Banner trang chủ

Hội nghị GEF lần thứ 6 - Những định hướng bảo vệ môi trường trên toàn cầu trong giai đoạn tới

03/08/2018

     Sau một tuần diễn ra các phiên họp chính và chuỗi các sự kiện liên quan, kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) lần thứ 6 đã kết thúc tốt đẹp vào ngày 29/7/2018 tại Đà Nẵng. Đây là sự kiện quốc tế có tầm vóc và quy mô lớn nhất về tài nguyên và môi trường từ trước đến nay do Việt Nam đăng cai. Tại các kỳ họp này, nhiều vấn đề môi trường toàn cầu quan trọng đã được thảo luận và xác định giải pháp thông qua chương trình nghị sự và kế hoạch ngân sách cho chu kỳ 7, chính sách thực hiện và một số chủ đề liên ngành trọng tâm.

     Chương trình nghị sự và kế hoạch ngân sách cho chu kỳ 7

     Quá trình thương lượng về Chương trình nghị sự và kế hoạch ngân sách cho chu kỳ 7 diễn ra hơn 1 năm thông qua 4 vòng đàm phán. Đây là quá trình thương lượng phức tạp nhất kể từ khi GEF thành lập từ năm 1992 đến nay với một số lý do chính.Thứ nhất, các nước tài trợ cho GEF ngày một chặt chẽ hơn trong việc đưa ra yêu cầu sử dụng kinh phí hiệu quả. Ngoài việc chất lượng dự án, các nước tài trợ còn yêu cầu tăng tỷ lệ kinh phí đồng tài trợ từnguồn lực khác, cũng như sự tham gia của khối tư nhân. Thứ hai, việc Hoa Kỳ là nước tài trợ lớn của GEF trong các chu kỳ trước cắt giảm ngân sách hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT)nói chung và ngân sách tài trợ cho GEF nói riêng cũng ảnh hưởng đáng kể đến nguồn lực của GEF cũng như các cam kết tài trợ từ các nước khác. Thứ ba, số lượng cơ quan thực hiện của GEF từ 12 năm 2013 đã tăng lên 18 năm 2018. Các cơ quan này có những chính sách và định hướng khác nhau, dẫn đến những ý kiến không đồng nhất trong quá trình thương lượng cho chu kỳ 7. Ngoài ra, các nước nhận viện trợ cũng đã quyết liệt hơn, đòi hỏi tính chủ động và tự chủ quốc gia trong phần ngân sách phân bổ.

     Sự khác biệt về quan điểm giữa các bên liên quan đã tạo áp lực lớn trong việc đạt được thỏa thuận chung. Tuy nhiên, sau 3 ngày nhóm họp từ 24-26/6/2018, Hội đồng GEF đã thông qua Chương trình nghị sự và kế hoạch ngân sách cho chu kỳ 7 từ 1/7/2018 đến 30/6/2020. Nội dung này đã được Hội nghị Đại hội đồng GEF thông qua trong các phiên họp từ 27- 28/7/2018. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị. Theo các kế hoạch được phê duyệt, trong 4 năm tới, ngân sách GEF toàn cầu là 4,1 tỷ USD, được phân bổ cho các dự án và hoạt động quản lý hành chính. Phần kinh phí được phân bổ cho các lĩnh vực trọng tâm, gồm:Đa dạng sinh học (ĐDSH) 1,292 tỷ USD; 802 triệu USD BĐKH và 475 triệu USD cho suy thoái đất (Hình). Trong đó, phần phân bổ trực tiếp cho các nước thông qua hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) lần lượt: ĐDSH1,031 tỷ USD; BĐKH 511 triệu USD và suy thoái đất 354 triệu USD. Phần còn lại sẽ dành cho các dự án khu vực và toàn cầu. Trong 3 lĩnh vực ưu tiên được phân bổ trực tiếp cho các nước, BĐKHchịu cắt giảm nhiều nhất, khoảng 40% so với chu kỳ 6, do sự ra đời của Quỹ Khí hậu xanh GCF, một cơ chế tài chính riêng biệt cho BĐKH.

 

Nguồn: GEF Secretariat 2018

 

     Với Việt Nam, kinh phí cho chu kỳ 7 trong hệ thống STAR là 18,1 triệu USD, giảm gần 30% so với chu kỳ 6. Nguyên nhân là kinh phí cho các nước nhận viện trợ giảm, do tổng kinh phí toàn cầu giảm từ 4,43 trong chu kỳ 6 còn 4,1 tỷ USD cho chu kỳ 7. Ngoài ra, GDP là một trong những trọng số quan trọng để tính ngân sách phân bổ theo STAR, và GDP bình quân đầu người trong 4 năm qua của Việt Nam đã tăng từ 1,870 USD năm 2013 lên 2,343 năm 2017.Phần kinh phí cho Việt Nam thông qua STAR bao gồm:ĐDSH 13 triệu USD, BĐKH 3,62 triệu USD và suy thoái đất 1,39 triệu USD.

     Trong phần ngân sách thông qua STAR, các nước sẽ có quyền chủ động điều chỉnh giữa các lĩnh vực ưu tiên. 61 nước có tổng kinh phí từ STAR dưới 7 triệu đô la có thể điều chỉnh mà không có hạn mức. Các nước kinh phí STAR trên 7 triệu có thể điều chỉnh giữa các lĩnh vực trọng tâm nhưng không được quá 2 triệu đô hoặc 13% tổng kinh phí STAR, tùy thuộc con số nào cao hơn. Việt Nam nằm trong số các nước này, với mức trần có thể điều chỉnh giữa các lĩnh vực trọng tâm là 2,34 triệu USD.

     Theo đó, mục tiêu chính của 3 lĩnh vực trọng tâm trong phân bổ STAR bao gồm: tăng cường lồng ghép ĐDSH vào các lĩnh vực, cũng như sinh cảnh đất liền và trên biển; tập trung các hoạt động chính yếu bảo tồn loài và nơi cư trú của loài; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế và chính sách ĐDSH; cải tiến và chuyển giao công nghệ nhằm tạo đột phá cho năng lượng bền vững; trình diễn các phương án giảm phát thải có hiệu quả hệ thống; tăng cường điều kiện hỗ trợ lồng ghép giảm phát thải vào các chiến lược phát triển bền vững; hỗ trợ các giải pháp cụ thể nhằm quản lý đất bền vững và tăng cường điều kiện hỗ trợ thực hiện giảm suy thoái đất.

     Ngoài 3 lĩnh vực trọng tâm được phân bổ kinh phí qua STAR, GEF 7 tiếp tục hỗ trợ dự án thuộc lĩnh vực các vùng nước quốc tế, hóa chất, chất thải và quản lý rừng bền vững thông qua kinh phí ngoài STAR. Phân bổ kinh phí cho các dự án ngoài STAR sẽ duy trì theo nguyên tắc đề xuất dự án nào chất lượng tốt sẽ được xem xét trước.Mục tiêu chính của các lĩnh vực trọng tâm ngoài STAR bao gồm: Tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế biển; quản lý ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia; tăng cường an ninh nguồn nước tại các hệ sinh thái nước ngọt; các chương trình hóa chất công nghiệp, nông nghiệp; hỗ trợ các đảo quốc và các quốc gia kém phát triển và hoạt động hỗ trợ thực hiện các công ước.

     Bên cạnh đó, GEF 7 tiếp tục 3 Chương trình tổng hợp và đã triển khai từ GEF 6, bao gồm lương thực và sử dụng đất, thành phố bền vững, quản lý rừng bền vững. Kinh phí cho các chương trình này được phân bổ ngoài STAR, theo tiêu chí mức độ đóng góp vào giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

     Chính sách thực hiệncác dự án GEF

     Cũng trong kỳ họp Đại hội đồng, một số chính sách thực hiện dự án GEF cũng được thông qua, bao gồm: tỷ lệ đồng tài trợ giữa dự án GEF và các nguồn lực khác, tăng cường quan hệ đối tác trong thực hiện các dự án GEF và lồng ghép các nội dung về giới.

 

Các đại biểu quốc tế tham gia tọa đàm tại phiên bế mạc kỳ họp GEF 6

 

     Về tỷ lệ đồng tài trợ, Đại hội đồng đã thông qua việc nâng tỷ lệ5:1 trong chu kỳ 6 lên 7:1 trong chu kỳ 7, nghĩa là 1 USD viện trợ của GEF sẽ có 7 USD đồng tài trợ từ các nguồn khác, bao gồm: Chính phủ, các tổ chức quốc tế đối tác, khối tư nhân, cộng đồng. Tuy nhiên, đây là mục tiêu cho tổng các dự án do GEF tài trợ, không bắt buộc riêng từng dự án.Ngoài ra, khái niệm về đồng tài trợ cũng được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất các các nguồn lực được huy động để cùng thực hiện các dự án GEF.

     Về tăng cường quan hệ đối tác trong việc thực hiện các dự án GEF, Đại hội đồng đã thông qua đề xuất xóa bỏ yêu cầu giới hạn kinh phí dự án GEF chiếm 20% tổng kinh phí các dự án của 8 cơ quan thực hiện mới tham gia GEF. Qua đó giảm sự phân biệt giữa các cơ quan thực hiện GEF truyền thống (ngân hàng đa phương và tổ chức thuộc UN) với các cơ quan thực hiện mới của GEF (như IUCN và WWF). Nhờ chính sách mới này, các cơ quan mới của GEF sẽ có điều kiện tiếp cận và thực hiện nhiều dự án hơn.

     Đại hội đồng cũng thông qua một số chính sách liên quan đến việc tăng cường các nội dung về giới trong các dự án GEF, tham vấn với các tổ chức phi chính phủ, sự tham gia của khối tư nhân. Tuy nhiên, các nội dung này mới có tính định hướng, cần tiếp tục các văn bản cụ thể hóa.

     Có thể nói, Hội nghị Đại hội đồng GEF lần thứ 6 đã mở ra những định hướng quan trọng cho hoạt động BVMT trên toàn cầu trong giai đoạn 4 năm tới. Mặc dù không có nhiều thay đổi về các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên song sẽ cần có những cải tiến trong cách thức xây dựng đề xuất dự án và vận động tài trợ để tăng cường tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ GEF, cơ chế tài chính cho môi trường lớn nhất toàn cầu.

 

TS. Đỗ Nam Thắng

Quỹ Môi trường toàn cầu

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

 

 

Một số chủ đề liên ngành trọng tâm tại GEF 6

Trong thời gian diễn ra kỳ họp Đại hội đồng, 12 Hội nghị bàn tròn đã được tổ chức với các chủ đề liên ngành trọng tâm, bao gồm:

* Lương thực, sử dụng và phục hồi đất: Các thảo luận xoay quanh những vấn đề như mối liên quan chặt chẽ giữa an ninh lương thực và sử dụng đất, bảo tồn ĐDSH, quan hệ đối tác nhằm quản lý sử dụng đất bền vững, chống suy thoái đất. Các vấn đề và ví dụ chủ yếu tập trung vào khu vực Nam Mỹ và châu Phi.

* Thành phố bền vững: Tập trung vào giải pháp đô thị hóa bền vững, giải quyết các vấn đề tổng hợp của đô thị liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, phát thải, xử lý chất thải, thích ứng BĐKH và cơ chế tài chính cho thành phố bền vững. Dự án Diễn đàn toàn cầu về thành phố bền vững do GEF tài trợ bắt đầu từ chu kỳ 6 và sẽ tiếp tục được nhân rộng tại chu kỳ 7.

* Quan hệ đối tác thực hiện Chương trình nghị sự 2030: Đây là chủ đề rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính sách, luật pháp, cơ chế tài chính, quan hệ đối tác, công nghệ. Thảo luận đều thống nhất các nguồn lực để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 còn nhiều hạn chế và cần tiếp tục bổ sung.

* Các mục tiêu khoa học vì Trái đất: Nêu lên sự cần thiết của việc xây dựng các mục tiêu trên cơ sở khoa học liên quan đến sự bền vững của hành tinh. Đề xuất thành lập Ủy ban khoa học liên chính phủ nhằm xây dựng các mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, giống như Ủy ban liên chính phủ về BĐKH(IPCC) và mục tiêu giảm 2 độ C trong lĩnh vực BĐKH.

* Nền kinh tế tuần hoàn: Đây là lĩnh vực tiềm năng thu hút sự tham gia của khối tư nhân. Nền kinh tế tuần hoàn không những giúp giải quyết các vấn đề chất thải, đạt cácMục tiêu Phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris, mà còn tạo cơ hội lợi nhuận từ việc tái chế, tái sử dụng chất thải. Nhiều đại diện các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia đã bày tỏ quan tâm trong việc hợp tác với GEF và các Chính phủ thúc đẩy chủ đề này.

* Rác thải nhựa biển: Là một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất tại Hội nghị. Đại diện của Chính phủ Na Uy, Việt Nam, Inđônêxia, Tập đoàn Unilever, Ngân hàng Thế giới và UNEP đã trao đổi những sáng kiến như huy động nguồn lực tài chính từ các bên liên quan, thiết kế các chương trình nâng cao nhận thức và hành động cụ thể của nhà sản xuất và người tiêu dùng, thay đổi công nghệ, thiết kế và vật liệu sản phẩm. Đặc biệt, sáng kiến của Việt Nam trong việc tiên phong xây dựng chương trình khu vực vì một đại dương không rác thải nhựa đã được đánh giá cao.

* Chuyển đổi nền công nghiệp hóa chất: Các ý kiến tham luận nêu lên sự cần thiết duy trì và đẩy mạnh các hoạt động giảm ô nhiễm hóa chất, từ sản xuất đến tiêu dùng, đồng thời cần có các mục tiêu và dự án riêng biệt cho lĩnh vực này, tránh ghép chung vào các lĩnh vực khác.

* Động vật hoang dã: Thảo luận xoay quanh giải pháp chống nạn buôn bán động vật hoang dã, tác động xuyên quốc gia của các chính sách cấm buôn bán sản phẩm động vật hoang dã cũng như gắn kết giữa sinh kế của người dân địa phương và công tác bảo tồn, đặc biệt quyền lợi của người dân trong việc phát triển du lịch sinh thái.

 * Giới và Môi trường: Vai trò của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề môi trường được tái khẳng định. Các kiến nghị cụ thể để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các giai đoạn dự án môi trường cũng được thảo luận và xem xét trong các chính sách của GEF.

* Cải tiến năng lượng sạch: Để giải quyết thực trạng 1,2 tỷ người còn thiếu năng lượng và 2,8 tỷ người đang chịu ô nhiễm không khí trong nhà do sử dụng nhiên liệu than củi, cần nhiều giải pháp liên quan đến công nghệ và cơ chế tài chính bền vững, bao gồm trái phiếu xanh.

* Tài chính cho bảo tồn: Thách thức lớn nhất của bảo tồn là không đem lại lợi nhuận trực tiếp cho nhà đầu tư. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích khối tư nhân tham gia, tạo thị trường để hỗ trợ cho khối chính phủ trong đầu tư cho bảo tồn, bao gồm cả các hệ sinh thái trên biển.

   * Các vùng đất khô bền vững: các kinh nghiệm quản lý đất khô tại châu Phi được chia sẻ, với vai trò của người dân bản địa được đề cao như yếu tố chính của thành công.

Trong các chủ đề nêu trên, thành phố bền vững, nền kinh tế tuần hoàn và rác thải nhựa biển là 3 chủ đề mới nổi bật, thu hút nhiều sự quan tâm. Trong chu kỳ 7, sẽ có một số dự án tập trung giải quyết các vấn đề toàn cầu này.

 

 

                        

 

 

Ý kiến của bạn