30/06/2015
Thời gian qua, với quan niệm rác thải là thứ không có giá trị, là gánh nặng của xã hội nên nguồn tài nguyên này đã được thu gom, xử lý. Tuy nhiên, với phương thức xử lý bằng biện pháp chôn lấp hoặc đốt thủ công đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, chiếm dụng nhiều diện tích mà hiệu quả không cao, không những thế các nguồn nguyên liệu có thể tái chế như chất hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… bị chôn vùi trong đất phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phân hủy, còn biện pháp đốt thủ công thì thải khói độc ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Theo thống kê của Bộ TN&MT, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam khoảng 17 triệu tấn/năm, trong đó vùng đô thị phát sinh đến 6,5 triệu tấn/năm. Tại Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) - một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất Việt Nam, một số loại rác thải như túi ni lông, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây chủ yếu xử lý bằng biện pháp chôn lấp chứ không được tận dụng, tái chế, tái sử dụng.
Với thành phẩn chủ yếu là chất hữu cơ (chiếm 50 - 70%), rác thải sinh hoạt chính là nguồn nguyên liệu sản xuất phân vi sinh thân thiện với môi trường, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cải thiện chất lượng môi trường. Ngoài ra, rác thải còn được tái chế thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp, thậm chí, còn là nguyên liệu để sản xuất ra điện năng phục vụ cho đời sống con người. Nhận thức được vấn đề này, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc tận dụng rác thải là tài nguyên tái sinh, tái chế và cho ra các sản phẩm thân thiện môi trường, thậm chí xuất khẩu rác sang quốc gia khác để kiếm lời. Một số quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Singapo với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, mỗi năm đã tiết kiệm được từ 50 - 55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng…
Ở Việt Nam, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình xử lý chất thải rắn từ nay đến năm 2020, đảm bảo 70% lượng rác thải nông thôn, 80% rác thải sinh hoạt, 90% rác thải công nghiệp không nguy hại và 100% rác thải nguy hại phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Đặc biệt, Đề án xác định, đến năm 2015 có 60% và lên đến 95% vào năm 2020 lượng rác này được tái chế, tái sử dụng. Đây là chủ trương rất hợp lý của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay, thể hiện ý chí, sự quyết tâm của Nhà nước trong công tác xử lý, tái chế rác thải. Tuy nhiên, để thực hiện thành công Chương trình, rất cần sự ủng hộ của toàn xã hội.
Long Hoàng