Banner trang chủ

JICA - Cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác bền vững giữa Việt Nam - Nhật Bản

13/10/2013

 

 

Ông Fumihiko Okiura - Phó Trưởng đại diện JICA

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) có mặt tại Việt Nam từ năm 1995. Sau khi sát nhập với bộ phận ODA của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) vào tháng 10/2008, JICA chịu trách nhiệm triển khai các dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển ODA của Nhật Bản ở cả 3 hình thức hợp tác: Hợp tác Kỹ thuật, Viện trợ không hoàn lại và Vốn vay ODA. Hiện nay, JICA đang triển khai hơn 100 dự án tại khắp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, đặc biệt là BVMT và biến đổi khí hậu… Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973 - 2013), Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Fumihiko Okiura, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam về những đóng góp của JICA đối với công tác BVMT của Việt Nam trong thời gian qua.

PV: Ông có thể đánh giá khái quát những thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 40 năm qua?

Ông Fumihiko Okiura: Mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển rất tốt đẹp kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Hai nước đã có mối quan hệ hợp tác trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực và ngày càng hiệu quả. Hai nước cùng xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, trao đổi và tin tưởng lẫn nhau. Viện trợ ODA từ Nhật Bản dành cho Việt Nam được nối lại từ năm 1992, đến nay, tổng số vốn vay ưu đãi lên tới hơn 2.000 tỷ Yên và luôn là nước tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của Nhật Bản. Ngoài các khoản vay tài trợ cho dự án, Nhật Bản còn cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam theo hình thức hỗ trợ ngân sách trực tiếp, đồng tài trợ với Ngân hàng Thế giới cho các chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC), các khoản vay cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).

Kể từ năm 1992, quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản phát triển trên nhiều lĩnh vực, bước sang giai đoạn mới về chất và đi vào chiều sâu. Thông qua JICA, Nhật Bản đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trên hầu hết các lĩnh vực như: Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế; Năng lượng và môi trường… hướng tới 3 trọng tâm: Phát triển cơ sở hạ tầng; Xây dựng và nâng cao năng lực, thể chế, chính sách; Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực. Vốn ODA dành cho Việt Nam đã và đang được sử dụng hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ lợi ích song phương.

Cho đến nay, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các dự án ODA và tiến hành chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm cho Việt Nam, xây dựng và trang bị cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Trong năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản - kỷ niệm 40 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao hai nước, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ cấp thêm cho Việt Nam 46,6 tỷ yên (tương đương 500 triệu USD) ODA. Đây là một dấu ấn quan trọng, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, sâu sắc giữa hai nước, hai Chính phủ ngày càng bền vững, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

PV: Quản lý môi trường là một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong thời gian qua, JICA đã triển khai những hoạt động gì để thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này, thưa ông?

Ông Fumihiko Okiura: Bên cạnh các lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục…, JICA cũng đặc biệt quan tâm tới công tác BVMT và phát triển nông nghiệp nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân và hướng tới tăng trưởng bền vững tại Việt Nam. Vì thế, những năm qua, JICA đã và đang hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu, dự án về môi trường nhằm cải thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị, quản lý rác thải, trồng rừng, tăng cường quản lý rừng và nguồn nước. Tất cả các hoạt động hợp tác về môi trường được triển khai ở ba nội dung chính: Quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Trong khuôn khổ của các chương trình hợp tác kỹ thuật, Nhật Bản đã viện trợ cho ngành TN&MT Việt Nam các trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu và tác nghiệp, cũng như cử các chuyên gia sang Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về môi trường (ứng phó với BĐKH, quan trắc môi trường, đa dạng sinh học, quản lý môi trường nước…) nhằm cải thiện chất lượng môi trường tại Việt Nam. Phương thức hoạt động của JICA đó là kết hợp giữa hoàn thiện thể chế, chính sách với tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, đồng thời, thúc đẩy các dự án cấp cơ sở, triển khai hoạt động thực tế tại địa phương có sự tham gia, phối hợp của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các chính sách.

Không chỉ tại Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác, việc xây dựng chính sách thường được thực hiện theo cách tiếp cận từ trên xuống mà không quan tâm đến thực tế tại địa phương, nên khi được ban hành các quy định này thường “vênh” so với thực tế, rất khó áp dụng. Từ năm 2005 - 2013, JICA đã hợp tác với Bộ TN&MT Việt Nam thực hiện 7 Dự án trong lĩnh vực môi trường gồm: Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia; Tăng cường năng lực kiểm kê quốc gia khí nhà kính tại Việt Nam; Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH tại Việt Nam (SP-RCC); Chương trình Tăng cường năng lực ứng phó với thảm họa tự nhiên do BĐKH gây ra; Chương trình giám sát tầng ô zôn và hơi nước cận xích đạo; Chương trình bước đầu nghiên cứu dự báo thủy - khí quyển (MAHASRI).

PV: Trước đây, Nhật Bản đã từng đối mặt với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tăng trưởng kinh tế quá nhanh. Tuy nhiên, Nhật Bản đã có những chính sách khắc phục ô nhiễm môi trường để trở thành một nước có môi trường sạch, đẹp như hiện nay. Vậy theo ông, Việt Nam cần phải có những bước đi như thế nào để giải quyết những thách thức về môi trường mà vẫn phát triển kinh tế?

Ông Fumihiko Okiura: Nhật Bản đã từng gặp phải những vấn đề về ô nhiễm môi trường, thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở Việt Nam hiện nay. Thời điểm đó, người dân Nhật Bản đã mắc phải những bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường, do nước thải từ các khu công nghiệp gây ra như bệnh Minamata vào những năm 1960. Nhật Bản đã từng phải trả giá đắt do phát triển kinh tế quá nhanh. Sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã nhận ra được tầm quan trọng của vấn đề BVMT và xây dựng những chính sách phù hợp. Điều quan trọng chúng tôi đã nhận ra, phát triển kinh tế và BVMT không phải là hai vấn đề đối lập, mà ngược lại cùng song hành, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển. Ví dụ, ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản thành công là do đạt được những yêu cầu khắt khe về môi trường và xâm nhập được vào thị trường của Mỹ. Họ đã sáng tạo ra những công nghệ, những loại xe giảm thiểu được khí thải, đồng thời, đảm bảo được mục đích kinh tế. Đó chính là phát triển kinh tế gắn với BVMT và cũng là mục tiêu của phát triển bền vững.

PV: Thưa ông, thời gian tới, Nhật Bản nói chung và JICA nói riêng sẽ có những hoạt động gì để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác BVMT?

Ông Fumihiko Okiura: Vừa qua, trong chuyến thăm Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Nguyễn Minh Quang đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản. Hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng cácbon thấp. Đó là bằng chứng cho thấy, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với BĐKH. JICA đang trong quá trình thảo luận với Bộ TN&MT Việt Nam để đưa ra những hướng phát triển tiếp theo trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Giáng Hương (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí MT, số 7/2013

Ý kiến của bạn