09/05/2017
Hiện nay, quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước về đa dạng sinh học (ĐDSH) chủ yếu dựa trên cơ sở phân chia các hệ sinh thái tự nhiên. Trong khi đó, các hệ sinh thái biển, rừng và đất ngập nước là một chỉnh thể thống nhất, không dễ phân biệt.
Theo quy định của Luật ĐDSH 2008 và Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ĐDSH, hệ sinh thái, khu bảo tồn đất ngập nước; Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý ĐDSH đối với hệ sinh thái, khu bảo tồn rừng và biển; Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chịu trách nhiệm quản lý phát triển quỹ gen; Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý về dược liệu. Ở địa phương, các Sở được phân công quản lý về ĐDSH bao gồm: TN&MT; NN&PTNT; KH&CN; Y tế.
Quy định tại khoản 1, Điều 10, Luật ĐDSH 2008, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm về quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước. Trong khi đó, theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng. Điều này tạo nên sự sai lệch về số lượng các khu bảo tồn giữa “Quy hoạch tổng thể ĐDSH của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Khoản 2, Điều 6 của Luật ĐDSH quy định, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm đối với hệ sinh thái, các khu bảo tồn đất ngập nước; Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý ĐDSH đối với hệ sinh thái, các khu bảo tồn rừng và biển. Trong khi đó, hệ sinh thái là một chỉnh thể thống nhất và có độ tương tác rất cao, không nên chia cắt để quản lý. Vì vậy, nếu không có một “lát cắt mới” trong quản lý, bảo tồn ĐDSH thì nguy cơ trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành là điều khó tránh khỏi.
3 mô hình quản lý nhà nước về ĐDSH trên thế giới bao gồm: Quản lý phân cấp; Quản lý tập trung; Quản lý phi tập trung
Đối với công tác quản lý nguồn gen và an toàn sinh học, Bộ TN&MT được giao là đầu mối quản lý chung. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ NN&PTNT đang được giao chủ trì việc bảo tồn nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Bộ KH&CN được giao là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quỹ gen và bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn gen còn có Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Do đó, thực tế triển khai các hoạt động quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, quản lý nguồn gen cũng như thực hiện quản lý tiếp cận nguồn gen tại Việt Nam còn thiếu sự liên kết, chia sẻ, trao đổi thông tin; Việc phân công, phân cấp, quy định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại còn chồng chéo, chưa rõ ràng; Vấn đề quản lý, cấp phép nhập khẩu sinh vật ngoại lai chưa có sự thống nhất.
Trên thế giới hiện có 3 mô hình quản lý nhà nước về ĐDSH bao gồm: Quản lý phân cấp; Quản lý tập trung; Quản lý phi tập trung. Trong 40 quốc gia được nghiên cứu có 37/40 quốc gia (chiếm tỷ lệ 92,5%) quản lý ĐDSH và các khu bảo tồn trong cùng 1 Bộ. Trong đó, 18/37 quốc gia (chiếm tỷ lệ 48,6%) phân công thống nhất cho 1 đơn vị trong Bộ quản lý toàn bộ ĐDSH và khu bảo tồn. Có thể thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giao 1 Bộ quản lý toàn bộ ĐDSH cấp quốc gia.
Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật BVMT, Bộ trưởng Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về BVMT, gồm cả bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, có 2 Bộ trực tiếp tham gia quản lý là TN&MT và NN&PTNT, tương ứng với mô hình quản lý phi tập trung.
Do đó, để quản lý thống nhất về ĐDSH cần giao 1 Bộ đầu mối quản lý ở cấp quốc gia thay vì giao quản lý theo các hệ sinh thái như hiện nay.
Nam Việt