03/07/2019
Theo thống kê, mỗi ngày trên địa bàn TP. Hà Nội phát sinh 600 tấn rác thải từ nhựa, chiếm 10% tổng lượng rác thải, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen, TP đặt mục tiêu thay đổi từ gốc, tức là từ chính cộng đồng sản xuất và phân phối tiêu dùng, để có thể giảm đến mức thấp nhất rác thải nhựa.
Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa. Riêng Công ty TNHH nhà nước MTV Bao bì 27-7 Hà Nội, mỗi tháng đã sử dụng đến 500 tấn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm nhựa, trong đó 60% sản phẩm phục vụ xuất khẩu, 40% tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất, Hà Nội còn có 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh... Các cơ sở này vẫn giữ thói quen sử dụng loại túi ni-lông khó phân hủy. Theo thống kê, mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội phát sinh khối lượng rác thải lớn, lên tới 6.000 tấn. Trong đó, rác thải nhựa chiếm từ 8 đến 10%, phát sinh chủ yếu trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng như bao bì ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần... đều là loại sản phẩm lâu phân hủy.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và phân phối trên địa bàn đã quan tâm triển khai các giải pháp để giảm rác thải nhựa. Ðại diện Công ty TNHH nhà nước MTV Bao bì 27-7 Hà Nội chia sẻ, đơn vị đã đầu tư dây chuyền sản xuất, công nghệ mới, đến nay đã chuyển đổi được 50% số thành phẩm sang loại bao bì thân thiện với môi trường, bao gồm túi nhựa sử dụng nhiều lần và túi giấy. Ðơn vị cam kết đến năm 2020, 100% sản phẩm của đơn vị là sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhiều hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Vinmart, Big C, Mega Market, Lotte, Sài Gòn Co.opMart... đã chuyển sang sử dụng túi cuộn tự hủy, túi ni lông tự hủy sinh học thay thế túi ni-lông sử dụng một lần. Ðồng thời, sử dụng các khay, hộp, đĩa, tô và một số vật dụng dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm làm từ bột ngô, bã mía, xơ dừa... để thay thế. Nhiều hệ thống còn sử dụng phương pháp bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên như lá chuối, lá dong, lạt tre nứa, túi giấy... thay cho túi ni lông; ngừng kinh doanh sản phẩm ống hút nhựa, thay thế bằng các loại ống hút từ tre, bột gạo...
Người tiêu dùng lựa chọn rau quả được gói bằng lá chuối tại siêu thị Big C Thăng Long
Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc Phạm Thị Ngọc Lan chia sẻ: "Khi chuyển đổi sang sản phẩm tự hủy, thân thiện với môi trường, doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí và công sức. Nhưng chúng tôi nhận thấy, đây không phải là phong trào nhất thời mà đang là xu hướng phát triển tất yếu, được cộng đồng ngày càng ủng hộ. Cùng với các giải pháp thay thế, chúng tôi cũng tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích khách hàng thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa".
Tuy cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã có những động thái tích cực trong việc giảm rác thải nhựa, nhưng thực tế, việc sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa vẫn rất phổ biến. Ðể có thể cải thiện được tình trạng này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả ba phía, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nêu thực tế, Nhà nước hiện chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, các ưu đãi về thuế, vốn vay... cho doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường. Ðơn cử, để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp phải đem sang các phòng thí nghiệm của Ấn Ðộ, Thụy Ðiển, do chưa thực hiện được trong nước. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi, đồng thời, đầu tư, đặt hàng các công nghệ, dây chuyền sản xuất ứng dụng vật liệu mới để triển khai rộng.
Thực hiện lộ trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ nguyên liệu nhựa trong sản xuất. 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại từ nguồn, phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy. Phấn đấu đến ngày 31/12/2020, tất cả các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn không dùng túi ni lông khó phân hủy; giảm 50% số bao bì khó phân hủy tại các chợ... Sau năm 2020, các đơn vị phân phối tiêu dùng chỉ nhập và bán các sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh: "Giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ. Ðồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần để góp phần BVMT và sức khỏe của người dân".
Hoàng Đàn (Theo nhandan.com.vn)