26/10/2017
Theo Báo cáo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trung bình mỗi ngày, cả nước phát sinh 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh 20 triệu tấn/ngày, phần lớn tại các TP lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Trong khi đó, việc xử lý chất thải rắn (CTR) đô thị ở nước ta còn rất lạc hậu, chủ yếu theo hình thức chôn lấp thủ công, nên lượng CTR sinh hoạt tại các đô thị có xu thế phát sinh ngày càng tăng với mức trung bình khoảng 10%/năm… Vì vậy, một trong những đòi hỏi cấp thiết đặt ra là các Bộ, ngành, địa phương cần sớm lựa chọn, ưu tiên phát triển, ứng dụng công nghệ trong xử lý rác thải…
Đơn cử tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày 17 huyện ngoại thành Hà Nội thải hơn 2.100 tấn rác sinh hoạt. Do ưu tiên xử lý cho các quận nội thành, chỉ một phần lượng rác phát sinh ở các huyện được đưa về khu xử lý rác tập trung của TP tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn và Khu xử lý rác thải Xuân Sơn, Sơn Tây. Khu vực các huyện Mỹ Ðức, Mê Linh, Ba Vì, Thạch Thất, Phú Xuyên, mỗi ngày tồn đọng hàng chục tấn rác thải. Tuy nhiên, hầu hết các bãi chôn lấp rác tạm thời trên địa bàn đã đầy, nhiều bãi rác tồn đọng nước thải, rác đổ tràn ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường. Tại huyện Thanh Oai, nhiều bãi rác tập kết ở hai bên tuyến đường chính liên huyện, không được che chắn cẩn thận, vào những ngày nắng nóng bốc mùi hôi thối nồng nặc… Thực tế này cho thấy, nếu Hà Nội không sớm có biện pháp phân luồng hợp lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường…
CTR xây dựng
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ BVMT luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng. Nghị Quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về BVMT thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu rõ: BVMT là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại, là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong đó, giải pháp ưu tiên là thu gom, xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp; Ưu tiên tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, nhất là với các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp… Thực tế, cùng với xu thế hội nhập quốc tế, vài năm trở lại đây đã có nhiều công nghệ xử lý CTR phát điện đã được nghiên cứu phát triển và nhập khẩu vào Việt Nam như công nghệ đốt rác phát điện sử dụng tua bin hơi nước của Nhật Bản; xử lý CTR sinh hoạt bằng phương pháp sử dụng nhiệt để khí hóa và phát điện (WTE); phân loại, xử lý rác thải; sản xuất biogas, phân bón khoáng hữu cơ; xử lý CTR phát điện sử dụng lò đốt tầng sôi tuần hoàn đa tỷ trọng... bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết.
Có thể thấy, việc xử lý CTR bằng biện pháp chôn lấp không phải là giải pháp tối ưu, vừa gây lãng phí đất nhưng vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành hội nhập. Do đó, xu hướng trong xử lý CTR phù hợp là phải hướng đến tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ CTR. Vì tận dụng năng lượng từ CTR, biến CTR thành điện năng sẽ giải quyết được hai bài toán là xử lý môi trường và tận dụng năng lượng. Muốn làm được điều này, các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, ưu tiên hơn cho đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý CTR tập trung công suất lớn, công nghệ phát điện tiên tiến…
Phương Hạnh (Theo daibieunhandan.vn)