29/01/2019
Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986 đến nay, qua các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, nhận thức và quan điểm của Đảng về kinh tế thị trường (KTTT) và thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã được xây dựng và hoàn thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước qua từng giai đoạn. Đại hội lần thứ XII, Đảng kiên định đường lối phát triển kinh tế dựa trên mô hình KTTT định hướng XHCN. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định là "tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là một mục tiêu quan trọng".
Để phù hợp với định hướng và mục tiêu chung của Đảng về hoàn thiện thể chế KTTT đối với các lĩnh vực quản lý tài nguyên (QLTN), BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cần tiếp tục đổi mới quản lý trên cơ sở vận dụng các quy luật, nguyên tắc và biện pháp của KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH
Thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH, bao gồm: Hệ thống quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho hình thành, phát triển các yếu tố thị trường, thị trường và hoạt động của các chủ thể thị trường; điều tiết hành vi của các chủ thể trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc, quy luật của KTTT; Hệ thống tổ chức bộ máy, nhân lực và cơ chế phối hợp, thực thi của Nhà nước để hoạch định, quản lý, giám sát các chính sách, pháp luật về QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH; Hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), xã hội - nghề nghiệp hoạt động với vai trò phản biện, giám sát thực thi pháp luật, chính sách và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, các chủ thể của thị trường trong các vấn đề liên quan.
Vai trò của Nhà nước trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam gồm: Xây dựng, thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và BĐKH; Định hướng, tạo môi trường, khởi xướng và tạo đà để hình thành, vận hành các yếu tố thị trường, các dạng thị trường trong lĩnh vực QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH theo hướng bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; Phân bổ hiệu quả các nguồn lực, định hướng, điều tiết các hoạt động tìm kiếm, khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững; huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác BVMT và ứng phó với BĐKH trong nền KTTT; Nhà nước vừa là chủ thể quản lý, đồng thời cũng là chủ thể tham gia vào các quan hệ thị trường, mọi hoạt động điều hành phải tuân thủ các nguyên tắc, quy luật của KTTT; Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đối với công tác QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH trong nền kinh tế.
Phát huy vai trò của các tổ chức CT-XH trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức CT-XH đóng vai trò bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đoàn kết, phản biện xã hội trong công tác QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân theo quan điểm của thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam
Những thành tựu đạt được
Thời gian qua, với nội dung của thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam đã đạt được những kết quả như: Tiếp cận thị trường trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH trở thành xu thế chủ đạo và ngày càng hoàn thiện; Các dạng thị trường trong lĩnh vực QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH bước đầu được hình thành, vận hành, phát triển; Nhà nước đã phát huy vai trò trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với yêu cầu, thực tiễn phát triển của nền kinh tế như phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế; bắt đầu vận dụng các công cụ dựa vào thị trường trong công tác QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH; Hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và BĐKH ngày càng hoàn thiện và phù hợp với yêu cầu của thể chế KTTT; Hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường và BĐKH đã và đang được hoàn thiện, một số lĩnh vực đang hướng đến xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên kinh tế số; Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức CT-XH đã được phát huy và có những đóng góp nhất định.
Hạn chế và nguyên nhân
Thực tiễn xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN so với yêu cầu của những nguyên tắc cơ bản nền KTTT thì các lĩnh vực thuộc QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH còn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục, cụ thể:
Một là, hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu của thể chế KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế, chưa có những đột phá để huy động nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực ngoài Nhà nước.
Hai là, các yếu tố thị trường, quan hệ thị trường chưa được thiết lập đồng bộ, trong lĩnh vực QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH, tính cạnh tranh trên thị trường còn yếu, thiếu minh bạch và hiệu quả thấp. Giá cả của đất đai, tài nguyên và các dịch vụ về tài nguyên, môi trường chưa đáp ứng so với nguyên lý của KTTT, phần lớn vẫn được ban hành bởi quyết định hành chính dẫn đến giá cả thuộc lĩnh vực TN&MT trên thị trường chưa phản ánh đúng giá trị, không phù hợp với các quy luật của thị trường.
Ba là, vai trò của Nhà nước trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH chưa được phát huy đầy đủ. Cách thức phân bổ, sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn mang dấu ấn của cơ chế kế hoạch hóa tập trung.Vai trò nhà nước trong tạo dựng, hỗ trợ phát triển, giám sát, điều tiết các cấp độ thị trường, các dạng thị trường còn yếu, thiếu thông tin dẫn đến tình trạng thất thu ngân sách, đầu cơ về đất đai, tài nguyên.
Bốn là, chưa phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Viêt Nam và các tổ chức CT-XH trong phản biện, giám sát thực thi chính sách pháp luật, huy động nguồn lực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong các vấn đề QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam
Hoàn thiện thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam cần phải dựa trên các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp:
Thứ nhất, về quan điểm của hoàn thiện thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH: Đây là yêu cầu khách quan để tạo ra các động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác QLTN, BVMTvà chủ động ứng phó với BĐKH; Cần rà soát, loại bỏ các rào cản của hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực thuộc ngành TN&MT; Người dân, doanh nghiệp là trọng tâm hướng đến của quá trình hoàn thiện thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo phát triển; Cần chú ý đến sự ổn định, bền vững trong nước, đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ hai, mục tiêu tổng quát phải “Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy, đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH bảo đảm phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng, điều kiện thực tiễn của Việt Nam về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, góp phần tạo ra những động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.
Thứ ba, các nhiệm vụ và giải pháp cần phải tập trung để đạt được mục tiêu và đáp ứng được các quan điểm về hoàn thiện thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH gồm: Tăng cường nghiên cứu, quán triệt, thống nhất nhận thức về hoàn thiện thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội về nền KTTT và sự cần thiết phải hoàn thiện thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, đảm bảo phát triển đồng bộ, minh bạch các yếu tố thị trường, các cấp độ thị trường trong lĩnh vực QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH; Đổi mới vai trò của Nhà nước trong định hướng, phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH trong nền KTTT; Tăng cường vai trò của các công cụ dựa vào thị trường, cơ chế tài chính để điều tiết, thúc đẩy khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH; giải quyết các khiếm khuyết của thị trường. Thực hiện nhất quán nguyên tắc thị trường đóng vai trò chủ yếu và lấy cạnh tranh làm động lực, hiệu quả kinh tế là mục tiêu hướng đến; Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực trong ngành TN&MT, cơ chế thực thi, giám sát đáp ứng yêu cầu của thể chế KTTT.
Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức CT-XH trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với thể chế KTTT ở Việt Nam.
Nhìn chung, hoàn thiện thể chế KTTT trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH cần được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện đồng bộ đối với ngành TN&MT để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, TS. Lại Văn Mạnh, Nguyễn Hữu Đạt
Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)