02/01/2018
Hiện nay tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng trở nên nghiêm trọng đối với các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để thích ứng cũng như giảm thiểu tác động của BĐKH, các quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược và hướng dẫn lồng ghép thích ứng BĐKH vào chính sách BVMT nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực quốc gia về ứng phó với BĐKH.
Kinh nghiệm quốc tế về lồng ghép BĐKH vào các chính sách BVMT
Tại Canađa, tác động của BĐKH trên phạm vi rộng và phức tạp, ảnh hưởng tới công trình, dự án của các bang trên cả nước. Từ năm 2011, để giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, Canađa đã công bố Hướng dẫn xem xét BĐKH trong đánh giá môi trường của các dự án phát triển. Theo đó, đánh giá môi trường là một công cụ lập kế hoạch quan trọng khi phát triển dự án, giúp xác định được tác động đến môi trường và đưa ra các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới sự bền vững của dự án.
Để lồng ghép BĐKH trong đánh giá môi trường của các dự án phát triển, Hướng dẫn đã đưa ra 7 bước bao gồm: Mô tả dự án; hiện trạng môi trường nền; phạm vi tích hợp, xác định thành phần môi trường có giá trị; đánh giá, xác định những tác động quan trọng; ảnh hưởng của môi trường đối với dự án; lồng ghép và quan trắc; giám sát, giảm thiểu. Bước mô tả dự án sẽ cung cấp thông tin tổng quan thực hiện các giai đoạn của dự án như vị trí, quy mô, hoạt động xây dựng, quy trình hoạt động, lượng phát thải dự kiến, thời gian của dự án. Các biện pháp giảm thiểu, thích ứng với BĐKH được đưa vào xem xét, đánh giá yếu tố này. Tiếp theo là đánh giá về hiện trạng môi trường của dự án, bao gồm thông tin về khí hậu, xu hướng diễn biến của hiện tượng thời tiết cực đoan trong quá khứ hay các vùng xung quanh. Các tác động về môi trường như chất lượng, số lượng nguồn nước ngầm, loài có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dự án cũng được xem xét. Dựa trên ý kiến của cộng đồng và các bên liên quan, Luật và quy định hiện hành, nghiên cứu khoa học đánh giá của chuyên gia, nhóm thực hiện sẽ đưa ra phạm vi tích hợp của dự án trong các mối tương quan về môi trường như chất lượng không khí, vấn đề sinh thái... Đây cũng là bước để xác định các thành phần môi trường có giá trị sẽ bị tác động khi triển khai dự án. Khi đánh giá tác động này, có thể dựa trên một số tiêu chí xác định những thành phần dễ bị tổn thương do BĐKH của dự án. Sau đó, đưa ra các biện pháp giảm thiểu hoặc loại bỏ tác động tiềm ẩn của dự án.
Philipin là một nước đang phát triển với nhiều đảo và quần đảo, xếp thứ 17 trên thế giới về đa dạng sinh học (ĐDSH) và thứ 15 về tính đặc hữu. Tuy nhiên, đất nước này cũng là nơi bị ảnh hưởng bởi các tác động của BĐKH, trong đó hệ sinh thái (HST) và ĐDSH phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng. Để giảm nhẹ tác động của BĐKH, năm 2009, Philipin đã ban hành Kế hoạch hành động BĐKH. Theo đó, Philipin được Bộ Môi trường Đức tài trợ 4,25 triệu Euro cho chương trình thích ứng với BĐKH và bảo tồn ĐDSH, thực hiện trong 3 năm (2009 - 2011). Các nhiệm vụ của Chương trình, bao gồm: Chuẩn bị kế hoạch quốc gia về thích ứng BĐKH và bảo tồn ĐDSH; Phát triển các cơ chế, biện pháp để tích hợp thích ứng với BĐKH vào việc bảo tồn ĐDSH; Đánh giá các tác động đối với HST trên cạn, sự thích ứng của con người trong khu vực bị tác động của BĐKH; Tích hợp nội dung BĐKH vào kế hoạch bảo tồn ĐDSH 4 Vườn quốc gia (VQG).
Theo đó, 4 VQG được Philipin triển khai thí điểm là: Mt Apo (54.974 ha); Mt Kitanglad Range (40.176 ha); Ikalahan Ancestral Domain - IAD (38.000 ha); North Sierra Madre (359.486 ha). Trên cơ sở phân tích thực trạng và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố làm suy giảm ĐDSH do tác động của BĐKH tại 4 VQG, Philipin đã áp dụng phương pháp tiếp cận HST nhằm bảo tồn tính toàn vẹn của HST; hoàn chỉnh khung pháp lý, chính sách và cơ chế bảo tồn cho VQG; hỗ trợ về kỹ thuật cho Ban quản lý các VQG; rà soát lại những công trình phát triển liên quan đến diện tích rừng hiện có; thúc đẩy bảo vệ rừng và trồng rừng; phát triển sinh kế cho các hộ dân xung quanh VQG; tăng cường công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng…
Ruanđa là quốc gia nằm gần xích đạo nên có nhiệt độ cao quanh năm. Do tác động của BĐKH, các vùng Đông và Đông Nam của Ruanđa (Umutara, Kibungo, Bugesera, Mayaga) chịu ảnh hưởng nhiều hơn do hạn hán kéo dài, trong khi các vùng phía Bắc và phía Tây (Ruhengeri, Gisenyi, Gikongoro và Byumba) gặp mưa lớn gây ra xói mòn, lụt lội và sạt lở đất. Những khu vực có cường độ mưa lớn cộng thêm lũ lụt đã tác động đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người. Để giảm thiểu những tác động của BĐKH, Ruanđa đã ban hành Hướng dẫn lồng ghép thích ứng BĐKH, giảm thiểu tác động trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, Hướng dẫn bao gồm 6 bước. Trong đó, tác động của BĐKH và đánh giá tính dễ bị tổn thương được tiến hành để xác định tính nhạy cảm của tài nguyên thiên nhiên, các HST đối với sự khắc nghiệt của thời tiết, phân tích và xác định hiệu quả của các phản ứng hiện tại. Đánh giá này sẽ xác định nhu cầu năng lực, thiết lập các điều kiện khí hậu cơ bản, rào cản tiềm ẩn đối với sự thích ứng. Từ đánh giá này, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực TN&MT quyết định xem yếu tố nào là quan trọng hơn và mức độ quan trọng như thế nào. Điều này giúp xác định phạm vi đánh giá ở các bước sau. Tiếp theo, cần nhận diện và phân tích các lựa chọn cho việc thích ứng, giảm thiểu. Tiến hành đánh giá toàn diện về tài nguyên rừng, đất đai, nước, các nguồn lợi thủy sản khác, ĐDSH và HST, khai thác mỏ… từ đó, xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch ứng phó, phục hồi tài nguyên, đồng thời phát triển hệ thống cảnh báo sớm trong quá trình giám sát tài nguyên. Thiết lập kênh thông tin về BĐKH ở cấp quốc gia và cơ chế phối hợp trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Ban hành kế hoạch thực hiện để hướng dẫn quá trình lồng ghép thích ứng và giảm thiểu BĐKH, hỗ trợ trong việc phân bổ nguồn lực, bao gồm: Đánh giá nhu cầu xây dựng năng lực và kế hoạch đào tạo; Nguồn tài chính (nhu cầu chi tiêu và các nguồn thu); Báo cáo về các hoạt động liên quan đến BĐKH trong từng ngành cụ thể…, cuối cùng là tiến hành giám sát để đảm bảo điều kiện thực hiện các hoạt động thích ứng BĐKH.
Tác động của BĐKH gây lũ lụt ở tỉnh Alberta, Canađa năm 2015 |
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn từ BĐKH, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). BĐKH tác động đến tài nguyên, môi trường, ĐDSH. Trước thách thức đó, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về BĐKH. Chính phủ và một số Bộ, ngành cũng đã xây dựng chương trình hành động nhằm ứng phó với BĐKH. Nội dung ứng phó với BĐKH và BVMT đã được lồng ghép trong các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế của một số ngành, địa phương. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nghị quyết đề ra tầm nhìn đến năm 2100, ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng BĐKH, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; ĐDSH và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao...
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Chính phủ đã chủ trương lồng ghép các yếu tố BVMT, ứng phó với BĐKH vào chính sách xóa đói, giảm nghèo, được cụ thể hóa thành các chương trình như: Cụm tuyến dân cư vượt lũ; Chương trình nhà ở cho người nghèo vùng thiên tai; Dự báo thời tiết nông vụ; Hỗ trợ ngư dân gắn thiết bị nắm bắt được dự báo về thời tiết khi đánh bắt xa bờ... Tuy nhiên, công tác thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH và BVMT vào chính sách phát triển còn nhiều hạn chế. Một số Bộ, ngành và địa phương còn chưa quan tâm đến việc thực hiện lồng ghép yếu tố của BĐKH trong chương trình, chiến lược phát triển. Để thực hiện hiệu quả nội dung lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các chương trình phát triển, thông qua các kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, một số bài học được rút ra cho Việt Nam như sau:
Việc lồng ghép được dựa trên quan điểm của việc phát triển kinh tế bền vững và BVMT. Tất cả các ngành, cấp từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng phải nhận thức sâu sắc tính cần thiết và cấp bách của việc lồng ghép này. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định, xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch trong vấn đề quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, việc lồng ghép dựa trên quan điểm phòng ngừa là chính; công tác phòng ngừa là giải pháp hữu hiệu và ít tốn kém trong việc ứng phó với tác động của BĐKH.
Ngoài ra, cần xây dựng quy trình gồm các bước cụ thể cho việc lồng ghép BĐKH vào quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên ở từng ngành/lĩnh vực. Trước khi thực hiện lồng ghép phải đánh giá tác động của BĐKH đến từng ngành/lĩnh vực lồng ghép, nhờ đó, chọn được quy trình thích hợp, các bước lồng ghép cụ thể. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những đặc trưng riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội nên cần lựa chọn quy trình và các bước lồng ghép cho phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia cũng như địa phương. Như vậy, việc lồng ghép mới mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, cần huy động sự tham gia của các cấp, ban, ngành có liên quan trong quá trình lồng ghép. Đặc biệt là kêu gọi sự tư vấn, tham gia, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, quốc gia có nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình lồng ghép thích hợp với Việt Namn
ThS. Cao Thị Thanh Nga
Viện Địa lý nhân văn
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017