Banner trang chủ

Góp ý cho Đề án bảo tồn loài chà vá chân xám ở Quảng Nam

22/07/2019

     Ngày 17/7/2019, tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp các tổ chức quốc tế tổ chức “Hội thảo góp ý lần thứ hai cho Đề án bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự có đại diện các Sở, ban, ngành, UBND huyện Núi Thành, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, chuyên gia trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.

     Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, Hội thảo lần này nhằm tham vấn để hoàn thiện “Đề án tổng thể bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2028”.

     Qua khảo sát tại khu vực núi ở thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, các cơ quan chức năng ghi nhận khoảng 50 cá thể chà vá châm xám đang sinh sống thành khoảng 4 đàn và bị chia cắt bởi các dải rừng hẹp trên đỉnh núi đá với diện tích khoảng 25 ha.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các đề xuất chính bao gồm bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học trong khu vực, nâng cao vai trò phòng hộ của rừng đầu nguồn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.

 

Hội thảo góp ý lần thứ hai cho đề án bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

 

     Cụ thể, đề án đề xuất tổng diện tích sinh cảnh sống cho voọc chà vá chân xám và bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này dự kiến vào khoảng 150 ha để kết nối sinh cảnh của các đàn chà vá chân xám sống trên 4 khu vực biệt lập lại với nhau. Bên cạnh loài chà vá chân xám, khảo sát ban đầu cho thấy khu vực này còn có một số loài động thực vật có giá trị về đa dạng sinh học như đa, ngô đồng, đèn dài, khỉ đuôi lợn, cheo, mang, một số loài chim và động vật hoang dã khác.

     Việc chuyển đổi từ rừng sản xuất gỗ dăm sang rừng cây gỗ lớn giúp làm giàu rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên và cải tạo môi trường sống cho loài chà vá chân xám là vô cùng quan trọng, giúp giữ gìn nguyên vẹn các thảm thực vật, phục hồi và phát triển đa dạng sinh học. Việc giữ lại 150ha rừng tự nhiên đóng vai trò đảm bảo nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở đất, giảm lũ lụt cục bộ và điều hòa khí hậu trong khu vực, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nâng cao kinh tế trong khu vực.

     Kết quả tham vấn 4 thôn vùng đệm khu vực ưu tiên gồm Tú Mỹ, Đồng Cố (nay đã nhập thành thôn Tú Mỹ), Tịnh Sơn và thôn 1 cho thấy cộng đồng dân cư tích cực ủng hộ đề án bảo tồn voọc chà vá chân xám, sẵn sàng giao lại đất nương rẫy để phục hồi sinh cảnh sống cho loài. Bên cạnh đó, các phương án như xây dựng vườn ươm cây giống có giá trị về bảo tồn gen, thành lập Trung tâm Diễn giải thiên nhiên và nâng cấp cơ sở hạ tầng bảo vệ rừng cũng là các phương án góp phần đóng góp vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững của địa phương.

     Những ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện, xây dựng đề án tổng thể nhằm bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

 

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn