Banner trang chủ

Khai mạc Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12

04/11/2019

     Từ ngày 28 - 30/10, tại Hà Nội, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung tâm phát triển vùng Liên Hợp Quốc đồng tổ chức “Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 - EST12” (Diễn đàn EST12). Tham dự phiên khai mạc Diễn đàn EST12 có Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại biểu quốc tế.

     Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn EST12 năm 2019 với chủ đề “Tiến tới thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông vận tải thông minh và cacbon thấp” thể hiện vai trò, trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc trong nỗ lực chung phát triển giao thông vận tải bền vững về môi trường và cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác giao thông vận tải...

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Phiên khai mạc Diễn đàn EST12

 

     Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, hiện nay, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, nhiều TP châu Á đang phải đối mặt với những vấn đề lớn về môi trường như tình trạng suy giảm các nguồn tài nguyên: nước, đất, biển, đại dương, chất lượng không khí; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe con người có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết, mỗi năm có 7 triệu người trên Trái Đất thiệt mạng do ô nhiễm không khí và cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở không khí bị ô nhiễm - Thứ trưởng dẫn chứng.

     Theo Thứ trưởng, giao thông vận tải có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững và BVMT, tốc độ phát triển nhanh về số lượng các loại phương tiện giao thông vận tải đã làm gia tăng các áp lực đến môi trường. Sự gia tăng về số lượng ôtô và xe máy ở khu vực đô thị là nguồn lớn gây ô nhiễm môi trường không khí. Sự gia tăng các loại tàu sông, tàu biển và hoạt động hàng hải là nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, sông, hồ. Do đó, nhiệm vụ cấp bách là cần phải tìm được giải pháp phát triển giao thông thông minh, giảm phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm môi trường.

     Tại Lễ khai mạc EST 12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững thông qua xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đã tích cực xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu với những cam kết mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Riêng về hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, Việt Nam đã ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt là các công trình trọng điểm, mang tính kết nối đồng bộ đã được hoàn thành, khai thác đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.


Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu


     "EST 12 sẽ là diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà tài trợ trao đổi, thảo luận thúc đẩy hệ thống giao thông vận tải bền vững với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
     Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gợi ý các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp thúc đẩy phát triển TP thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm, BVMT, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, đảm bảo xây dựng hệ thống giao thông an toàn và thuận tiện.

     Được biết, Diễn đàn EST12 sẽ tập trung thảo luận các chính sách về giao thông vận tải bền vững với môi trường; tích hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị; phát triển dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông bền vững; ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến; các giải pháp về thể chế, cơ chế tài chính mới và mối quan hệ đối tác trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng an toàn, thông minh, thích ứng và phát triển bền vững.

 

Toàn cảnh Phiên khai mạc Diễn đàn

 

     Giảm ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị thông qua việc xác định và thảo luận các cơ hội cũng như thách thức phát triển hệ thống giao thông vận tải phát thải các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm; nâng cấp các dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thêm lựa chọn về an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị; tối ưu hóa mạng lưới đường bộ và quản lý các điểm dừng đỗ tại đô thị; phát triển TP và cộng đồng theo hướng giao thông an toàn, thuận tiện.

     Diễn đàn EST12 cũng sẽ thảo luận cách thức để các quốc gia châu Á có thể đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhất là Mục tiêu phát triển bền vững 11 thông qua việc thực hiện các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, mạng Internet vạn vật, công nghệ thông tin truyền thông, hệ thống giao thông thông minh; rà soát, đánh giá tiến độ triển khai các chương trình, sáng kiến, đề xuất và thành tựu của các quốc gia, các bài học thực tiễn trong Tuyên bố Bangkok (2010 - 2020); thảo luận về chiến lược tiếp tục triển khai Tuyên bố Bangkok giai đoạn tiếp theo song hành với việc thay đổi diện mạo giao thông đô thị tại châu Á và phù hợp với Chương trình Phát triển bền vững/Mục tiêu Phát triển bền vững 2030.

 

Hồng Nhung

 

Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á do Liên hợp quốc thành lập từ năm 2005, là một phần quan trọng của Sáng kiến Giao thông vận tải bền vững với môi trường. Đây là Diễn đàn thường niên với mục đích thúc đẩy nhận thức chung giữa các nước châu Á về BVMT trong giao thông vận tải; xây dựng đô thị và cộng đồng an toàn, bền vững hơn thông qua các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển hiệu quả.


 

 

Ý kiến của bạn