Banner trang chủ

Hoang mang vì nước nhiễm xăng, dầu

17/10/2016

     Cuộc sống của hàng chục hộ dân tại thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) thời gian gần đây bị đảo lộn khi hằng ngày họ phải chạy khắp nơi mua nước, xin nước về dùng vì các giếng nước trong thôn đều bị ô nhiễm xăng, dầu.

 

Người dân thôn Quỳnh Ngọc hàng ngày phải đi xin nước sinh hoạt

 

     Giếng nước nhà ông Phạm Đình Dương ở thôn Quỳnh Ngọc đào sâu hơn 30 mét từ nhiều năm nay vẫn sử dụng tắm giặt, ăn uống bình thường, thế nhưng từ tháng 7/2016 gia đình ông không dám dùng nguồn nước này để sinh hoạt khi nước bơm lên có mùi xăng, dầu hôi nồng nặc. 

     Ông Dương cho biết: “Từ mấy tháng nay gia đình tôi phải đi mua nước về ăn uống chứ không dám dùng nước giếng vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Chúng tôi đã có kiến nghị lên xã, huyện xem xét để xử lý nguồn nước giúp người dân sớm ổn định lại cuộc sống”. 

     Được biết, mỗi ngày gia đình ông Dương bỏ tiền ra mua nước bình với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/bình 20 lít để ăn, uống. Riêng nước sinh hoạt, người nhà phải thay nhau vào chở nước giếng cách nhà khoảng 1km hoặc dùng nước mưa hứng được để sử dụng. 

     Vì sợ ảnh hưởng sức khỏe của gia đình nên khi nghe nguồn nước bị ô nhiễm bà Phạm Thị Phức (80 tuổi) người trong thôn Quỳnh Ngọc nói con cháu mua một máy lọc nước với giá 7 triệu đồng rồi xin nước nơi khác về  lọc để ăn, uống, chứ không dám dùng nước giếng của gia đình vì có mùi hôi xăng, dầu. 

     Ngay sau khi phát hiện nước giếng khoan, giếng đào có hiện tượng lạ như: Nước bơm lên vẫn trong nhưng một lúc thì xuất hiện lớp váng trên bề mặt, khi rửa tay, rửa mặt thì có cảm giác da bị nhờn, gửi bằng mũi có mùi hôi xăng, dầu rất khó chịu, người dân đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp. 

     Theo phản ảnh của người dân, nguồn nước khu vực chợ Quỳnh Ngọc từ khi thành lập chợ đến nay khoảng hơn 20 năm không hề bị ô nhiễm. Thế nhưng vào khoảng đầu tháng 7/2016 đến nay, một số hộ dân phát hiện nguồn nước tại giếng đào và giếng khoan nhà mình bị ô nhiễm nặng và không thể sử dụng. Lúc đầu, chỉ có giếng của một số hộ ở liền kề cửa hàng xăng, dầu của gia đình ông Quách Văn Hải có hiện tượng ô nhiễm. Về sau, số giếng bị ô nhiễm ngày càng tăng lên và phạm vi ô nhiễm ngày càng rộng ra. Là hộ duy nhất có cửa hàng kinh doanh xăng, dầu sau khi nghe phản ánh của bà con trong thôn, ông Hải đã thuê người về thay các bồn chứa xăng dầu nhưng hiện tượng ô nhiễm vẫn không hết. 

     Ông Nguyễn Đức Chơn - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết, khi nhận được đơn thư của bà con, xã đã báo cáo lên UBND huyện Krông Ana và ngày 22/7, huyện Krông Ana đã thành lập đoàn liên ngành đến kiểm tra thực tế và phát hiện nước tại 18 giếng nước của 18 hộ dân ở thôn Quỳnh Ngọc đều có mùi hôi nồng khó chịu. 

     Ngày 10/8, Sở TN&MT đã xuống lấy 6 mẫu tại 5 giếng khoan để phân tích, kết quả tất cả các mẫu nước đều có váng nổi trên bề mặt, nước có mùi hắc khó chịu và bị nhiễm dầu mỡ khoáng có hàm lượng từ dưới 0,3 mg/lít đến 2,72 mg/lít. Sở TN&MT nhận định nguyên nhân ô nhiễm có thể xuất phát từ cây xăng dầu hoặc từ khu vực chợ Quỳnh Ngọc. Theo kết quả xét nghiệm ngày 24/8 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho thấy, cả 3 mẫu nước lấy ở thôn Quỳnh Ngọc đều có mùi xăng, dầu và không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt. 

     Dựa vào kết quả xét nghiệm, phân tích nguồn nước của các đơn vị, ngày 19/9, UBND tỉnh Đắk Lắc đã có văn bản chỉ đạo huyện Krông Ana và xã Ea Na thông báo cho các hộ gia đình có giếng nước bị ô nhiễm, các hộ xung quanh khu vực nghi ô nhiễm không sử dụng nguồn nước để ăn uống, sinh hoạt, sản xuất hoặc chế biến thực phẩm; đồng thời phối hợp với Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh khảo sát, kiểm tra và có giải pháp cấp nước sạch cho các hộ dân bị ô nhiễm sử dụng. 

     UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Công thương và các ngành liên quan kiểm tra việc chôn lấp các bồn chứa xăng, dầu của hộ ông Quách Văn Hải; đồng thời khảo sát, kiểm tra tìm nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực chợ Quỳnh Ngọc để có biện pháp khắc phục, ổn định cuộc sống của nhân dân địa phương. Trong khi chờ các ngành các cấp vào cuộc thì đến thời điểm này cuộc sống của người dân thôn Quỳnh Ngọc vẫn lao đao vì thiếu nước sạch.

 

Theo daidoanket.vn

Ý kiến của bạn