Banner trang chủ

Hội nghị quốc tế về chống buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép

18/11/2016

     Trong 2 ngày 17 - 18/11/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quốc tế cao cấp lần thứ 3 về chống buôn bán động, thực vật hoang dã. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Sonsay Siphandone; Hoàng tử Vương quốc Anh William; Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Yury Fedotov và gần 100 đại biểu, đại diện lãnh đạo các tổ chức liên Chính phủ, tổ chức quốc tế.

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị

 

     Mục đích của Hội nghị nhằm thể hiện cam kết quốc tế ở mức cao nhất trong việc chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã. Đồng thời, đánh giá thực hiện “Tuyên bố London và Kasane” về chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật. Đây cũng là dịp để xác định những tồn tại, thách thức của việc thực hiện các hành động trong các tuyên bố và là diễn đàn để các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục đưa ra các cam kết cũng như xây dựng Kế hoạch hành động ưu tiên chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trong thời gian tới.

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học (ĐDSH) và vai trò của các loài động, thực vật hoang dã đối với con người, nhất là trong việc cung cấp các dịch vụ sinh thái, điều hòa nguồn nước, sức khỏe, kinh tế và phòng chống thiên tai, do đó, Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo vệ ĐDSH, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm. Việt Nam cũng là quốc gia tiên phong tham gia các Công ước của Liên hợp quốc về ĐDSH; Công ước phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; Ưu tiên thành lập các lực lượng chuyên trách thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này như: Kiểm lâm, cảnh sát môi trường, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường...

     Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngăn chặn hoạt động buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã, quý hiếm là vấn đề toàn cầu. Để bảo vệ hiệu quả các loài động, thực vật hoang dã, cộng đồng quốc tế cần có cách tiếp cận tổng thể, trong đó chú trọng và thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Hoàn thiện thể chế, pháp luật và thực thi hiệu quả pháp luật; Xóa bỏ các thị trường tiêu thụ bất hợp pháp, thực hiện các chiến dịch giảm và không còn tiêu dùng động, thực vật hoang dã trái phép; Phát triển sinh kế bền vùng cho cộng đồng dân cư sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên và tăng cường hợp tác, điều phối quốc tế.

     Theo Báo cáo tình hình tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã thế giới của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) vào tháng 5/2016, quy mô toàn cầu của hình thức tổ chức tội phạm xuyên quốc gia là rất nghiêm trọng, với gần 7.000 loài khác nhau trong hơn 164.000 trường hợp bị bắt giữ, liên quan đến 120 quốc gia. Vì vậy, thế giới phải có những hành động kịp thời để ứng phó với sự thiếu hụt thông tin, luật pháp, các quy định pháp luật và năng lực để giải quyết vấn nạn này.

     Ông Jorge Rios, Quản lý Chương trình toàn cầu của UNODC về chống buôn bán động vật hoang dã và tội phạm rừng cho biết, UNODC vẫn đang hỗ trợ các quốc gia trong quản lý hiện trường vụ án và kỹ thuật giá định động, thực vật hoang dã thông qua việc phát hành "Hướng dẫn thực hành về giám định nhận dạng gỗ", nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng khoa học pháp y trong công tác đấu tranh chống tội phạm vi phạm lâm Luật. Bên cạnh đó, UNODC cũng đang hợp tác với các tổ chức khác để xây dựng Mạng lưới giám định động vật hoang dã châu Phi; Tiếp tục xây dựng bộ công cụ phân tích ICCWC về phòng chống buôn bán động, thực vật hoang dã trên 17 quốc gia để đưa ra các khuyến nghị và hành động cho cán bộ thực thi pháp luật, truy tố, tư pháp và lập pháp xem xét dựa trên bằng chứng. Ngoài ra, UNODC cũng đang thực hiện các hoạt  động liên quan đến mối quan hệ giữa tội phạm động vật hoang dã và rửa tiền như mở các khóa đào tạo cho các cơ quan liên quan ở Kenya, Tanzania, Việt Nam, Philippin về chống rửa tiền và kỹ thuật điều tra tài chính, thu hồi tài sản do phạm tội…

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Trong thời gian tới, UNODC cam kết tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực và đào tạo chuyên môn cho các quốc gia là điểm cung cấp, trung chuyển, tiêu thụ và những nơi bị ảnh hưởng bởi loại hình tội phạm này, cụ thể: Đẩy mạnh hỗ trợ trao đổi thông tin nghiệp vụ liên khu vực giữa châu Phi và châu Á cho các quốc gia trọng điểm dọc theo chuỗi cung ứng của tội phạm hình sự buôn bán động thực vật hoang dã; Đẩy mạnh nâng cao nhận thức và năng lực về khoa học giám định động, thực vật hoang dã và tăng cường tiếp cận các dịch vụ pháp lý liên quan đến động vật hoang dã; Tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu "SHERLOC" - Khuôn khổ soạn thảo pháp lý được truy cập công khai và điều luật liên quan đến vụ việc vi phạm lâm luật và động vật hoang dã.

 

Hồng Nhung

 

Tuyên bố chung của các tổ chức bảo vệ động, thực vật hoang dã tại Việt Nam

     1. Chúng tôi, đại diện các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ động, thực vật hoang dã và đấu tranh chống lại tội phạm hoang dã, nhất trí cùng đưa ra tuyên bố sau:

     2. Là một cộng đồng đang hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi cam kết hợp tác, phối hợp trong nỗ lực chống lại nạn săn bắt, buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép; Giải cứu, chăm sóc động vật hoang dã, vận động chính sách và thực thi pháp luật, giáo dục, thay đổi hành vi để bảo vệ động, thực vật hoang dã quy mô hơn. Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam hãy đồng hành cùng chúng tôi cũng như cộng đồng quốc tế để chấm dứt nạn buôn bán động, thực vật trái phép.

     3. Chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị Quốc tế về Buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại Hà Nội. Điều này cho thấy Việt Nam cam kết giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã ở cấp cao nhất.   

     4. Chúng tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã đồng ý thông qua nhiều giải pháp, hiệp ước và tuyên bố trong khuôn khổ hành động quốc tế về chống buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép. Chúng tôi đánh giá cao các cam kết này. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các cam kết sẽ được thể hiện qua những hành động cụ thể, được tiến hành sâu rộng cả về quy mô lẫn cấp độ.

     5. Chúng tôi kiến nghị các Bộ liên quan, lãnh đạo các cấp và UBND các tỉnh đưa vấn đề buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép là vấn đề lnghiêm trọng và ghi nhận việc đánh giá Viêt Nam là điểm xuất phát, trung chuyển và thị trường tiêu thụ của mạng lưới buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép. Đồng thời, chúng tôi cũng xin kiến nghị các Bộ liên quan, lãnh đạo các cấp và UBND các tỉnh thực thi nghiêm khắc theo pháp luật của Việt Nam về bảo vệ động, thực vật hoang dã.

     6. Bên cạnh những cam kết trong nước và quốc tế về bảo vệ các loài nguy cấp, chúng tôi cũng kêu gọi  chính phủ Việt Nam:

  • Đẩy nhanh việc thông qua Bộ luật Hình sự mới. Theo đó, cơ quan thẩm quyền liên quan sẽ có quyền hạn hơn trong việc thực thi pháp luật và khởi tố những đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ động, thực vật hoang dã;
  • Xây dựng, thể chế hoá và triển khai hệ thống giám sát tội phạm động, thực vật hoang dã, bao gồm việc theo dõi các trường hợp khởi tố;
  • Thực hiện các khuyến nghị về buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại Việt Nam được đưa ra trong Phiên điều trần của Uỷ ban Công lý Động vật Hoang dã ngày 14 - 15/11/2016 tại TP. La Hay (Hà Lan);
  • Đảm bảo năng lực và nguồn lực để thực hiện kế hoạch hành động đã được thông qua tại Hội nghị các nước thành viên (COP17) của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), trong đó có các nỗ lực giảm cầu và tăng cường thực thi pháp luật để giải quyết nạn buôn bán sừng tê giác, Kế hoạch hành động quốc gia về ngà voi, tê tê và chống tham nhũng;
  • Tăng cường hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật ở những nước bị ảnh hưởng bởi nạn buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép, chia sẻ thông tin và tiến hành các cuộc điều tra liên quốc gia.
  • Tất cả các lãnh đạo và cán bộ nhà nước cần phải tiên phong trong việc không tiêu thụ các loài động, thực vật nguy cấp dưới mọi hình thức như quà biếu, thuốc chữa bệnh/thuốc tăng lực hay những đồ trưng bày

     7. Chúng tôi, những người đại diện ký tên dưới đây, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết và hành động để bảo vệ động, thực vật hoang dã và chấm dứt nạn buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép. 

 

 

Ý kiến của bạn