25/07/2016
Ngày 22/7, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức Hội thảo An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND các tỉnh và các Sở TNMT, NN&PTNT, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh Tây Nguyên; lãnh đạo một số huyện trọng điểm; các trường đại học trên địa bàn; các tập đoàn, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật các tỉnh Tây Nguyên; các cơ quan nghiên cứu ở Tây Nguyên: Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các cơ quan nghiên cứu khác.
Vùng Tây Nguyên có diện tích 54.474 km2 (chiếm 16,8% diện tích cả nước), là vùng trọng điểm phát triển kinh tế của Việt Nam và là nơi sinh sống của gần 6 triệu đồng bào các dân tộc. Tây Nguyên có các 4 lưu vực sông chính (sông Ba, sông Đồng Nai, Sê San và Sêrêpôk), trong đó lưu vực Sê San và Sêrêpôk chiếm diện tích tự nhiên lên tới 29.884 km2 và cũng là hai phụ lưu quan trọng, đóng góp lượng nước lên tới 18% cho lưu vực sông Mê Công.
Những năm qua, việc phát triển thủy điện trên dòng chính và các dòng nhánh của Sê San - Sêrêpôk đã và đang tác động tiêu cực đến tài nguyên nước, nguồn lợi thủy sản tự nhiên, sinh kế người dân. Việc quy hoạch thiếu thống nhất trong phát triển thủy điện là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mặt tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút. Quá trình mở rộng diện tích cây công nghiệp cần nhiều nước tưới như: cà phê, cao su, tiêu… dẫn đến tình trạng chặt phá rừng diễn ra mạnh mẽ trong những năm vừa qua.
Từ năm 2008 - 2014, Tây Nguyên đã mất đi hơn 358.700 ha rừng, trung bình mỗi năm mất hơn 51.200 ha rừng). Nguồn nước ngầm tại khu vực này đang bị khai thác quá mức và lâm vào tình trạng kiệt quệ. Vào mùa khô 2015 - 2016 vừa qua, Tây Nguyên phải hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong hơn 20 năm qua. Hệ thống sông, suối, hồ chứa... cạn kiệt nước, mực nước ngầm giảm sâu đến mức khó có thể khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chưa kể tưới cho cây nông - công nghiệp. Đã có hơn 160.000 hecta diện tích cây trồng bị thiệt hại bởi khô hạn và hàng ngàn hecta cà phê, tiêu... mất trắng.
Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài ảnh hưởng của đợt El Nino kéo dài bất thường trên phạm vi toàn cầu, cũng cần nhìn nhận lại các yếu tố khác dẫn đến sự thiếu bền vững về an ninh nguồn nước Tây Nguyên. Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra ngày càng mãnh liệt với tần suất liên tục hơn. Do đó, cần thiết phải có những đánh giá về thực trạng, thay đổi tư duy, xây dựng các giải pháp ứng phó về dài hạn để giúp Tây Nguyên đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tổng quan về điều kiện tự nhiên, thực trạng và những thách thức trong việc quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại khu vực. Các chuyên gia cũng trình bày nhiều vấn đề liên quan như: bài toán cân đối trong khai thác sử dụng nước, biến động thảm rừng và nguồn thủy sinh trên địa bàn, cơ hội và thách thức của việc phát triển thủy điện đối với tài nguyên nước Tây Nguyên…
Các đại biểu tập trung thảo luận: nguyên nhân suy giảm nguồn nước vùng Tây Nguyên và giải pháp khắc phục tác động thủy điện đến đa dạng sinh học, môi trường và phát triển bền vững tài nguyên nước Tây Nguyên. Đồng thời, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện về thực trạng, mối quan hệ giữa an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội tại vùng. Từ đó, đưa ra kiến nghị, giải pháp về chính sách, kỹ thuật, ý tưởng phát triển nhằm giúp các tỉnh Tây Nguyên ứng phó với thách thức về nguồn nước trong dài hạn, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Hoàng Đàn