Banner trang chủ

Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững

02/10/2018

     Kiểm toán môi trường (KTMT) là quá trình thu thập và đánh giá các bằng chứng liên quan đến các thông tin môi trường của đối tượng được kiểm toán, nhằm xác đinh và báo cáo về mức độ đáp ứng với các tiêu chí kiểm toán về quản lý môi trường. Đây là quá trình đánh giá có tính hệ thống, định kỳ và khách quan về hiệu quả thực tế quản lý môi trường và mức độ tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT.

     KTMT đôi khi bị nhầm lẫn với đánh giá tác động môi trường (ĐTM). ĐTM là công cụ được sử dụng để dự đoán, đánh giá và phân tích tác động môi trường trước khi triển khai dự án, trong khi KTMT xem xét hiệu quả quản lý môi trường thực tế của cơ sở đang hoạt động.

 

Hội thảo góp ý xây dựng quy trình KTMT tại các doanh nghiệp ở Việt Nam do Tổng cục Môi trường tổ chức ngày 15/10/2016, tại Đà Nẵng

 

     Để đánh giá hiệu quả quản lý môi trường, bao gồm hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết bị xử lý chất thải và giảm thiểu tác động môi trường, trong quá trình KTMT có thể phải thực hiện ĐTM, tuy nhiên đó là việc đánh giá các tác động xảy ra trong thực tế, được thu thập từ các báo cáo quan trắc môi trường định kỳ (có thể tiến hành quan trắc bổ sung trong khuôn khổ nhiệm vụ kiểm toán nếu cần thiết), quan sát hiện trường, phỏng vấn các bên liên quan và cộng đồng.

     KTMT là công cụ quản lý trong ngành môi trường

     Mặc dù thuật ngữ KTMT không được đề cập trực tiếp trong Luật BVMT, song các yêu cầu và nội dung của KTMT đã được thể hiện dưới các thuật ngữ khác trong các điều của Luật. Đặc biệt, tại Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, KTMT và kiểm toán chất thải được xem là công cụ khuyến khích áp dụng tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường.Về bản chất, dù có chung mục tiêu nhưng KTMT chủ yếu dựa trên kiến thức khoa học tổng hợp về quản lý và pháp luật môi trường để phân tích thông qua các tài liệu, báo cáo liên quan đến toàn bộ hoạt động quản lý môi trường; còn kiểm toán chất thải đòi hỏi nắm vững kiến thức về kỹ thuật và công nghệ để phân tích thông qua xác định nguồn, mức độ phát sinh chất thải, quy trình sản xuất, cân bằng vật chất, cân bằng năng lượng.

     Theo Bộ TN&MT, KTMT được thực hiện đối với các doanh nghiệp theo khuôn khổ quy định trong bộ tiêu chuẩn ISO 14000, đó là quá trình KTMT nội bộ nhằm kiểm tra, theo dõi, đánh giá định kỳ một cách khách quan và hệ thống đối với công tác tổ chức quản lý môi trường, quá trình vận hành công nghệ sản xuất, phương tiện, trang thiết bị,… của doanh nghiệp, từ đó đánh giá hiệu quả của các biện pháp quản lý môi trường hiện có và đánh giá sự tuân thủ các quy định về BVMT; xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp cải thiện hoạt động và sự tuân thủ trong tương lai.

     Cho đến nay, ở Việt Nam, các đề tài nghiên cứu chuyên sâu về KTMT nội bộ chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kiểm toán chất thải, và chỉ được áp dụng mang tính thử nghiệm. Do đó, hiện chưa có hướng dẫn thực hiện quy trình KTMT cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

     KTMT là nhiệm vụ hoạt động của Kiểm toán nhà nước

     Công tác KTMT của Kiểm toán nhà nước (KTNN) được thực hiện theo đúng quy định của Luật KTNN năm 2015: "là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công" trong lĩnh vực BVMT. Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của nhà nước ở Trung ương; các cơ quan được giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.

     Theo quy định tại Điều 32, nội dung kiểm toán của Luật KTNN năm 2015, loại hình kiểm toán gồm: Kiểm toán tài chính; Kiểm toán tuân thủ; Kiểm toán hoạt động. Kiểm toán tài chính các vấn đề về môi trường tập trung đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính so với các quy định về tài chính môi trường. Kiểm toán tuân thủ về môi trường tập trung vào tính phù hợp và tuân thủ các quy định pháp luật, các chính sách về môi trường của quốc gia và địa phương, và các công ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong khi đó, kiểm toán hoạt động về môi trường tập trung đánh giá tính hiệu lực của các chính sách và quy định pháp luật về môi trường, tính kinh tế và hiệu quả của các hoạt động quản lý môi trường và sử dụng tài chính về BVMT.

     Như vậy, cơ quan KTNN thực hiện KTMT theo luật định để đánh giá, kiểm tra sự tuân thủ, xem xét việc chấp hành các chính sách, luật lệ liên quan tới vấn đề môi trường của cơ quan quản lý và các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về BVMT. Quy trình KTMT tuân thủ theo quy trình chung quy định tại Điều 45, 46, 47, 48 và 49 của Luật KTNN năm 2015. Báo cáo kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Quy trình này cũng phù hợp với quy trình nêu trong các hướng dẫn về kiểm toán môi trường của INTOSAI (Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao) và ASOSAI (Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực châu Á).

 

 

KTNN thực hiện kiểm toán công tác quản lý môi trường doanh nghiệp

 

     Trong giai đoạn chuẩn bị và lập kế hoạch kiểm toán, thông tin cơ bản về đơn vị được kiểm toán được thu thập đểxác định phạm vi kiểm toán, quyết định mục tiêu ưu tiên và tiêu chí kiểm toán, và lựa chọn phương pháp kiểm toán. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, các cuộc họp mở với đơn vị được kiểm toán được tổ chức, các bằng chứng kiểm toán có thẩm quyền và đáng tin cậy được thu thập, và các cuộc làm việc với các bên liên quan được tiến hành. Trong giai đoạn lập báo cáo kiểm toán, báo cáo được soạn thảo bởi nhóm kiểm toán và được lãnh đạo cơ quan kiểm toán phê duyệt. Một hội nghị chính thức được tổ chức với đơn vị kiểm toán và các bên liên quan để thông báo và thảo luận về những phát hiện trong báo cáo kiểm toán. Báo cáo cuối cùng với các kiến nghị được gửi đến các cơ quan thẩm quyền cấp cao của đối tượng được kiểm toán. Giai đoạn cuối cùng là theo dõi,kiểm traviệc thực hiện các kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

     Thời gian qua, KTNN Việt Nam đã thực hiện một số cuộc KTMT nhằm đánh giá thực trạng quản lý môi trường tại các đơn vị được kiểm toán, chỉ ra những vấn đề hạn chế còn tồn tại, đồng thời đưa ra các kiến nghị phù hợp để hoàn thiện hệ thống chính sách và văn bản pháp luật, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT. Các cuộc kiểm toán này dựa trên các thông tin thu thập được tại chỗ, chủ yếu tập trung vào việc đánh giá tính trung thực và hợp pháp của các tài liệu, rà soát các báo cáo được thực hiện theo quy định pháp luật về BVMT, kết hợp với khảo sát thực địa và thu thập ý kiến phỏng vấn cộng đồng. Trong quá trình kiểm toán, các tác động đến môi trường được đánh giá dựa trên thông tin từ các báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, báo cáo hiện trạng môi trường định kỳ của ngành TN&MT, báo cáo kết quả quan trắc, giám sát định kỳ và đột xuất do các cơ quan quản lý môi trường (Bộ TN&MT, Sở TN&MT) thực hiện, và tham khảo Báo cáo định kỳ về công tác môi trường của ngành Công thương, Báo cáo định kỳ về y tế lao động của ngành Y tế; trường hợp cần thiết có thể lấy mẫu phân tích kiểm tra.

     KTMT vẫn là hoạt động mới và còn nhiều khó khăn khi triển khai ở Việt Nam. Mới đây, việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của bộ phận KTMT từ đơn vị tham mưu điều hành sang đơn vị kiểm toán chuyên ngànhtrực thuộc KTNN chuyên ngành III của KTNN (theo Quyết định số 1848/QĐ-KTNH ngày 7/9/2018 của Tổng KTNN) sẽ thúc đẩy việc triển khai áp dụng KTMT trong hoạt động của KTNN nhằm mục tiêu cải thiện tình hình quản lý nhà nước về BVMT trong xây dựng và thực hiện chính sách, quy định pháp luật, cũng như trong quản lý và sử dụng kinh phí.

     Để tăng cường hiệu quả công tác KTMT Bộ TN&MT và KTNN cần hợp tác, thúc đẩy trao đổi học thuật, phối hợp tổ chức hội thảo tập huấn tăng cường năng lực, ban hành các quy định pháp luật liên quan và xây dựng hướng dẫn thực hiện phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan.

 

TS. Lê Hoàng Lan

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

Ý kiến của bạn