06/02/2018
Công trình Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) dãy Trường Sơn do TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) làm chủ biên và các cộng sự biên soạn đã vinh dự được nhận Giải Nhân tài Đất Việt về lĩnh vực môi trường năm 2017. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Sinh về những giá trị và ý nghĩa của công trình khoa học Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TM&MT trao giải thưởng cho TS. Nguyễn Ngọc Sinh |
Xin ông cho biết đôi nét về công trình khoa học Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh: Dãy Trường Sơn có phạm vi, đặc tính ĐDSH như thế nào, vai trò ra sao trong sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh môi trường và phát triển bền vững các quốc gia trên bản đảo Đông Dương… là những nội dung được đề cập tại 3 cuộc hội thảo khoa học quốc tế liên tục từ năm 2009 đến năm 2010. Qua các hội thảo, nhiều báo cáo khoa học có chất lượng của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng nêu trên.
VACNE đã tổ chức biên soạn cuốn sách Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn, trên cơ sở khai thác có chọn lọc các báo cáo khoa học của 3 hội thảo nêu trên. Trong đó có bổ sung nghiên cứu của các thành viên nhóm biên soạn. Cuốn sách là sự hưởng ứng tích cực của VACNE với Năm Quốc tế về rừng 2011. Do mục tiêu là phục vụ cộng đồng nên cuốn sách chọn cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu, thích hợp với cộng đồng. Đây là một đóng góp thiết thực cho bảo vệ thiên nhiên và môi trường dãy núi hùng vĩ này, góp phần khỏa lấp những khoảng trống còn quá rộng về nhiều mặt trong bảo tồn và phát triển các tài nguyên đa dạng, trong đó có tài nguyên sinh học dãy Trường Sơn.
Cuốn sách gồm 4 phần chính, đi từ việc xác định phạm vi địa lý, phân vùng tự nhiên dãy Trường Sơn, các di sản thế giới và dân cư trên dãy Trường Sơn (phần I), sự đa dạng phong phú của sinh vật dãy Trường Sơn (phần II), những đe dọa nghiêm trọng đối với ĐDSH dãy Trường Sơn (phần III), đến những Hành động cấp bách của bảo vệ ĐDSH dãy Trường Sơn hướng tới Phát triển bền vững (phần IV). Nội dung cuốn sách không phải là sự tổng hợp đơn giản các tài liệu hiện có mà là sự nâng cấp luận giải theo cái nhìn mới về dãy Trường Sơn huyền thoại, cũng như bổ sung nhiều tư liệu.
Ông có thể chia sẻ những giá trị nổi bật của dãy Trường Sơn được thể hiện trong công trình khoa học này, thưa ông?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh: Dãy Trường Sơn là xương sống của bán đảo Đông Dương, nằm giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia với chiều dài 1.100 km và tổng diện tích trên 22 triệu ha, được chia thành hai vùng chính là Bắc Trường Sơn và Nam Trường Sơn với một vùng đệm hẹp xen giữa kéo dài từ dãy Bạch Mã đến dãy Ngọc Linh. Đây là nơi gặp gỡ của hai khu vực sinh học địa lý lớn: vùng nhiệt đới gió mùa phía Bắc và vùng nhiệt đới điển hình phía Nam. Dãy Trường Sơn kết hợp được cả yếu tố động thực vật của hai vùng này, có tính đa dạng cao về sinh cảnh, từ sinh cảnh rừng nhiệt đới thường xanh gió mùa trên núi đá vôi karst và đá hoa cương, hệ sinh thái rừng khộp, hệ sinh thái rừng lá kim đến các hệ sinh thái savan khô hạn.
Không chỉ là khu vực có tầm cỡ quốc tế về ĐDSH, dãy Trường Sơn còn có những giá trị quan trọng về các mặt phát triển kinh tế - xã hội, an ninh môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); kết nối vùng trung tâm bán đảo Đông Dương với Biển Đông Dương, kết nối 2 đầu đất nước, là cái nôi văn hóa bản địa đặc sắc, là nơi sinh cư của nhiều dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Mặc dù vẫn còn nghèo, nhưng nhiều cộng đồng dân tộc ít người cư trú trên dãy Trường Sơn đều sáng tạo ra nhiều loại hình văn hóa thích nghi, với các bộ luật, tập tục quy định ngặt nghèo hành vi của con người đối với thiên nhiên. Nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập trên dãy Trường Sơn cho thấy hiệu quả của các kho tàng kiến thức bản địa này.
ĐDSH dãy Trường Sơn gắn chặt với an ninh môi trường. Dãy Trường Sơn đảm bảo an ninh nguồn nước; cung cấp nơi cư trú và văn hóa địa phương; kiểm soát thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai; cung cấp các sản phẩm gỗ và phi gỗ; tạo ra chế độ khí hậu địa phương, qua đó tạo ra các nguồn gen quý, các tập đoàn giống cây trồng và vật nuôi bản địa, nguồn sinh vật thiên địch bảo vệ an toàn cho nông ngư nghiệp... Có thể nói, mọi biến động điều kiện tự nhiên trên dãy Trường Sơn đều kéo theo các biến động của các địa phương vùng chân núi. Những kế hoạch khai thác tài nguyên trên dãy Trường Sơn đều là những đánh đổi trong sinh kế của dân cư các địa phương trong vùng..
Dãy Trường Sơn có vai trò không thể thay thế trước đe dọa của BĐKH. Dãy Trường Sơn tạo ra tính ì của nền khí hậu địa phương làm chậm các tác động tiêu cực do BĐKH tạo ra. Thảm rừng trên Trường Sơn làm chậm và giảm nhẹ quá trình lũ lụt, làm tan các cơn bão, làm chậm quá trình khô hạn hóa. Nguồn dược liệu, dự trữ gen và thiên địch có khả năng giảm nhẹ các bệnh dịch cho con người, vật nuôi và cây trồng bùng phát do BĐKH. Hoạt động nâng liên tục của nền địa chất hiện đại trong phạm vi Trường Sơn (trừ các vùng cửa sông) góp phần giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu hiểm họa nước biển dâng cao ở nhiều địa phương ven biển miền Trung. Tạm tính với diện tích 11.000.000 ha nếu chỉ 50% diện tích có rừng cây thân gỗ thì mỗi năm dãy Trường Sơn giữ được 22-25 triệu tấn CO2, góp phần đáng kể vào giảm hiệu ứng nóng lên toàn cầu mà không cần đầu tư gì ngoài bảo vệ rừng.
Ông có những đề xuất và kiến nghị gì để bảo vệ ĐDSH dãy Trường Sơn trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Ngọc Sinh: Những vụ việc diễn ra ở Việt Nam cho thấy, việc phát triển đang băm nát dãy Trường Sơn cho những mục tiêu đơn lẻ của các ngành và địa phương. Quản lý chưa theo kịp với khai thác, sử dụng. Mâu thuẫn giữa các tỉnh cùng chia sẻ nguồn nước dãy Trường Sơn đang ngày càng mở rộng; mâu thuẫn giữa hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thượng nguồn, giữa đắp hồ đập thủy điện trên thượng nguồn với bảo vệ nguồn nước cho hạ lưu sông; giữa trồng cao su và rừng tự nhiên; giữa các khu bảo tồn thiên nhiên với hoạt động phát triển du lịch resort và khai thác lâm sản... Thật khó thống kê hết những cảnh báo về việc phát triển manh mún, lợi chỗ này lại hại chỗ khác trên dãy Trường Sơn.
Thực tế trên cho thấy, càng phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay ở Trường Sơn Việt Nam thì sự nghiệp phát triển bền vững các tỉnh thuộc phạm vi dãy Trường Sơn nói chung và bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn nói riêng không thể đạt được mục tiêu. Hoạt động phát triển thiếu một cơ sở chiến lược quản lý tổng hợp trên toàn bộ dãy Trường Sơn như hiện nay là cảnh báo sớm cho thảm họa môi trường trên dãy núi này và những vùng liên quan dưới đồng bằng và ven biển. Đây là một chiến lược lớn cần có sự chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ 3 nước Đông Dương, sự tham gia của các địa phương trong phạm vi dãy Trường Sơn, của các ngành, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước và cộng đồng địa phương.
Do chưa có một chiến lược toàn diện và thống nhất nên Trường Sơn hiện nay đang bị để ngỏ cho các sinh vật nguy hiểm xâm nhập như cây mai dương, cây bìm bôi, ốc bươu vàng, cây hoa ngũ sắc, sâu róm thông… Để có thể xây dựng một chiến lược quản lý tổng hợp thích hợp, có hai nhiệm vụ cần ưu triên là triển khai chương trình nghiên cứu khoa học về ĐDSH dãy Trường Sơn để khỏa lấp những khoảng còn chưa hiểu biết đầy đủ và nghiên cứu xây dựng chiến lược quản lý bảo tồn phù hợp. Có thể hiểu chiến lược là bao gồm tất cả các mặt hoạt động, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay không thể có nhanh một chiến lược, và dẫu có chiến lược rồi thì khâu thực hiện cũng còn nhiều vấn đề. Vì vậy, việc bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn cần được coi như một ưu tiên đi trước.
Dãy Trường Sơn là sống lưng của bán đảo Đông Dương nên rất cần một sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nước Việt - Lào - Campuchia trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, đặc biệt trong việc nghiên cứu, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên xuyên biên giới. ĐDSH dãy Trường Sơn không chỉ là tài nguyên quý giá của Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại. Sự phối hợp, trợ giúp quốc tế về kinh nghiệm, khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ bảo tồn và kinh phí cũng rất cần thiết. Cần có các dự án quốc tế và khu vực về bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn, có sự tham gia của 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam, xây dựng một diễn đàn chung về bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn, tổ chức các hội thảo Khu vực (ASEAN), Hội thảo Quốc tế, tổ chức các chương trình nghiên cứu khoa học, quản lí, đào tạo và thực hiện hoạt động bảo tồn... có lẽ là những bước đi cần thiết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Hằng (Thực hiện)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018