13/02/2019
Việc sử dụng phổ biến nhựa sử dụng một lần và năng lực quản lý chất thải còn hạn chế ở Việt Nam, đang gây áp lực gia tăng từ rác thải nhựa lên môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Mức tiêu thụ nhựa tăng nhanh
Việt Nam hiện có 112 cửa sông đổ ra biển, là nguồn vận chuyển chính rác thải nhựa ra đại dương, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong 5 quốc gia ở châu Á đứng đầu về lượng rác thải nhựa đổ ra biển với khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương hàng năm.
Theo báo cáo từng giai đoạn của Hiệp hội Nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 41 kg/người năm 2015. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế.
Mỗi ngày, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi ni lông cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".
Việc nhập khẩu phế liệu nhựa đã từng bước được "kiểm soát", tuy vậy lượng phế liệu nhập khẩu vẫn tăng, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và tính đến tháng 10/2018 là 175.000 tấn.
Tăng cường quản lý
Với 80% rác nhựa biển có nguồn gốc từ đất liền, việc quản lý sản xuất các sản phẩm nhựa và tiêu thụ nhựa là quan trọng. Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Tạ Đình Thi cho biết, năm 2018, tại các hội nghị thế giới và khu vực, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và nỗ lực thực hiện sáng kiến trong quản lý rác thải biển và đại dương: đề xuất dự án “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”; đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa; thiết lập cơ sở tri thức về rác nhựa biển, nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch.
Năm 2018, Bộ TN&MT đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” quy mô toàn quốc với các thông điệp chính là các hành động đơn lẻ không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và cần tiến hành các hành động chưa từng thực hiện nhằm giảm thiểu tiêu dùng sử dụng một lần, khuyến khích tái sử dụng nhựa và nâng cao quản lý chất thải; thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp thay thế và giải pháp bền vững góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi vì một thế giới sạch hơn.
Hoàng Đàn (Theo Tinmoitruong)