03/04/2019
Lê Hoàng Anh, Mạc Thị Minh Trà
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường
Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, công tác thực hiện Chương trình quan trắc môi trường quốc gia về môi trường nước mặt đã được triển khai hiệu quả, mang lại kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm các lưu vực sông (LVS) trên cả nước, trong đó có LVS khu vực miền Bắc.
Đánh giá chất lượng nước của các LVS miền Bắc
Thực hiện Chương trình quan trắc môi trường nước mặt năm 2018 (Theo Quyết định số 1309/QĐ-BTNMT ngày 26/4/2018 của Bộ TN&MT), Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã tiến hành quan trắc chất lượng nước tại 5 LVS (Cầu, Nhuệ Đáy, Mã - Chu, Hồng - Thái Bình và sông Lam - La) thuộc khu vực miền Bắc, với tổng số 185 điểm quan trắc, tần suất 5 đợt/năm. Kết quả của 3 đợt quan trắc đã thực hiện từ tháng 7 - 10/2018 cho thấy, chất lượng môi trường nước mặt được đánh giá dựa theo Chỉ số chất lượng nước (WQI) ở thượng nguồn của 5 LVS còn khá tốt. Ô nhiễm và suy thoái vẫn chủ yếu tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu (các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề), một số khu vực vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội, các sông khác thuộc khu vực nội thành Hà Nội (LVS Nhuệ - sông Đáy), đoạn sông Cầu qua tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh, sông Ngũ Huyện Khê đoạn qua Bắc Ninh (LVS Cầu)...
Lấy mẫu quan trắc trên các LVS
Đánh giá chung về các LVS, LVS Hồng - Thái Bình có chất lượng nước tốt nhất trong 5 LVS, với tỷ lệ 100% các khu vực được quan trắc nước có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. LVS Mã - Chu, sông Lam và sông La, có hơn 70% các vị trí quan trắc, nước sông có thể đáp ứng mục đích tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, tại LVS Cầu và LVS Nhuệ - Đáy, số khu vực bị ô nhiễm chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 50%), thậm chí chất lượng nước tại sông Ngũ Huyện Khê ở mức rất kém.
Đối với LVS Cầu: Chất lượng nước có sự biến động theo quy luật mùa (môi trường nước sông bị suy giảm từ tháng 7 đến tháng 10/2018 do thời điểm quan trắc vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô). Giá trị WQI tại 22/22 điểm quan trắc trên LVS Cầu trong tháng 9-10 dao động từ 27 - 70, giảm so với tháng 9 - 10/2018 (giá trị WQI giao động trong khoảng 31- 98). Trong đó, ô nhiễm tập trung ở khu vực hạ lưu LVS, do ảnh hưởng của nước thải làng nghề (đoạn chảy qua Bắc Ninh, Bắc Giang) và hoạt động sản xuất thép, nước thải sinh hoạt từ TP. Thái Nguyên (đoạn chảy qua TP.Thái Nguyên). Kết quả quan trắc cho thấy, môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ.
Trên các phụ lưu sông Cầu (sông Công, Ngũ Huyện Khê) trong tháng 9-10, môi trường nước cũng bị suy giảm so với tháng 7-8/2018. Giá trị WQI tại hầu hết các điểm quan trắc trên sông Công và sông Ngũ Huyện Khê đều rất thấp: cầu Đa Phúc (WQI=20), cầu Huy Ngạc (WQI=42), cầu Bình Sơn (WQI=37), Mỏ Chè (WQI=41), cầu Đào Xá (WQI=27), nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.
LVS Nhuệ - sông Đáy: Môi trường nước tiếp tục bị ô nhiễm tại nhiều khu vực đi qua khu dân cư, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp. Nước sông Nhuệ (đoạn từ đoạn từ cống Liên Mạc đến Đồng Quan) và các sông nội thành vẫn đang bị ô nhiễm khá nặng. Nước sông Đáy và các nhánh sông khác vẫn ổn định và có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.
Trên dòng chính sông Nhuệ, kết quả quan trắc trong đợt 3 (tháng 9 - 10/2018) cho thấy, mức độ ô nhiễm cao hơn đợt 1&2 (tháng 7 - 8/2018), có 8/10 điểm quan trắc có giá trị WQI nằm trong khoảng 26 - 50, nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy. Trong khi đó, kết quả tháng 7 - 8/2018 cho thấy, phần lớn các điểm quan trắc có giá trị WQI =51 - 75, nước sông sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.
Chất lượng nước sông Đáy duy trì khá ổn định trong thời gian từ tháng 7 - 10/2018, giá trị WQI tại phần lớn các điểm quan trắc nằm trong khoảng 51 - 76, nước sông có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác. Trên các nhánh sông khác (Hoàng Long, Bôi, Châu Giang và Đào), chất lượng nước tương đối tốt, phần lớn các điểm có giá trị WQI nằm trong khoảng 50 - 75, nước sông có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản.
LVS Hồng - Thái Bình: Từ tháng 7 - 10/2018, chất lượng nước trên LVS Hồng - Thái Bình khá tốt và ít biến động, nước sông đều sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Tại nhiều khu vực, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt với giá trị WQI nằm trong khoảng 76 - 100. Trên các sông khác như sông Đà, Lô và Thái Bình nhìn chung môi trường nước sông khá sạch, chưa bị ô nhiễm, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
LVS Mã - Chu: Chất lượng nước được đánh giá khá tốt tại 3 thời điểm quan trắc năm 2018. Đoạn sông Mã chảy qua tỉnh Điện Biên và tỉnh Thanh Hóa có giá trị WQI nằm trong khoảng 76 - 90, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, tại một số thời điểm trong tháng 8 - 9/2018, do ảnh hưởng của mưa lũ, ở khu vực thượng nguồn sông Mã (đoạn chảy qua tỉnh Sơn La), xuất hiện tình trạng ô nhiễm hữu cơ (giá trị COD và BOD5 vượt giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (B1) từ 5 - 8 lần, nước sông chỉ sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.Tại các sông nhánh khác như sông Chu và sông Bưởi, chất lượng nước sông tốt hơn dòng chính sông Mã.
Sông Lam, sông La và các sông phụ lưu: Nhìn chung, chất lượng môi trường nước cả 3 đợt quan trắc năm 2018 khá sạch, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, giá trị WQI nằm trong khoảng 72 - 98, phản ánh nước sông có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt.
Giải pháp quản lý chất lượng nước đối với LVS khu vực miền Bắc
Thứ nhất, cần tiếp tục tập trung triển khai biện pháp xử lý nước thải công nghiệp và làng nghề tại các LVS trọng điểm, như nước thải công nghiệp và khai thác khoáng sản tại Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Nội; nước thải làng nghề tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam; đẩy mạnh việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng và sớm có biện pháp khắc phục ô nhiễm, sông Ngũ Huyện Khê (LVS Cầu), Tô Lịch và các sông hồ nội thành Hà Nội, sông Nhuệ từ Hà Đông - Hà Nội đến Phủ Lý - Hà Nam, sông Bắc Hưng Hải (Hưng Yên)...
Thứ ba, tăng cường các hoạt động quan trắc, giám sát nhằm kiểm soát vấn đề ô nhiễm nước xuyên biên giới đối với LVS Hồng (trên địa bàn tỉnh Lào Cai); Xây dựng cơ chế hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước xuyên biên giới và chia sẻ lợi ích sử dụng nguồn nước.
Thứ tư, quy hoạch phòng, chống lũ cho các hệ thống sông; rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống đê nhằm tăng cường khả năng thoát lũ của lòng sông.
Thứ năm, tăng cường quản lý hoạt động cấp phép đầu tư đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: khai thác khoáng sản, sản xuất bột giấy, hóa chất, nhuộm, thuộc da…
Thứ sáu, ngăn chặn triệt để nạn phá rừng, tăng cường trồng rừng; hoàn thiện việc điều tiết nước sông trong mùa khô và mùa mưa, đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát lũ và tăng khả năng tự làm sạch của các sông.
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2019)