05/08/2020
Ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU (gọi tắt là Hiệp định), sau khi Nghị viện EU thông qua vào tháng 2/2020. Đây là nền móng cho tăng cường xuất khẩu sang thị trường EU đầy tiềm năng và tăng thu hút đầu tư từ khối kinh tế lớn này.
Theo Ngân hàng Thế giới, Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tăng 2,4% GDP và tăng 12% xuất khẩu từ nay đến năm 2030. Đây là một trong những Hiệp định tự do thuơng mại toàn diện nhất mà EU ký kết với một quốc gia đang phát triển. Hai bên sẽ xóa bỏ phần lớn thuế nhập khẩu, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm các vấn đề phát triển bền vững.
Việt Nam là đối tác thương mại EU lớn thứ hai trong khối ASEAN, sau Singapo. Giao thương hàng hóa và dịch vụ lên đến 54.1 tỷ Euro (61.1 tỷ đô Mỹ) trong năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam sang EU là dệt may, sản phẩm điện tử, gạo, cà phê, thủy sản và đồ nội thất. Việt Nam nhập khẩu máy bay, ô tô xe máy và dược phẩm từ EU. EU là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 6,1 tỷ Euro (6,9 tỷ đô Mỹ) năm 2017, chủ yếu vào lĩnh vực chế tạo và quá trình công nghiệp.
Ngoài các cam kết về tự do thương mại và các vấn đề liên quan như lao động, Hiệp định yêu cầu EU và Việt Nam thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các công ước đa phương về môi trường. Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể từ khi bắt đầu đàm phán năm 2012. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức về môi trường.
Tổ chức Giám sát các bon cho rằng, các nỗ lực hiện tại của Việt Nam (cam kết cắt giảm khí nhà kính 8% so với kịch bản phát triển thông thường khi không có hỗ trợ quốc tế và 25% khi có hỗ trợ quốc tế) là chưa thỏa đáng. Xu thế tăng tỷ trọng than và khí trong sản xuất điện lên tới 57% vào năm 2030 sẽ khó phù hợp với cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam có thể gặp rủi ro là EU sẽ áp thuế các bon đối với các hàng nhập khẩu từ các nước không có chính sách định giá các bon (bao gồm thuế các bon và hạn ngạch phát thải).
Bên cạnh đó, do ô nhiễm nước khiến chất lượng nông thủy sản nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi thị hiếu người tiêu dùng EU, những khách hàng vỗn dĩ rất kỹ càng trong xem xét chất lượng nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, nếu không được xử lý, vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không quy định (IUU) có thể sẽ kéo dài "thẻ vàng" cảnh cáo do EU đang áp dụng với thủy sản nhập từ Việt Nam. Việc này sẽ ảnh hưởng đáng kế đến xuất khẩu thủy sản.
EU có tiêu chuẩn cao về môi trường cho các mặt hàng nhập khẩu. Ví dụ như, các sản phẩm dệt may nhập khẩu vào thị trường EU cần tuân thủ quy định chặt chẽ về sử dụng chất tẩy rửa có thể phân hủy sinh học và không chứa Nonyl Phenols (NP), Nonyl Phenol Ethoxylates (NPEs). Các sản phẩm phải tuân thủ quy định về hàm lượng kim loại nặng, khả năng tái chế và nhãn thông tin cho bao bì đóng gói. Các yêu cầu này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam có những nỗ lực lớn trong cải thiện các hoạt động BVMT. Ngoài ra, các yêu cầu về khai thác và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên rừng, vệ sinh an toàn sinh học, các yêu cầu xóa bỏ hàng rào phi thuế quan trong thương mại và đầu tư trong năng lượng tái tạo...cũng sẽ đòi hỏi cải cách mạnh mẽ và nâng cao năng lực thể chế. Các bất cập của Luật BVMT hiện tại đặt ra nhiều thách thức trong công tác BVMT khi các hoạt động công nghiệp, khai thác gia tăng cùng với gia tăng thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể vượt qua các thách thức này thông quá chính sách hợp lý và kịp thời. Giải pháp thể hiện cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris bao gồm xác lập các mục tiêu cao hơn trong đóng góp giảm phát thải khí nhà kính tự nguyện của quốc gia. Tiếp theo, cần ban hành thuế các bon với nhiên liệu hóa thạch và thiết lập thị trường phát thải với ngành công nghiệp phát thải cao như sản xuất thép và xi măng. Tăng tỷ trọng điện từ nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia thời gian tới cũng sẽ giúp đạt được mục tiêu giảm phát thải.
Sửa đổi Luật BVMT năm 2014 sẽ giúp tăng cường năng lực thế chế. Thiết lập và thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, quychuẩn môi trường sẽ góp phần giảm ô nhiễm nước và nâng cao chất lượng nông thủy sản. Việt Nam thể cam kết cao thông qua các quy định nghiêm về buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, tạo điều kiện giao thuơng hàng lâm sản được khai thác từ rừng được bảo vệ và quản lý bền vững. Từ đó, người tiêu dùng và giới đầu tư EU sẽ tăng niềm tin vào chuỗi sản xuất và cung ứng của Việt Nam.
Giáo dục và đào tạo môi trường, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp nâng cao nhận thức và năng lực để đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường cao của EU. Nâng cao nhận thức cho các ngư dân, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và áp dụng các công nghệ quan trắc tiên tiến sẽ giúp giải quyết vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không quy định. Một số nước ASEAN khác như Thái lan, Philipin, Campuchia, Malaixia… cũng đang gặp vấn đề trên. Là Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2020, Việt Nam có thể chủ trì đẩy mạnh hợp tác ASEAN trong cùng giải quyết vấn đề chung này trong thời gian tới
Các giải pháp nêu trên sẽ giúp Việt Nam khai thác tối đa lợi ích của Hiệp định tự do thương mại và bảo hộ đầu tư với EU, đặc biệt là trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19. Điều này cũng khẳng định cam kết của Chính phủ trong đáp ứng các nhu cầu ngày một tăng của cộng đồng về cải thiện tiêu chuẩn và chất lượng môi trường. Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "Phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT và phát triển xã hội, đảm bảo phát triển bền vững" là kim chỉ nam cho các nhà hoạch định chính sách.
TS. Đỗ Nam Thắng
Đại học Quốc gia Ôxtrâylia
(Theo Diễn đàn Đông Á)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)