Banner trang chủ

Hà Nội: Cần thêm chiến lược và quyết tâm của các cấp, ngành, người dân để phát triển xe buýt

26/11/2019

     Thời gian qua, vận tải hành khách công cộng của Hà Nội tiếp tục có sự tăng trưởng, góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Trong đó, xe buýt không chỉ là phương tiện phục vụ vận chuyển hành khách công cộng, mà còn hướng đến mục tiêu BVMT, phát triển du lịch, góp phần xây dựng văn hóa, văn minh đô thị Hà Nội. Nhiều năm qua, để tăng cường năng lực cho mạng lưới giao thông, hệ thống hạ tầng đường sá được xây dựng, mở rộng; mạng lưới xe buýt của TP cũng được tập trung đầu tư phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại. Tuy nhiên, để vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt phát triển thì vẫn cần thêm chiến lược táo bạo và quyết tâm của các cấp, ngành cũng như người dân Thủ đô.  

     Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện TP đã có 124 tuyến buýt, trong đó có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến: 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông (đạt 42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%).

 

Thời gian qua, hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô đã đạt được những bước tiến đáng kể

 

     Vận tải hành khách công cộng tiếp tục có sự tăng trưởng, hiện tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng năm 2019 ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách. Trong đó, xe buýt đạt 510,5 triệu lượt, đáp ứng khoảng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017.

     Đáng chú ý, xe buýt Hà Nội hiện đã đạt số lượng trên 1.200 chiếc, chủng loại phong phú với xe buýt nhanh BRT; xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG; xe buýt đạt chuẩn khí thải EURO IV, V; xe City Tour… Cùng đó, xe buýt hiện nay đã có rất nhiều tiện ích như: Wifi miễn phí, hệ thống thông báo, cảnh báo bằng âm thanh, sàn thấp phục vụ người khuyết tật, người già…

     Phát triển mạnh song theo nhiều chuyên gia giao thông, để thật sự tạo được “cú huých” cho xe buýt phát triển thì còn không ít thách thức. Ông Lê Ðỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho rằng, Hà Nội từng có 5,6 km đường dành riêng cho xe buýt ở đường Nguyễn Trãi nhưng nay đã bị xóa sổ và hiện chỉ còn 1,3 km ở đường Yên Phụ nhưng cũng chưa thật sự là đường dành riêng đúng nghĩa. Trong khi quỹ đất xây dựng hạ tầng phục vụ xe buýt rất thiếu nên hành khách khó tiếp cận và phương tiện không thể di chuyển dễ dàng. Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Ðỗ Mười kiến nghị, trước hết cần tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng, với những giải pháp cương quyết, từ lãnh đạo TP xuống đến các sở, ngành và địa phương.

     Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, cần khôi phục làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số trục tuyến đủ điều kiện. Trục Nguyễn Trãi - Hà Đông là ví dụ. Theo đó, trục “xương sống” này chiếm tới 30% số tuyến trên toàn mạng xe buýt của Thủ đô. Trước đây, khi có làn đường riêng, xe buýt có thể vận hành đạt tốc độ 20 - 21km/giờ, nhưng nay chỉ còn 13 - 14 km/giờ. Nếu có làn đường riêng sẽ an toàn hơn do xe buýt không phải ra vào điểm dừng, cản trở luồng giao thông. Các phương tiện khác sẽ được tạo không gian lưu thông tốt hơn do không bị xung đột với xe buýt. Ngoài ra, ông Nguyễn Công Nhật cũng chia sẻ, có một viễn cảnh là nếu không có làn ưu tiên cho xe buýt, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi đi vào vận hành có thể chạy nhanh, tuy nhiên, khi hành khách chuyển tuyến sang xe buýt vẫn bị chậm thì sẽ khó phát huy hiệu quả.

     Được biết, nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới xe buýt để thu hút hành khách, tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết quan trọng, trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên cho xe buýt phát triển, miễn phí sử dụng xe buýt với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo... Đặc biệt, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2019, Hà Nội sẽ mở mới 21 tuyến buýt, trong đó có 4 tuyến buýt sử dụng nguyên liệu sạch, kết nối, thu gom hành khách từ khu dân cư, khu đô thị ra trục chính tại các quận, huyện.

     Cùng với việc đầu tư cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng phương tiện, Hà Nội cũng sẽ nỗ lực để người dân có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng, đồng thời, cố gắng để thời gian chờ đợi của hành khách không quá 5 - 10 phút kể cả chuyển tuyến.

 

Nam Việt (Theo Laodongthudo)

 

Ý kiến của bạn