Banner trang chủ

Covid-19: Hồi chuông cảnh tỉnh từ nạn săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã

03/03/2020

     Sau khi bùng phát tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) từ cuối năm 2019, dịch bệnh do virus Corona chủng mới đã khiến hơn 2.247 người thiệt mạng và hơn 76.724 người nhiễm trên toàn cầu (tính đến ngày 21/2/2020).Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chính quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với buôn bán động vật hoang dã để chống lại sự lây lan của loài virus này. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn trên thế giới đang dùng cơ hội này để yêu cầu một lệnh cấm vĩnh viễn nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã.

     Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao tại Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Virus Corona là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Virus Corona là chủng virus mới chưa được xác định trước đó. Ngoài chủng virus Corona mới phát hiện này, đã có 6 chủng virusCoronakhác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.

     Virus Corona là một betacoronavirus, giống như MERS và SAR, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi. Virus Corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau, bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus. SARS, một loại coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người, bắt nguồn loài từ cầy hương, trong khi MERS, một loại coronavirus khác lây nhiễm cho người, bắt nguồn từ lạc đà.

     Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Tính đến ngày 21/2/2020, con số người chết vì virus corona mới vượt quá con số 2.000. Số lượng người bị lây nhiễm bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

     Cho đến nay, đại đa số các trường hợp lây nhiễm ở ngoài biên giới Trung Quốc đều do những người đến từ vùng tâm dịch Vũ Hán. Trước hiện tượng mới đáng lo ngại này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo cho dù trong hiện tại, hiện tượng được ghi nhận này mới chỉ là ''một tia lửa nhỏ'', nhưng có thể làm bùng lên một trận hỏa hoạn lớn. Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh là mục tiêu hiện nay là phải cô lập, ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ lan rộng của các tia lửa nhỏ, và kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực phòng dịch.Ngày 11/2/2020, WHO công bố tên gọi mới của chủng virus Corona gây bệnh viêm phổi là Covid-19.

 

Chợ Hoa Nam (Vũ Hán - Trung Quốc)

 

     Trước tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, Chính phủ Trung Quốc đã ban bố lệnh tạm cấm việc mua, bán các loài hoang dã tại các chợ, các nhà hàng và trên các nền tảng trực tuyến. Những tác động tiêu cực của việc buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã lên tới quần thể của chúng và đa dạng sinh học toàn cầu đã được biết đến rộng rãi, tuy nhiên ảnh hưởng của việc buôn bán này đối với sức khỏe của con người hiện nay vẫn còn hạn chế và ít được quan tâm. Bệnh dịch do virus Corona mới xuất hiện, dịch SARS, MERS và những dịch tương tự khác đã bùng phát trong lịch sử cận đại cho thấy cần phải hành động khẩn trương và tăng cường nâng cao nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe con người do buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã gây ra. 

     Các thị trường buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã còn sống hay đã chết rất phổ biến ở nhiều nước châu Á, đặc biệt là ở lưu vực sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam, khu vực Tam giác vàng, điểm gặp nhau giữa Thái Lan, Lào và Myanmar, rất gần với biên giới Trung Quốc. Những kẻ săn trộm trải bẫy khắp nơi để săn bắt thú rừng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở khu vực và đã trở thành vấn nạn phổ biến ở các nước. Kết cục là rất nhiều khu rừng nhiệt đới ở châu Á đang trở thành rừng rỗng, không còn các quần thể thú đặc hữu, quý và hiếm. Vì vậy việc buôn bán các loài hoang dã này cần phải được cấm tuyệt đối. Đáng tiếc là, nhiều quốc gia đã có luật cấm buôn bán, săn bắt các loài hoang dã nguy cấp, nhưng việc thực thi pháp luật đối với các thị trường bất hợp pháp này dường như bị bỏ ngỏ.

     Những hoạt động buôn bán bất hợp pháp này không chỉ là mối đe dọa đối với quần thể các loài hoang dã. Do hoạt động buôn bán này không được kiểm dịch nên nó đã trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người và vật nuôi, và do đó tiềm ẩn những ảnh hưởng khôn lường tới cộng đồng và kinh tế cả ở cấp quốc gia cũng như cấp quốc tế. Virus Corona gây bệnh trên động vật, và có thể truyền từ động vật sang người.

     Loại virus này có khả năng tự biến đổi và trú ngụ tại vật chủ là động vật có vú và truyền sang người ở những nơi con người tiếp xúc gần với các loài thú mang bệnh. Vì vậy, các thị trường buôn bán các động vật hoang dã tạo ra một môi trường tiềm ẩn nguy cơ cao cho các loại virus như thế này biến đổi và lây sang con người và, đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Thêm vào đó, sự thuận tiện của giao thông và phát triển du lịch khiến cho việc phát tán virus từ người mắc bệnh trở nên dễ dàng, các ổ dịch cục bộ có thể nhanh chóng phát triển thành đại dịch.

     Việt Nam đã từng chịu ảnh hưởng và thiệt hại về người và của đối với các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật như SARS và hiện tại là virus corona (2019-nCoV). Để tránh sự bùng phát của các dịch bệnh này, Việt Nam cần đóng cửa vĩnh viễn các thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép và tăng cường thực thi pháp luật. Phản ứng nhanh đối với dịch cúm virus corona, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm buônbán động vật hoang dã. Việt Nam cần có những hành động tương tự để đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật trong tương lai.

     Trong thời gian tới, WWF sẽ làm việc chặt chẽ với các chính phủ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương để tiếp tục tăng cường hệ thống pháp lý quốc gia và quốc tế cũng như vận động sự tham gia của ngành y tế công cộng nhằm chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã, bao gồm đóng cửa các thị trường các loài hoang dã chưa được quản lý.

     Đồng thời để đảm bảo an toàn quốc gia, an ninh kinh tế và sức khỏe cộng đồng cũng như vìmục tiêu gìn giữ các hệ sinh thái quý giá của Việt Nam, WWF mong muốn Chính phủViệt Nam thực hiện các hành động mạnh mẽ và bền vững để ngăn chặn mọi hoạtđộng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam với các kiến nghị cụ thể:Xác định và đóng cửa các chợ và các địa điểm có buôn bán động vật hoangdã bất hợp pháp; Xác định và thực thi lệnh cấm với các nhà hàng bán trái phép các sản phẩmthịt hoang dã; Ban hành các quy định bắt buộc với tất cả các nền tảng thương mại điện tử,phương tiện truyền thông xã hội và báo chí trực tuyến để theo dõi, loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp; Xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại; Cải cách thủ tục tư pháp để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa trong côngtác xử lý tội phạm về động vật hoang dã; Nâng cao nhận thức hơn nữa cho người dân Việt Nam về những rủi ro củaviệc tiêu thụ động vật hoang dã đối với an ninh công cộng và sức khỏe cộng đồng.

 

Nguyễn Thị Phương Ngân

Nguyễn Thị Phú Hà

WWF tại Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn