18/01/2020
Nguyên tắc phòng ngừa (NTPN), hay phương pháp tiếp cận phòng ngừa xuất hiện trong vài thập kỷ gần đây và ngày càng được chấp nhận rộng rãi như một nguyên tắc chung của chính sách, luật pháp, quản lý môi trường. Nguyên tắc này là cách tiếp cận với các bất trắc, đề ra hành động nhằm tránh tổn hại môi trường nghiêm trọng hoặc không thể sửa chữa trước khi có luận cứ khoa học về các tổn hại này. Cốt lõi của NTPN được phản ánh trong Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển.
Sự phát triển của khái niệm kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) dựa trên NTPN trong chính sách môi trường. BAT được coi là ứng dụng phù hợp nhất của NTPN, thay thế cho cách tiếp cận xử lý cuối đường ống trước đây. BAT đã được áp dụng tương đối phổ biến tại các quốc gia trên thế giới và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với ô nhiễm công nghiệp. Một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã áp dụng BAT theo lộ trình và quy định BAT trong các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường.
BAT được định nghĩa trong Chỉ thịsố 2010/75/EU của Ủy ban châu Âu 2010 là một ví dụ điển hình về BAT được hiểu ở hầu hết các quốc gia. Điều 3 Chỉ thịsố 2010/75/ EU định nghĩa BAT là “giai đoạn hiệu quả, tiên tiến nhất trong sự phát triển của các hoạt động và phương pháp vận hành, đây là những kỹ thuật cụ thể, phù hợp để cung cấp cơ sở cho các giá trị giới hạn phát thải, điều kiện cấp phép khác được thiết kế để ngăn ngừa, giảm phát thải và tác động đến môi trường, bao gồm: “Kỹ thuật” gồm cả công nghệ sử dụng và cách thức thiết lập (thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng, vận hành và ngừng hoạt động); “Kỹ thuật hiện có” có nghĩa là những kỹ thuật được phát triển trên quy mô cho phép thực hiện trong lĩnh vực công nghiệp liên quan, trong điều kiện khả thi về kinh tế và kỹ thuật, có sự xem xét đối với các chi phí và lợi thế; “Tốt nhất” có nghĩa là hiệu quả nhất trong việc đạt mức độ chung cao đối với BVMT.
Khái niệm BAT cũng được sử dụng trong các thỏa thuận môi trường đa phương liên quan đến ô nhiễm công nghiệp (Công ước Minamata về thủy ngân, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ dai dẳng và Công ước Ospar về BVMT biển của Đông Bắc Đại Tây Dương). Bên cạnh đó, các khái niệm tương tự đang được sử dụng trên toàn thế giới, như: Công nghệ kiểm soát khả dụng tốt nhất (BACT); Các kỹ thuật/công nghệ tốt nhất hiện có, không bao gồm chi phí quá cao (BATNEEC); Công nghệ kiểm soát chất ô nhiễm thông thường tốt nhất (BCT); Thực hành quản lý môi trường tốt nhất (BEMP)…
Áp dụng BAT sẽ góp phần ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường
EU có một phương pháp chuẩn hóa cho thủ tục lựa chọn và đánh giá các kỹ thuật để xác định BAT, được gọi là Quy trình Seville. Theo đó, BAT được xác định thông qua quy trình này nhằm thiết lập cơ sở cho các mức phát thải liên quan đến BAT (BAT -AEL), tạo thành cơ sở cho các giá trị giới hạn phát thải (ELV) trong giấy phép. Các BAT và BAT-AEL được mô tả trong các tài liệu tham khảo BAT (BREF), sau này cũng được trình bày trong Kết luận BAT.
Định nghĩa về BAT cũng được đưa vào Luật của một số quốc gia trên thế giới. Tại Nga, Luật Liên bang số 219-FZ có hiệu lực từ năm 2015 tạo ra những thay đổi quan trọng đối với Luật BVMT liên bang và các luật liên quan khác. Theo đó, tại Điều 1 - “Các khái niệm cơ bản”, Luật liên bang số 219-FZ quy định “BAT là công nghệ sản xuất sản phẩm (hàng hóa), hiệu suất công việc, cung cấp dịch vụ được xác định dựa trên thành tựu hiện đại của khoa học và công nghệ, sự kết hợp tốt nhất của các tiêu chí để đạt được mục tiêu BVMT, với điều kiện khả thi về mặt kỹ thuật”. Ngoài ra, Luật giới thiệu sự chuyển đổi dần dần sang một hệ thống quy định công nghệ, dựa trên các công nghệ BAT, sử dụng kinh nghiệm của EU và tình trạng cụ thể về nền kinh tế nước Nga.
Ở Hàn Quốc, hệ thống quản lý môi trường dựa trên cơ sở hệ thống quản lý môi trường tổng hợp của EU. BAT được khuyến khích áp dụng theo Chỉ thị kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm tích hợp (IPPC) của EU năm 1996. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang Hàn Quốc, việc áp dụng BAT được bắt buộc trong Luật. Điều 24 của Đạo Luật kiểm soát chất thải tổng hợp của Hàn Quốc (ICEPFA) nêu rõ,Bộ trưởng Bộ Môi trường đưa ra kỹ thuật thân thiện với môi trường nhất để thiết kế, lắp đặt, vận hành, quản lý các cơ sở phát thải và phòng ngừa khi xem xét các vấn đề sau. Theo đó, một kỹ thuật bao gồm các kỹ thuật quản lý áp dụng về mặt kỹ thuật và kinh tế (gọi là BAT) có khả năng thực hiện tại cơ sở sản xuất; tạo hiệu quả trong việc giảm lượng chất gây ô nhiễm; giảm chi phí trong việc áp dụng và vận hành các kỹ thuật quản lý môi trường; giảm chất thải, tăng tái chế; đem lại hiệu quả sử dụng năng lượng; có thể chủ động quản lý ô nhiễm bằng cách giảm nguồn gây ô nhiễm. Ngoài ra, các vấn đề cụ thể được quy định chi tiết trong Thông tư do Bộ Môi trường ban hành.
Tại Việt Nam, BAT chưa được áp dụng phổ biến. Năm 2009 - 2011, Dự án BAT/BEP do Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT chủ trì thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, cho thấy nỗ lực của Việt Nam khi tham gia các Công ước quốc tế nhằm giảm thiểu ô nhiễm và phát thải khí nhà kính. Dự án đã góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật độc lập, đáp ứng yêu cầu chuyên môn về áp dụng BAT tại các loại nguồn phát thải công nghiệp để giảm bớt phát thải chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định(UP - POP); hỗ trợ phối hợp việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Công ước Stockholm với hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả giảm thiểu phát thải các UP - POP; tăng cường năng lực quan trắc các chất UP - POP (hỗ trợ đáp ứng yêu cầu, điều kiện tiên quyết để thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Công ước Stockholm); xây dựng phương pháp đánh giá chi phí - lợi ích của việc áp dụng BAT ở cấp doanh nghiệp và cấp ngành. Bên cạnh đó, BAT cũng đã được các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu đối với một số loại hình sản xuất như bột giấy, xi măng.
Tuy nhiên, BAT chưa được quy định trong Luật BVMT 2014, mặc dù Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT đã đề cập đến khái niệm này tại Khoản 4, Điều 14 về lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cụ thể: “Các dự án áp dụng phương pháp BAT và kinh nghiệm quản lý môi trường tốt nhất theo quy định của Bộ trưởng Bộ TN&MT”. Bên cạnh đó, chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn việc áp dụng BAT tại Việt Nam. Chính vì vậy, BAT chưa đi vào thực tiễn quản lý môi trường.
Yêu cầu cấp thiết của thực tiễn cho thấy, thay đổi cách tiếp cận trong quản lý môi trường theo hướng ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm là xu thế tất yếu của thế giới để hướng tới phát triển bền vững và giải quyết các bất cập trong quản lý môi trường tại Việt Nam hiện nay. Việc áp dụng BAT và các hình thức tương tự của BAT sẽ đáp ứng được yêu cầu này, do đó, Việt Nam cần sớm áp dụng BAT nhằm tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm công nghiệp.
Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Nguyễn Hải Yến
Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)