hóa, kinh tế, xã hội); Các loài và quần thể của chúng (loài bị đe dọa,); Nguồn gen có giá trị về mặt kinh tế, khoa học và xã hội. Bên cạnh việc quan trắc các hợp phần của ĐDSH, cần tiến hành quan trắc ảnh hưởng của những tác động tiêu cực gây ra cho ĐDSH.
Các chỉ thị và quá trình quan trắc ĐDSH cần được thiết kế để phát hiện ra các thay đổi theo thời gian và không gian để các nhà quản lý ra các quyết định kịp thời về chính sách và hành động. Như vậy, các chỉ thị quan trắc ĐDSH là một công cụ quan trọng phục vụ cho mục tiêu quản lý có sự thích nghi và quản lý chi phí - lợi ích và ra các quyết định. Để làm được điều này, các chỉ thị ĐDSH cần xác minh được việc thực hiện và đạt được các mục tiêu của các chính sách/chiến lược; Cung cấp các thông tin về hiện trạng ĐDSH hiện tại và dự báo cho tương lai; Định hướng cho việc hoạch định, điều chỉnh, sửa đổi các chính sách nhằm bảo tồn ĐDSH hiệu quả hơn.
CBD cũng đưa ra các chỉ thị ĐDSH gợi ý cho các quốc gia gồm: Chỉ thị về đặc điểm vật lý (nhiệt độ, lượng mưa…); đặc điểm hóa học (hàm lượng chất ô nhiễm trong đất, nước…); đặc điểm sinh học (HST, loài và nguồn gen); chỉ thị liên quan đến giá trị sử dụng (tổng lượng gỗ được khai thác, lượng các bon hấp thụ…); chỉ thị về áp lực và đáp ứng.
Trung tâm Quan trắc Bảo tồn Thế giới, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP – WCMC)
Theo hướng dẫn đánh giá và quan trắc ĐDSH của UNEP-WCMC, việc đánh giá và quan trắc ĐDSH sẽ được thực hiện ở hai câp độ là cấp độ HST và cấp độ loài.
Đối với cấp độ loài, cần đánh giá và quan trắc các nội dung chính: Sự xuất hiện của loài (danh mục loài hiện có gắn với vị trí về không gian của loài) và sự thay đổi về phân bố loài và mức độ phong phú loài. Phụ thuộc vào từng quốc gia, các loài sẽ được lựa chọn để ưu tiên quan trắc về xu hướng của sự thay đổi.
Đối với cấp độ HST, có rất nhiều yếu tố thuộc tính của HST được đề xuất để quan trắc như sức khỏe HST, hay cấu trúc và chức năng của HST. Tuy nhiên, quan trắc những thuộc tính này khá phức tạp cần đánh giá, do đó, UNEP-WCMC đề xuất việc đánh giá và quan trắc HST bao gồm các nội dung: Hiện trạng các kiểu HST/sinh cảnh (kiểu HST, diện tích gắn với vị trí về không gian); sự thay đổi về diện tích từng kiểu HST theo thời gian; sự thay đổi về chất lượng và tính toàn vẹn của HST.
Để xác định chỉ thị, các quốc gia phải xác định rõ bối cảnh về mặt chính sách cũng như xác định khung chỉ thị. UNEP-WCMC cho rằng nên sử dụng khung PSR (Áp lực - Hiện trạng - Đáp ứng) thay vì DPSIR (Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng) để đơn giản hóa và giảm số lượng chỉ thị. Một yếu tố cũng được nhấn mạnh đó là cần tham vấn các bên liên quan trong quá trình xác định các chỉ thị quan trắc ĐDSH.
UNEP-WCMC cũng đưa ra một bảng tổng hợp các chỉ thị ĐDSH đang được sử dụng ở các công ước, các tổ chức khác nhau để các quốc gia tham khảo. Các chỉ thị này được đưa ra theo nhóm ngành như nông nghiệp, tài chính, lâm nghiệp...
Kinh nghiệm quan trắc ĐDSH của một số nước trên thế giới
Mỹ tiến hành quan trắc theo các HST. Chẳng hạn, đối với HST rừng, Mỹ đặt ra 6 tiêu chí cần đạt được như Bảo tồn ĐDSH; Duy trì năng lực sản xuất của các HST rừng; Duy trì sức khỏe và sức sống của HST rừng; Duy trì sự đóng góp của rừng trong chu trình cacbon toàn cầu; Duy trì và nâng cao lợi ích kinh tế xã hội lâu dài để đáp ứng nhu cầu của xã hội; Khung pháp lý, thể chế và kinh tế để bảo tồn rừng và quản lý bền vững.
Để giám sát kết quả thực hiện 6 tiêu chí này, Mỹ đã đưa ra bộ chỉ thị ĐDSH cho từng tiêu chí. Đối với tiêu chí bảo tồn ĐDSH bao gồm những chỉ thị
Đa dạng HST (xu hướng lịch sử trong việc che phủ đất; Diện tích đất lâm nghiệp theo loại rừng; Phạm vi đất gỗ theo loại rừng và loại tuổi hoặc giai đoạn kế tiếp; Diện tích rừng trong các khu vực được bảo vệ theo quy định của IUCN; Sự phân mảnh các loại rừng); Đa dạng loài (số lượng loài sống phụ thuộc vào rừng; Tình trạng các loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng); Đa dạng di truyền (số lượng các loài sống phụ thuộc vào rừng chiếm một phần nhỏ trong phạm vi trước đây của chúng; xu hướng quần thể các loài động vật hoang dã).
Thụy Sỹ đã đặt mục tiêu cho quan trắc ĐDSH là cung cấp dữ liệu ĐDSH cần thiết cho việc định hướng các chính sách bảo tồn ĐDSH. Kế hoạch quan trắc ĐDSH của Thụy Sỹ chủ yếu tập trung vào giám sát ĐDSH loài và sự đa dạng sinh cảnh. Đa dạng di truyền trên thực tế rất khó định lượng trong một quy mô rộng lớn bao gồm nhiều cấp phân loại khác nhau. Đa dạng loài cũng có thể được xem là một dạng thể hiện về đa dạng gen ở mức độ rộng hơn.
Về mặt tổ chức, chương trình quan trắc ĐDSH Thụy Sỹ được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học, tập trung chủ yếu vào quản lý chương trình và phân tích dữ liệu. Các số liệu thích hợp thu thập được từ các chương trình khác cũng sẽ được khai thác sử dụng (nhất là chỉ thị áp lực và chỉ thị đáp ứng/phục hồi). Các chỉ thị về hiện trạng đòi hỏi phải có số liệu mới cho nên Ban quản lý Chương trình quan trắc sẽ ký hợp đồng với các cơ quan tư vấn để thực hiện chương trình. Vì vậy, tổ chức của Ban quản lý Chương trình quan trắc quốc gia khá gọn nhẹ.
Philipin là quốc gia có những kinh nghiệm nhất định về lĩnh vực này do Philipin là một trong bốn quốc gia tham gia dự án Xây dựng chỉ thị ĐDSH quốc gia (Dự án BINU) của UNEP-WCMC. Philipin đã áp dụng thử nghiệm các chỉ thị liên quan đến ĐDSH biển và ven biển. Có 4 phương pháp thực địa được thiết kế cho chương trình quan trắc tại Philipin là ghi nhật ký thực địa (ghi chép các số liệu đo theo thủ tục); chụp ảnh tại những điểm cố định đã được thống nhất; điều tra theo tuyến và thảo luận nhóm. Hệ thống quan trắc áp dụng 4 phương pháp này đặc biệt hiệu quả tại các khu bảo tồn, nơi có sự phối hợp quản lý giữa ban quản lý khu bảo tồn với cộng đồng địa phương, nơi đời sống của người dân còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên của khu vực.
Philipin đã áp dụng thử nghiệm các chỉ thị liên quan đến ĐDSH biển và ven biển
Những ưu điểm của hệ thống quan trắc tại Phillipin là không quá tốn kém (theo tính toán thì chi phí cho hệ thống quan trắc này chiếm 2% tổng kinh phí hàng năm Philipin dành cho hệ thống các khu bảo tồn); dễ thực hiện; tạo được tâm lý có “quyền làm chủ” trong cộng đồng địa phương đối với các hoạt động bảo tồn; nâng cao nhận thức và năng lực cho các nhóm tham gia.
Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc này cũng có những hạn chế là độ chính xác của các số liệu ghi chép được qua nhật ký thực địa; quy mô áp dụng nhỏ (có tính chất điểm và tùy thuộc điều kiện tại địa phương và khu bảo tồn) nên khó thể hiện tác động của hoạt động bảo tồn ở cấp độ quốc gia hoặc khó kết nối các kết quả tại điểm/khu bảo tồn vào hệ thống quốc gia; kết quả tùy thuộc vào mối quan hệ giữa ban quản lý với người dân địa phương.
Hiện nay, hệ thống quan trắc trên của Philipin đang được áp dụng tại tất cả các khu bảo tồn của quốc gia này và cách tiếp cận này cũng đang được thử nghiệm tại Inđônêxia, Lào, Tanzania, Nepal và Chi Lê.
Bài học kinh nghiệm và một số kiến nghị đối với quan trắc ĐDSH tại Việt Nam
Mặc dù mỗi quốc gia phân nhóm các chỉ thị ĐDSH theo các mô hình khác nhau; có nước theo mô hình DPSIR (Động lực, Áp lực, Hiện trạng, Tác động và Đáp ứng); có nước theo mô hình PSR (Áp lực, Hiện trạng, Đáp ứng). Hiện nay, ngay cả CBD cũng sử dụng mô hình PSR cho khung ĐDSH toàn cầu sau năm 2020 (GBF). Do đó, Việt Nam nên cân nhắc xây dựng bộ chỉ thị ĐDSH quốc gia theo mô hình PSR.
Đối với nhóm chỉ thị về hiện trạng, các chỉ thị này cần phản ánh được số lượng, chất lượng, cấu trúc và giá trị của các thành phần ĐDSH (HST, loài và nguồn gen). Cụ thể là các chỉ thị về số lượng như diện tích các loại HST (ưu tiên HST là môi trường sống của các loài động vật nguy cấp, quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng và các loài có giá trị về kinh tế, khoa học); số lượng các loài quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng; số lượng các loài bản địa; số lượng các loài/gen có giá trị về kinh tế và khoa học… Các chỉ thị về chất lượng và cấu trúc như xu hướng thay đổi về diện tích các loại HST; độ che phủ rừng; độ phân mảnh hoặc khả năng kết nối của HST; số lượng cá thể và/hoặc phân bố của các loài động vật quý hiếm… Các chỉ thị về giá trị như giá trị kinh tế thu được từ các sản phẩm sản xuất một cách bền vững từ tài nguyên thiên nhiên của khu bảo tồn…
Đối với nhóm chỉ thị về áp lực, các chỉ thị này có thể gồm các chỉ thị phản ánh các áp lực đến từ hoạt động phát triển kinh tế của con người và đến từ yếu tố tự nhiên.
Đối với nhóm chỉ thị về đáp ứng, các chỉ thị này thể hiện các hoạt động của con người nhằm giảm các áp lực từ hoạt động kinh tế và tự nhiên như các chỉ thị về số lượng chính sách, văn bản được ban hành nhằm bảo tồn ĐDSH, tổng ngân sách chi cho ĐDSH, số lượng và diện tích khu bảo tồn được thành lập…
Bên cạnh các chỉ thị để quan trắc ĐDSH đối với HST tự nhiên và các loài hoang dã, CBD và nhiều quốc gia luôn chú trọng các chỉ thị để quan trắc được giá trị của ĐDSH mang lại cho nền kinh tế và sự bền vững trong việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên.
Trần Huyền Trang
Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)