Banner trang chủ

Hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng mạnh

15/08/2018

     Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam “hứng” về hơn 4 triệu tấn phế liệu các loại. Hiện nay, chỉ tính riêng số lượng không đủ điều kiện thông quan tại hai cảng Cát Lái, Hải Phòng lên đến hơn 4 nghìn container, hầu hết đã quá 90 ngày và chờ tái xuất.

     Cũng theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.

     Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan đã chủ động, quyết liệt trong công tác quản lý giám sát mặt hàng phế liệu nhập khẩu thực hiện đúng quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về BVMT, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5290/VPCP-KTTH ngày 5/6/2018 về việc quản lý chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, đơn vị nghiệp vụ của ngành Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu BVMT theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng và triển khai ngay các kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.

 

Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu

 

     Tuy nhiên, các đối tượng, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đã bất chấp và liều lĩnh làm giả giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu; làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền; làm giả, sửa chữa giấy xác nhận ký quỹ nhập khẩu phế liệu; cung cấp văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu không hợp lệ (làm giả hoặc pháp nhân cung cấp văn bản chứng nhận không có chức năng)…

     Điển hình là vụ việc vi phạm nghiêm trọng của Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1094/GCN-STNMT ngày 14/9/2015 và các văn bản Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan để nhập khẩu qua cảng Sài Gòn Khu vực 1, Khu vực 3 - TP. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 635 tờ khai với tổng khối lượng là 13.046,252 kg, tổng trị giá theo khai báo 35.537.993.380 đồng.

     Sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 154 - Bộ Luật Hình sự năm 1999, Điều 189, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định số 07/QĐ-ĐTCBL và Quyết định số 08/QĐ-ĐTCBL ngày 17/7/2018 về việc khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

     Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, cá nhân liên quan. Trên tinh thần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở của cơ chế để nhập khẩu phế liệu không đúng quy chuẩn, quy định hiện hành của Việt Nam, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện nghiêm túc, buộc tái xuất theo quy định của Nhà nước và thông lệ quốc tế.

 

Hồng Nhung (Theo nhandan.com.vn)

Ý kiến của bạn