Banner trang chủ

Hiểm họa môi trường

17/10/2016

     Môi trường vẫn đang nổi lên là vấn đề nóng của xã hội. Nhiều giải pháp, nhiều quyết tâm đã được đưa ra nhưng tình hình vẫn rất phức tạp. Ô nhiễm môi trường có thể gây họa trước mắt, nhưng cũng có thể ngấm ngầm để lại di họa lâu dài.

 

Ô nhiễm môi trường khói bụi

 

     Thanh tra đột xuất việc xả thải ở Công ty cổ phần DAP-Vinachem

     Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định số 2243/QĐ-BTNMT về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần DAP-Vinachem, tại Khu công nghiệp Đình Vũ, TP. Hải Phòng.

     Đoàn tranh tra sẽ đánh giá toàn diện công tác quản lý nhà nước và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực môi trường của Công ty: Việc triển khai các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, chương trình quan trắc, giám sát môi trường; thực hiện nội dung các giấy phép khai thác tài nguyên nước, xả nước thải…

     Trên cơ sở kết quả thanh tra, Đoàn Thanh tra sẽ làm việc với các cơ quan liên quan, UBND TP. Hải Phòng..., thống nhất phương án giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị, yêu cầu và bức xúc của người dân sống gần khu vực dự án.

    Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết đã có bài: “Núi chất thải uy hiếp người dân”, phản ánh về việc, núi chất thải nhà máy sản xuất phân bón của Công ty DAP-VINACHEM là “quả bom” chất thải uy hiếp môi trường, sức khỏe, tính mạng của nhân dân địa phương. Dự án Nhà máy sản xuất phân bón của Công ty DAP-VINACHEM tại khu công nghiệp Đình Vũ có diện tích 72 ha, công suất 330.000 tấn/năm.

   Theo công suất thiết kế thì bãi chứa chất thải có diện tích 10 ha, và chỉ được phép chứa tạm thời trong thời hạn không quá 3 năm. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, sản xuất phân bón, nhà máy này thải ra khối lượng chất thải rắn thạch cao (Gyps) quá lớn, khiến bãi thải của nhà máy trở nên quá tải, cao sừng sững như một ngọn núi. Đến thời điểm hiện tại, núi thải đã vượt diện tích lên tới 13 ha và quá thời hạn 2 năm, nhưng nhà máy không có biện pháp xử lý triệt để.

     Theo người dân địa phương, từ khi nhà máy hoạt động đến nay, nước thải từ bãi thải rò rỉ ra môi trường cực độc, nồng nặc mùi a xít khiến môi trường xung quanh bị hủy hoại. Bãi thải của Công ty đã 4 lần gây ra sự cố môi trường.

     Kết luận thanh tra ngày 10/5/2016 của Tổng cục Môi trường về việc bảo vệ môi trường đối với Công ty DAP-VINACHEM đã chỉ rõ: Bãi Gyps phát sinh từ nhà máy theo thiết kế khoảng 50.000 tấn/tháng được thu gom bằng hệ thống băng tải đưa ra bãi chứa Gyps tạm thời. Tuy nhiên, Công ty chưa thực hiện đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

     Thiếu nước sạch, ô nhiễm bụi than

    Hàng chục hộ dân sống dọc đường Nguyễn Bá Chánh (tổ 62 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) nhiều năm qua chưa có nước sạch sử dụng. Bên cạnh đó, phía cuối đường này có một xí nghiệp than hoạt động lâu năm, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Người dân trong khu vực đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

    Thông tin từ báo Đà Nẵng mô tả, ngày nắng, đoàn xe chở than đi qua để lại lớp bụi than đen xỉn dọc con đường và tụ lại trong nhà dân. Nhiều nhà phải đóng kín cửa suốt ngày, đến giờ cơm phải thả thêm lớp rèm màn. Sau khi mưa, từng lớp bụi than gặp nước quyện lại thành bùn đen tụ hai bên vệ đường. Có khoảng 40 hộ dân sống dọc đường Huỳnh Bá Chánh chịu ảnh hưởng bụi than cũng như chưa có nước sạch sử dụng.

     Ông Huỳnh Quang Trung- Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết, do vướng dự án Khu tái định cư Tây Nam làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (giai đoạn 1), có trên 10 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, nên không có mặt bằng để thi công đường ống cấp nước sạch theo quy hoạch. Đối với Xí nghiệp Than Đà Nẵng, từ năm 2013, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi đất của đơn vị này và bố trí khu đất mới tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

     Đến nay, cơ bản đã hoàn thành các thủ tục cần thiết, chỉ còn vướng một hộ gia đình có diện tích 48 m2 chưa đền bù xong. Trong thời gian chờ giải tỏa, các cơ quan chức năng quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã yêu cầu Xí nghiệp Than Đà Nẵng chấp hành các biện pháp hạn chế tối đa việc xả bụi than ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. 

 

 Rác thải sinh hoạt là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường

 

     Sống khổ trong làng tái chế chì

     Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về kế hoạch tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường và nhiễm độc chì của người dân xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

     Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT chỉ đạo, kiểm tra đánh giá mức độ ô nhiễm tại xã Chỉ Đạo, có phương án xử lý khắc phục bảo đảm điều kiện sống an toàn cho nhân dân; đồng thời tiến hành rà soát, xây dựng cơ chế chính sách xử lý tổng thể vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

     Làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm từ lâu được coi là nơi ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất tỉnh Hưng Yên. Kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy hàm lượng chì trong môi trường đất, nước ngầm và nước mặt tại xã Chỉ Ðạo đều vượt tiêu chuẩn của Việt Nam.

     Kết quả xét nghiệm nồng độ chì trong máu cho 618 người, trong đó 283 người lớn và 335 trẻ em (tại làng nghề Ðông Mai) cũng cho thấy có đến 207 trẻ em bị ngộ độc chì ở mức độ nhẹ. Người dân rất lo lắng bởi tình trạng ô nhiễm làng nghề ngày càng nghiêm trọng, sức khỏe của nhân dân ngày càng giảm sút.

     Được biết, UBND tỉnh Hưng Yên đã triển khai các giải pháp như bố trí 21ha đất để đưa Cụm công nghiệp làng nghề xã Chỉ Ðạo ra khỏi khu dân cư; đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung công suất 800 m3/ngày đêm, để cấp nước sạch cho 100% số hộ dân thôn Ðông Mai. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã khảo sát, đo hàm lượng chì trong đất sân, vườn nhà của 536 hộ từng tái chế chì; khám, điều trị thải độc cho hơn 150 trẻ em tại thôn Ðông Mai bị ngộ độc chì.

     Nỗi ám ảnh về đêm 

     Đã nhiều năm qua, mỗi khi màn đêm buông xuống, nỗi ám ảnh của người dân huyện Kinh Môn (Hải Dương) lại xuất hiện. Họ không những chịu cảnh tra tấn bởi tiếng còi, ồn inh tai nhức óc của từng đoàn xe quá tải nườm nượp chở than chạy rầm rập… mà còn phải hít thở không khí ô nhiễm nặng nề được xả ra từ các công ty, nhà máy hoạt động hết công suất.

     Theo ông Nguyễn Hải Dương- Trưởng thôn Trại Xanh, xã Duy Tân thì tình trạng xả bụi xi măng vào ban đêm và Nhà máy phía bên kia sông Kinh Thầy thuộc xã Phạm Mệnh, hàng đêm hoạt động phát sinh mùi, gây ảnh hưởng đến người dân. Thôn đã kiến nghị đến UBND xã trong các kỳ họp HĐND nhưng đã nhiều năm trôi qua, tình trạng này không được cải thiện mà ngày càng gia tăng ô nhiễm khói, bụi.

     Chủ tịch UBND xã Duy Tân, ghi nhận phản ánh người dân thôn Trại Xanh là đúng sự thật. Việc gây bụi từ các nhà máy xi măng, xã đã có ý kiến nhưng doanh nghiệp chưa thể khắc phục được 100%, còn nhà máy ở xã Phạm Mệnh thuộc địa phận khác, nên xã khó kiểm tra mà chỉ phản ánh lên cơ quan thẩm quyền huyện.

     Lãnh đạo UBND thị trấn Phú Thứ giãi bày: “Tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng đêm để xả thải nhiều hơn, cố tình vi phạm về môi trường ở huyện Kinh Môn là có thật. Chính quyền cơ sở rất mong cơ quan chức năng huyện, tỉnh tăng cường kiểm tra đột xuất, bắt quả tang và xử phạt thật nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường. Có thế, người dân mới có hy vọng được thở không khí trong lành, bình yên mỗi khi đêm về”. Chính quyền thị trấn Phú Thứ đã yêu cầu các doanh nghiệp tưới nước phun rửa đường, thường xuyên quét dọn để tránh bụi bẩn, xe chạy giảm tốc độ, không chở quá tải. 

     Theo báo TN&MT, trước ý kiến, phản đối của người dân Khu phố 2 về một số nhà máy phát sinh mùi vào ban đêm, thị trấn đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế ban đêm, những phản ánh của dân đều đúng sự thật. Nhưng để đánh giá cụ thể về mức độ ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường và xử lý các doanh nghiệp này như thế nào thì thị trấn không có chức năng, thẩm quyền xử phạt.

     Xác định nguyên nhân cá hồ Tây chết bất thường

    Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây bắc trung tâm Thủ đô Hà Nội với diện tích hơn 500 ha. Hồ Tây là “lá phổi” điều hòa khí hậu cho Thủ đô và cũng nơi vui chơi, giải trí, tạo cảnh quan cho bộ mặt Hà Nội. Nhiều năm qua, do lượng nước thải đổ xuồng hồ quá lớn nên nguồn nước trong hồ bị ảnh hưởng và thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết. 

     Từ ngày 1/10 xuất hiện hiện tượng cá hồ Tây bỗng dưng chết hàng loạt. Thời điểm cá chết trên diện rộng, qua kiểm tra phát hiện chỉ số oxy tầng nước mặt = 0, lượng Amoni tăng gấp 24 lần so với quy định. Nhiều lực lượng được huy động để trục vớt cá chết, trả lại môi trường bình thường cho hồ.

     Tại thời điểm này, lãnh đạo TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc, xác định chính xác nguyên nhân cá chết. Hồ Tây đã có dự án thu gom, xử lý nước thải từ nhiều năm nay, có 2 nhà máy xử lý nước thải nhưng vẫn còn hiện trạng các hộ sản xuất, kinh doanh xả nước thải ra hồ. Đây là vấn đề mà UBND quận Tây Hồ và TP sẽ kiên quyết xử lý.

     Ngoài ra, TP. Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo môi trường ở Thủ đô, như tiếp tục cải tạo nước ở 17 hồ; đầu tư trạm xử lý nước thải ở thượng lưu sông Tô Lịch...

     Liên quan đến vụ việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP. Hà Nội tập trung xử lý, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra sau hiện tượng cá chết hàng loạt và làm rõ nguyên nhân.    

 

Theo daidoanket.vn

Ý kiến của bạn