09/01/2017
Tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam. Nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như hổ, voi, cá sấu, tê tê và các loài linh trưởng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc gây nuôi thương mại vừa là một giải pháp phát triển kinh tế vừa có giá trị bảo tồn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được nhận định là “con đường” dẫn đến sự tuyệt chủng. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn bà Jenny Daltry - Cán bộ cao cấp về bảo tồn sinh vật học - Tổ chức Động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI).
Thưa bà, việc gây nuôi cá sấu xiêm là một thành công chứng minh gây nuôi thương mại các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm không chỉ giúp phát triển kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn các loài này. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Bà Jenny Daltry: Chúng ta hãy nhìn vào con số hơn 1.100 cơ sở gây nuôi ĐVHD ở Việt Nam với hàng trăm nghìn cá thể cá sấu, trong khi chỉ có khoảng 20 cá thể cá sấu xiêm trưởng thành trong tự nhiên. Đó là trường hợp tái thả thành công duy nhất tại VQG Cát Tiên với một số cá thể cá sấu xiêm được chuyển đến từ các cơ sở gây nuôi. Trên thực tế, ngành công nghiệp gây nuôi ĐVHD đã đem lại lợi ích kinh tế cho các cơ sở gây nuôi, buôn bán cá sấu và các sản phẩm từ cá sấu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các cơ sở gây nuôi ĐVHD ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào, ngày càng có nhiều cá thể cá sấu bị săn bắt trong tự nhiên để đưa về các cơ sở gây nuôi. Các cơ sở này đã tìm cách “lách luật” để việc buôn bán trái phép cá sấu trở nên dễ dàng hơn. Thực tế cho thấy, hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD ở Việt Nam không đem lại lợi ích, mà còn tác động tiêu cực tới công tác bảo tồn các loài cá sấu xiêm.
Việc cho phép gây nuôi cá sấu đã làm gia tăng các áp lực đối với quần thể cá sấu trong tự nhiên |
Xin bà giải thích rõ hơn về mối liên hệ giữa gây nuôi thương mại cá sấu với sự tuyệt chủng của loài này ở bán đảo Đông Dương?
Bà Jenny Daltry: Ngành công nghiệp gây nuôi thương mại ĐVHD đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng tới quần thể cá sấu trong tự nhiên ở các nước Đông Dương. Trước hết, sự hình thành của ngành công nghiệp gây nuôi ĐVHD vào những năm 50 của thế kỷ XX đã kích thích nhu cầu khai thác cá sấu trong tự nhiên để đưa vào các cơ sở gây nuôi. Tính đến nay, có hơn 2.500 cơ sở gây nuôi ĐVHD ở bán đảo Đông Dương và đa phần các cá thể có nguồn gốc từ tự nhiên. Rất nhiều khu vực sông hồ - nơi cá sấu sinh sống đã bị các tay săn trộm “xóa sổ” nhằm khai thác cá sấu cung cấp cho trang trại gây nuôi. Cho dù những cơ sở này có thành công trong việc nuôi cá sấu, nhưng chi phí săn bắt cá sấu ngoài tự nhiên vẫn thấp hơn nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi chúng đủ lớn để có thể đem bán. Điều này gây áp lực lớn đối với quần thể cá sấu trong tự nhiên. Mặt khác, việc cho phép tự do thương mại cá sấu trên thị trường dẫn đến những khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phân biệt giữa cá sấu được gây nuôi hợp pháp với cá sấu bị săn bắt trái phép ngoài tự nhiên. Nếu không có biện pháp quản lý phù hợp, các quy chế bảo vệ chặt chẽ, ngành công nghiệp gây nuôi ĐVHD sẽ tiếp tục gây ra những áp lực đối với quần thể tự nhiên và rất khó để có thể bảo vệ chúng. Ngoài ra, một hệ quả nữa của việc gây nuôi thương mại ĐVHD là những ảo tưởng rằng công tác bảo tồn vẫn đang diễn ra, trong khi thực tế số lượng loài này đang ngày càng sụt giảm nhanh chóng.
Bà có đồng ý với việc hợp pháp hóa hoạt động gây nuôi và trao đổi thương mại các loài nguy cấp quý hiếm không?
Bà Jenny Daltry: Đó là một câu hỏi rất khó trả lời, bởi thực tế trên thế giới vẫn có một số trường hợp ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được gây nuôi thành công và buôn bán trao đổi ở mức ổn định, đem lại lợi ích cho những người triển khai. Tại Mỹ, các cơ sở gây nuôi cá sấu hoạt động rất tốt, đồng thời cũng làm tăng số lượng cá sấu hoang dã. Tương tự, việc gây nuôi loài cá sấu nước mặn ở Ôxtrâylia đã được thực hiện thành công với số lượng cá thể ngoài tự nhiên cũng tăng lên. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi. Từ những mô hình đó, các nước Đông Dương cũng cho phép gây nuôi cá sấu như một biện pháp bảo tồn. Nhưng thực tế thì không phải như thế và việc gây nuôi thương mại đã làm gia tăng số lượng ĐVHD bị săn bắt trong tự nhiên. Đặc biệt, có trường hợp nhiều người thích tiêu thụ ĐVHD từ tự nhiên hơn bởi họ cho rằng động vật từ tự nhiên sẽ tốt hơn động vật trong trang trại gây nuôi. Vì lẽ đó, có thể thấy, ở các nước Đông Dương, hoạt động gây nuôi và trao đổi thương mại ĐVHD càng diễn ra mạnh mẽ thì quần thể ĐVHD trong tự nhiên càng chịu nhiều áp lực. Do đó, cần phải tăng cường công tác thực thi luật pháp để bảo vệ ĐDSH nói chung và ĐVHD nói riêng. Cá nhân tôi không ủng hộ việc gây nuôi và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, bởi lẽ lịch sử gây nuôi cá sấu ở các nước Đông Dương đã cho thấy những tác động tiêu cực đối với quần thể cá sấu xiêm trong tự nhiên. Hiện nay, các nước Đông Dương chưa đủ điều kiện, năng lực để gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD.
Nguyễn Hằng
(Thực hiện)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016